Nâng 10 - 15 bậc Chỉ số Khởi sự kinh doanh
Thông tin tại cuộc họp giữa Văn phòng Chính phủ và các đơn vị liên quan vừa qua tại Hà Nội, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng nhấn mạnh, Chỉ số Khởi sự kinh doanh của Việt Nam năm 2019 đứng thứ 115/190 nền kinh tế, giảm 11 bậc so với năm 2018. Mặc dù cải cách thủ tục này ở từng bộ đã đạt được những kết quả tích cực, song công tác phối hợp giữa các bộ còn chưa tốt, còn tình trạng ùn ứ từ việc liên thông, kết nối, chuyển từ thủ tục giấy sang điện tử.
Nỗ lực giảm số thủ tục khởi sự kinh doanh |
Để cải thiện chỉ số này, cần có sự quyết tâm của các cơ quan liên quan trong nỗ lực giảm số thủ tục khởi sự kinh doanh từ 8 xuống còn 4 thủ tục, tích hợp thủ tục, giảm thời gian và chi phí cho doanh nghiệp (DN) ngay trong năm 2020. Theo các chuyên gia, nếu Việt Nam tập trung cải cách thủ tục này trong nửa đầu năm 2020, Chỉ số Khởi sự kinh doanh hoàn toàn có thể tăng lên hàng chục bậc trong Bảng xếp hạng của Ngân hàng Thế giới (WB).
Tại Nghị quyết 02/NQ-CP, Chính phủ đặt mục tiêu nâng xếp hạng chỉ số này lên 10 - 15 bậc với nhiều giải pháp. Cụ thể, ngay trong quý I, Bộ Tài chính sửa đổi Nghị định số 139/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định về lệ phí môn bài theo hướng lùi thời hạn khai, nộp lệ phí môn bài vào ngày 30/1 của năm kế tiếp; giám sát việc thực thi quy định đối với thủ tục đặt in/tự in hóa đơn và thông báo phát hành, đảm bảo đúng thời hạn 4 ngày theo quy định…
Chuyển động cùng một hướng
Bên cạnh mục tiêu nâng bậc chỉ số Khởi sự kinh doanh lên 10 - 15 bậc, Nghị quyết 02/NQ-CP còn đặt quyết tâm cải cách thực chất các quy định về điều kiện kinh doanh (ĐKKD). Nghị quyết yêu cầu, các bộ, cơ quan ngang bộ cập nhật và công bố, công khai các thủ tục hành chính liên quan đến cấp các loại giấy chứng nhận đủ ĐKKD đã được đơn giản hóa trong năm 2018 và 2019. Công khai bảng so sánh các ĐKKD trước và sau khi bãi bỏ, đơn giản hóa, hoàn thành trong tháng 1/2020. Đặc biệt, nghiên cứu, đề xuất sửa đổi các luật có liên quan để bãi bỏ, đơn giản hóa các ĐKKD được quy định tại các luật chuyên ngành theo phương án đã được phê duyệt.
Theo ông Phan Đức Hiếu - Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, việc cắt giảm ĐKKD thời gian qua mới dừng ở cấp nghị định, thực tế còn nhiều ĐKKD quy định trong các luật đang gây khó khăn cho DN. Công tác rà soát sơ bộ cho thấy, hiện có khoảng 38 luật có quy định về ĐKKD đang trở thành rào cản đối với DN.
Mặt khác, các ĐKKD trong luật thường rất chung chung, cách làm này tạo ra bất cập vì cơ quan nhà nước liệt kê từng trang thiết bị thì có thể dẫn tới thừa, thiếu, không đáp ứng yêu cầu về tính minh bạch của quy định, nhưng do các điều kiện này đã có trong luật nên cấp nghị định không thể bãi bỏ được.
Do vậy, Chính phủ cũng yêu cầu Bộ Tư pháp tăng cường chất lượng thẩm định ban hành ĐKKD trong các dự thảo luật, nghị định, bảo đảm tuân thủ đúng quy định của Luật Đầu tư và các nghị định về điều kiện đầu tư, kinh doanh. Đồng thời, yêu cầu các địa phương thực thi đúng, đầy đủ những quy định ĐKKD đã được đơn giản hóa, không tự đặt thêm ĐKKD dưới mọi hình thức.
Theo các chuyên gia, việc cải thiện MTKD Việt Nam chỉ từ phía Chính phủ là chưa đủ. Chính vì vậy, Nghị quyết 02/NQ-CP đã nêu rõ mục tiêu, giải pháp đã có, cùng với đó là sự vào cuộc tích cực, chủ động, quyết liệt của các cơ quan bộ, ngành, địa phương. Theo đó, tất cả cùng phải chuyển động về một hướng. Tạo dựng MTKD tốt là hành động thiết thực nhất để đồng hành cùng DN.
Năm 2020, Việt Nam phấn đấu MTKD theo xếp hạng EoDB của WB lên 10 bậc; năng lực cạnh tranh theo xếp hạng GCI 4.0 của Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) lên 5 bậc; đổi mới sáng tạo theo xếp hạng GII của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) lên 3 đến 4 bậc; Chính phủ điện tử của Liên hợp quốc (UN) lên 10 đến 15 bậc. |