Nghị định số 98/2017/NĐ-CP ngày 18/8/2017: Kỳ vọng chuyển động mới
Tin hoạt động 21/08/2017 07:00
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh luôn coi cải cách hành chính là chía khóa thành công |
Bộ máy tinh gọn, hướng tới nâng cao hiệu quả
Xét về vị trí chức năng, Bộ Công Thương là cơ quan của Chính phủ, thực hiện chức năng quản lý nhà nước về công nghiệp và thương mại, bao gồm các ngành và lĩnh vực: điện, than, dầu khí, năng lượng mới, năng lượng tái tạo, hóa chất, vật liệu nổ công nghiệp, công nghiệp cơ khí, luyện kim, công nghiệp khai thác mỏ và chế biến khoáng sản, công nghiệp tiêu dùng, công nghiệp thực phẩm, công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp môi trường, công nghiệp công nghệ cao; cụm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, khuyến công; thương mại trong nước; xuất nhập khẩu, thương mại biên giới; phát triển thị trường ngoài nước; quản lý thị trường; xúc tiến thương mại; thương mại điện tử; dịch vụ thương mại; hội nhập kinh tế quốc tế; cạnh tranh, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, phòng vệ thương mại; các dịch vụ công trong các ngành, lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của bộ.
Năm 2008, Bộ Công Thương được thành lập trên cơ sở sát nhập 2 Bộ: Công Nghiệp và Thương Mại, do đó, bộ máy được sắp xếp theo nguyên tắc giữ ổn định về tổ chức, nhân sự đảm bảo việc tổ chức, thực thi chức năng, nhiệm vụ của Bộ diễn ra bình thường. Trong quá trình vận hành, có phát sinh, bổ sung thêm 1 số đơn vị cho đến trước ngày Nghị định 98 được ban hành đã lên tới con số 35 đơn vị.
An ninh năng lượng luôn được coi trọng |
Tuy nhiên, trước yêu cầu, đòi hỏi ngày càng cao của xã hội cũng như đáp ứng được yêu cầu tổ chức quản lý trong tình hình mới, phù hợp với mục tiêu Chính phủ kiến tạo, hành động; đồng thời thực hiện Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước cũng như chỉ đạo của Thủ tướng về tái cơ cấu ngành Công Thương, ngay từ đầu nhiệm kỳ, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đã chỉ đạo quyết liệt, đẩy nhanh tiến độ thực hiện rà soát, kiến nghị Chính phủ tổ chức sắp xếp, kiện toàn bộ máy hoạt động của Bộ theo hướng tinh gọn, tránh sự cồng kềnh, chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ; giảm số đầu mối từ 35 xuống còn 30 đơn vị.
Như vậy, theo Nghị đinh 98/NĐ-CP, cơ cấu tổ chức mới của Bộ Công Thương bao gồm 11 vụ: Kế hoạch, Tài chính và Đổi mới doanh nghiệp, Khoa học và Công nghệ, Thị trường châu Á - châu Phi, Thị trường châu Âu – châu Mỹ, Chính sách thương mại đa biên, Thị trường trong nước, Vụ Dầu khí và Than, Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững, Tổ chức cán bộ, Pháp chế); 13 cục gồm: Cục Quản lý thị trường (sẽ nâng lên thành Tổng cục), Điện lực và Năng lượng tái tạo, Công tác phía Nam, Điều tiết điện lực, Công nghiệp, Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, Phòng vệ thương mại, Xúc tiến thương mại, Công Thương địa phương, Xuất nhập khẩu, Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp, Thương mại điện tử và Kinh tế số, Hóa chất); 6 đơn vị tương đương vụ là Thanh tra Bộ, Văn phòng Bộ, Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công Thương, Vuasanca , Tạp chí Công Thương, Trường Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ Công Thương Trung ương.
Cùng với sắp xếp tổ chức bộ máy, Bộ cũng đã xây dựng phương án tổ chức, bố trí sắp xếp nhân sự, đảm bảo khách quan, minh bạch, phát huy hiệu quả, năng lực của cán bộ, công chức.
2016 – Năm tạo bước chuyển ấn tượng
Có thể nói, việc ban hành Nghị định 98/NĐ-CP là một dấu mốc quan trọng, đánh dấu bước chuyển về chất của ngành Công Thương, đặc biệt là tư duy cải cách của đội ngũ lãnh đạo Bộ trong nhiệm kỳ mới. Khi triển khai thực tế, Nghị định 98 sẽ giúp tăng cường hơn nữa chức năng tham mưu, quản lý nhà nước, thực hiện mục tiêu Chính phủ kiến tạo, hành động; hiện thực hóa cam kết tái cơ cấu ngành, cải cách hành chính, thủ tục hành chính theo hướng công khai minh bạch; góp phần tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân; Thúc đẩy phát triển toàn diện các ngành, lĩnh vực công nghiệp, thương mại, xuất nhập khẩu, hội nhập kinh tế quốc tế. Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, bảo vệ môi trường, phát triển bền vững của đất nước, thích ứng với sự biến thiên của tình hình khu vực và thế giới...
