CôngThương - Do lo sợ thiếu bông, nhiều DN đã đổ xô vào mua khi giá tăng lên tới 5 USD/kg, còn khi giá giảm xuống còn 1,8 - 2USD/kg thì DN lại không mua nữa. Ngoài ra, do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế, việc tiêu thụ các mặt hàng bông, sợi, dệt may... 6 tháng đầu năm 2012 rất trì trệ. Hai khó khăn đó đã khiến nhiều DN trước đây mua bông giá cao nay gần như lỗ nặng.
Lỗ vì... giá bông giảm
Ông Nguyễn Sơn – Phó chủ tịch Hiệp hội Bông sợi VN cho biết, lượng DN mua bông giá cao trước đây khá lớn, bởi trước đó giá bông cao và rất khó dự báo. Tuy nhiên, bất ngờ giá bông đã giảm khoảng 30 - 40% khiến các DN này rơi vào cảnh “tiến thoái lưỡng nan”.
Tuy nhiên, một điều may mắn là số lượng bông dự trữ năm nay các DN mua vào ít hơn mọi năm do ảnh hưởng của khó khăn về kinh tế nên đã giảm bớt được thiệt hại. Trong trường hợp này, các DN phải linh hoạt để duy trì hoạt động. Để gịải quyết được hàng tồn kho, nhiều DN đã phải chấp nhận bán giá rẻ, thậm chí chấp nhận lỗ để giải phóng hàng hoặc người bán và người mua phải thỏa thuận để đảm bảo giá hợp lý cho cả hai.
Khó hợp tác giữa DN và nông dân
Theo quy hoạch đến năm 2015, VN sẽ trồng được khoảng 30.000 ha bông, sản lượng bông xơ đạt 20.000 tấn và đến năm 2020, diện tích trồng bông sẽ tăng lên 76.000ha với sản lượng 60.000 tấn.
Còn hiện nay, cả nước mới có hơn 11 ngàn ha bông, mỗi năm sản xuất được 5000 tấn mới chỉ đáp ứng được 1,5% nhu cầu thị trường. Trong khi đó, trung bình mỗi năm, ngành dệt may VN tiêu thụ khoảng 400.000 tấn bông, dự kiến đến năm 2020, nhu cầu bông của VN là 600.000 tấn.
Theo ông Sơn, quy hoạch là vậy song với quy cách trồng và quản lý diện tích trồng bông như hiện nay sẽ rất khó để có đủ bông nguyên liệu tiêu dùng trong nước.
Lý do là việc hợp tác giữa các DN với người nông dân rất khó, bởi việc trồng bông lại do ngành nông nghiệp quản lý, trong khi với người nông dân cứ giá cao thì trồng, còn giá thấp thì bỏ, chuyển sang trồng cây khác khiến DN khó xây dựng được chiến lược.
Bên cạnh đó, với khí hậu, thổ nhưỡng ở VN, chỉ có một số vùng nhất định là có thể trồng được bông, mặc dù hiện nay Tập đoàn Dệt may đang thử nghiệm trồng bông theo mô hình trang trại có tưới, tuy năng suất có tăng nhưng suất đầu tư ban đầu lớn nên DN cũng chưa “mặn mà”.
Nhu cầu nguyên liệu bông ngày càng tăng, nhưng diện tích và năng suất trồng bông lại đang có xu hướng giảm. |
Bộ Công Thương cho biết, mặc dù hiện giá bông hạt đã được nâng lên khoảng 17.000 – 18.000đ/kg, nhưng giá các cây trồng khác cũng tăng cao nên giá bông chưa hấp dẫn người nông dân phát triển trồng cây bông vải. Ngoài ra, việc đầu tư thâm canh tăng năng suất, cơ giới hóa còn hạn chế, nên cây bông vẫn chưa cạnh tranh được với các loại cây lương thực khác, không hấp dẫn người nông dân trồng bông.
Thiếu quy hoạch bài bản
Trong khi vùng nguyên liệu trong nước khó trông chờ thì ngay bản thân lĩnh vực dệt cũng vấp phải hàng loạt khó khăn khiến các DN ngành này chưa mạnh dạn đầu tư. Đầu tư vào lĩnh vực nhuộm thì quy mô thị trường nhỏ, vốn vay khó, quản lý kém, kinh nghiệm yếu, suất đầu tư cao, quy định về môi trường nghiêm ngặt...
Dù nhiều khó khăn, song ngành này vẫn được coi là có nhiều tiềm năng với mức tăng vốn đầu tư khoảng 10 - 15%. Do vậy, để có thể tự chủ được phần nào nguồn nguyên liệu trong nước để ngành bông sợi phát triển bền vững, rất cần sự thay đổi cả về định hướng lẫn tư duy, cách trồng bông...
Một trong những nguyên nhân chính khiến diện tích trồng bông giảm thời gian qua là do năng suất quá thấp và đang có chiều hướng giảm dần do diện tích trồng bông phân tán, manh mún, nhỏ lẻ chưa thành vùng sản xuất tập trung. Hệ thống thủy lợi chưa phù hợp với việc tưới tiêu, phần lớn vẫn phải phụ thuộc nhiều vào thời tiết...
Vì vậy, để có thể phát triển được diện tích trồng bông, các chuyên gia khuyên rằng, trước hết với người nông dân, cần có cơ chế rõ ràng, cụ thể để đảm bảo được thu nhập chắc chắn từ trồng bông khi đó sẽ “giữ chân” được họ.
Bên cạnh đó, để đạt mục tiêu về sản xuất bông vải, Nhà nước nên giao Bộ NN-PTNT xây dựng quy hoạch rõ ràng về trồng bông tại 3 vùng bông Tây Nguyên, Tây Bắc và Nam Trung Bộ, các quy hoạch cụ thể và có kế hoạch hằng năm và nhiều năm cho từng tỉnh, từng diện tích và năng suất cụ thể, có cơ chế khuyến khích thích hợp để các nhà đầu tư, DN đầu tư vào các trang trại trồng bông lớn, hiện đại...
Chỉ có như vậy mới đảm bảo được nguyên liệu bông cho các DN dệt trong nước, giúp ngành bông sợi phát triển bền vững và đủ sức cạnh tranh trên thị trường thế giới.