Trên thực tế, trước khi có Nghị định này, dưới sự chỉ đạo quyết liệt, chủ động của "Tư lệnh ngành" và đội ngũ lãnh đạo các cấp, công tác quản lý, điều hành của Bộ Công Thương đã có bước chuyển động tích cực, được Quốc hội, Chính phủ, các tổ chức, đối tác quốc tế, cộng đồng doanh nghiệp ghi nhận đánh giá cao.
Trên thực tế, năm 2016 – năm đầu tiên của nhiệm kỳ, Bộ Công Thương đã bãi bỏ, đơn giản hóa 39 thủ tục hành chính (TTHC) ở nhiều lĩnh vực nóng. Trong đó đã dỡ bỏ, sửa đổi nhiều quy định về điều kiện đầu tư, kinh doanh, tạo điều kiện, động lực hỗ trợ doanh nghiệp phát triển. Điển hình như việc bãi bỏ Thông tư 37/2015/TT-BCT quy định về mức giới hạn và việc kiểm tra hàm lượng formaldehyt và amin thơm chuyển hóa từ thuốc nhuộm azo trong sản phẩm dệt may; sửa đổi quy định về khai báo hóa chất tại Thông tư 40/2011/TT-BCT; ban hành Thông tư 24/2016/TT-BCT quy định một số nội dung về rút ngắn thời gian tiếp cận điện năng; ban hànhThông tư thay thế Thông tư số 07/2012/TT-BCT quy định dán nhãn năng lượng đối với phương tiện, thiết bị sử dụng năng lượng.
Bên cạnh đó, Bộ cũng đã trình ban hành nhiều chính sách mới có tác động tích cực khi đi vào thực tiễn cuộc sống như Luật Quản lý ngoại thương; hàng loạt Nghị định về kinh doanh xuất khẩu gạo, xúc tiến thương mại, kinh doanh khí, bán hàng đa cấp, kinh doanh nhập khẩu ô tô, cơ chế điều chỉnh giá bán điện bình quân, giá sữa... Cùng với đó là sự quyết liệt chỉ đạo các đơn vị thực hiện giải quyết 12 dự án tồn đọng của ngành; đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn ở nhiều đơn vị; siết chặt quản lý thủy điện, môi trường nhiệt điện than...
Bộ Công Thương cũng là cơ quan đầu tiên đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, hiện đại hóa hành chính phục vụ công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp. Đặc biệt, việc thực hiện tất cả 130 dịch vụ công trực tuyến từ cấp độ 2-4 trên cổng điện tử của Bộ đã góp phần minh bạch hóa, tránh được nguy cơ tạo ra những sách nhiễu, phiền hà, tiết kiệm thời gian, chi phí cho doanh nghiệp. Các công tác này vẫn đang được triển khai quyết liệt trong năm 2017 với cam kết bãi bỏ 15 TTHC và đơn giản hóa 108 thủ tục trong tổng số 443 thủ tục thuộc phạm vi Bộ quản lý (tương đương với đơn giản hóa 27,8% tổng số TTHC hiện có). Tiếp tục xây dựng mới và nâng cấp 22 dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3 và 4.
Đánh giá về những cải cách này, ông Tomaso Andreatta - Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) cho rằng, dấu ấn rõ nét và tiêu biểu nhất là việc Bộ Công Thương đã không ngừng đơn giản hóa các thủ tục hành chính, nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp thông qua rà soát, sửa đổi, bổ sung, ban hành các văn bản pháp luật. Những thay đổi được xem như hành động "cởi trói" cho doanh nghiệp, không chỉ về thủ tục mà còn giúp tiết kiệm hàng nghìn tỷ đồng, góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, tạo niềm tin cho doanh nghiệp và cộng đồng.
Cải cách hành chính thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu |
Trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, xúc tiến thương mại, ông Nguyễn Viết Vinh – Tổng thư ký Hiệp hội cà phê ca cao Việt Nam khẳng định các hoạt động, chương trình xúc tiến của Bộ đã cải tiến thiết thực mang lại hiệu quả rõ nét, tạo điều kiện cho doanh nghiệp dễ dàng quảng bá thương hiệu, tìm kiếm cơ hội mở rộng thị trường xuất khẩu.
Và cũng không phải ngẫu nhiên mà Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá “Năm 2016, Bộ Công Thương là cơ quan làm tốt nhất việc đổi mới, cải cách thể chế - một khâu quan trọng trong thực hiện mục tiêu Chính phủ kiến tạo và phục vụ, là Bộ đi đầu trong cải cách thủ tục hành chính”.
Với những kết quả đạt được, cùng với việc triển khai Nghị định 98/NĐ-CP, chúng ta có quyền kỳ vọng mới ở một Bộ kinh tế đa ngành đang cố gắng nỗ lực thay đổi hình ảnh của mình, hoàn thành trọng trách to lớn trong nền kinh tế quốc dân, xứng đáng với niềm tin của Đảng, Quốc hội và nhân dân giao phó.