Khó khăn “bủa vây” doanh nghiệp
Chia sẻ về những khó khăn mà doanh nghiệp đang gặp phải tại Hội thảo Tăng cường khả năng tiếp cận và hấp thụ vốn của khu vực doanh nghiệp tổ chức mới đây, ông Thân Đức Việt, Tổng Giám đốc Tổng Công ty May 10 cho hay, trong 30 năm trở lại đây, 2023 là năm bất thường nhất, bởi tổng cầu sụt giảm nhưng rất khó để có thể trả lời câu hỏi khi nào thị trường hồi phục.
“Thời điểm hiện nay, chúng tôi xuất khẩu đi 66 quốc gia, trong đó có 3 thị trường chính là Mỹ, EU và Nhật Bản. Ngay cả những khách hàng là các thương hiệu thời trang lớn trên thế giới họ cũng không có câu trả lời khi nào thị trường hồi phục. Họ chỉ nói khi nào tồn kho giảm thì mới hồi phục, trong khi tồn kho hiện nay đang rất nhiều” - ông Việt cho biết.
Trong khi đó, tại thị trường trong nước, dù đang là mùa “back to school” (mùa tựu trường) và sắp tới là mùa mua sắm cuối năm nhưng tình hình có vẻ cũng không mấy khả quan. “Chúng tôi không biết chờ đợi kiểu gì. Không biết có trụ nổi để nuôi 12.000 lao động với chi phí lương 70 tỷ đồng/tháng hay không” - ông Việt bày tỏ.
Trong bối cảnh đó, ông Việt cho hay, các doanh nghiệp dệt may nói chung hiện cần nhất là nguồn vốn ngắn hạn để chi trả chi phí nguyên vật liệu, tiền lương cho người lao động và chi phí vận hành doanh nghiệp. Nhu cầu vốn ngắn hạn chiếm trên 80% tổng nhu cầu vốn của các doanh nghiệp trong ngành.
Đại diện May 10 chia sẻ, công ty không gặp khó khăn trong việc tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng. Tuy nhiên, 6 tháng đầu năm nay, lãi suất các khoản vay ngân hàng tăng so với cùng kỳ năm ngoái.
Hội thảo Tăng cường khả năng tiếp cận và hấp thụ vốn của khu vực doanh nghiệp do Ngân hàng Nhà nước tổ chức |
Cùng góc độ doanh nghiệp, theo ông Trần Đức Nghĩa, Tổng Giám đốc Công ty CP Quốc tế Delta, Chủ tịch Hiệp hội Logistics Hà Nội cho biết, các doanh nghiệp logistics đều là vừa và nhỏ nên rất cần được ngân hàng tháo gỡ khó khăn.
“Khi khó khăn bủa vây doanh nghiệp, ngân hàng đương nhiên muốn quản trị rủi ro nên siết chặt chuẩn tín dụng, điều đó là bình thường. Với công ty chúng tôi, 19 năm liên tục tăng trưởng dương nhưng đến năm 2023 lần đầu tiên tăng trưởng âm, dẫn đến dòng tiền suy yếu. Đó là lúc chúng tôi cần sự hỗ trợ của ngân hàng nhất. Nhưng khi ngân hàng siết chặt chuẩn tín dụng, các doanh nghiệp sẽ rất khó tiếp cận nguồn vốn vay tín chấp” - ông Nghĩa nói.
Ở góc độ cơ quan nghiên cứu, bà Phạm Thị Ngọc Thuỷ, Giám đốc điều hành Văn phòng Ban nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân, Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng, cho biết qua phân tích số liệu của hơn 1.500 doanh nghiệp, bài toán dòng tiền vẫn là câu chuyện cấp bách nhất hiện nay. Nguyên nhân được bà Thủy đưa ra là vì tổng cầu giảm, tích lũy của doanh nghiệp đã chi tiêu hết trong dịch Covid-19 nhưng tiếp cận vốn rất khó khăn.
Ngân hàng đứng giữa hai “dòng nước”
Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, tín dụng nền kinh tế 7 tháng năm 2023 vẫn tăng thấp hơn so với cùng kỳ các năm trước, đạt khoảng 12,47 triệu tỷ đồng, tăng 4,56% so với cuối năm 2022. Điều này phản ánh rõ về khó khăn chung sức hấp thụ vốn của nền kinh tế trong bối cảnh khách quan với nhiều yếu tố chi phối.
Chỉ ra 4 nguyên nhân chính khiến khả năng hấp thụ vốn tín dụng của doanh nghiệp còn thấp, bà Hà Thu Giang - Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước cho biết:
Thứ nhất, do tác động của cầu đầu tư, sản xuất kinh doanh. Các doanh nghiệp chưa kịp phục hồi hoàn toàn sau đại dịch Covid-19, lại kết hợp bị ảnh hưởng tiêu cực của suy giảm kinh tế trên phạm vi toàn cầu nên nhu cầu vay vốn và khả năng hấp thụ vốn giảm sút.
Thứ hai, một số nhóm khách hàng có nhu cầu nhưng chưa đáp ứng điều kiện vay vốn, nhất là nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ, hợp tác xã.
Thứ ba, tác động từ khả năng hấp thụ tín dụng của nhóm bất động sản.
Thứ tư, sau thời gian kinh tế gặp khó khăn, mức độ rủi ro bị đánh giá cao hơn khi hoạt động của doanh nghiệp khó chứng minh hiệu quả. Tổ chức tín dụng rất khó khăn trong quyết định cho vay do không hạ được chuẩn tín dụng để đảm bảo an toàn hệ thống.
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, chưa bao giờ điều hành chính sách tiền tệ lại gặp khó như hiện nay |
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, chưa bao giờ điều hành chính sách tiền tệ lại gặp khó như hiện nay. Thế giới đang tăng lãi suất, thắt chặt chính sách tiền tệ, trong khi chúng ta phải giảm lãi suất để hỗ trợ doanh nghiệp.
Theo ông Tú, số lượng doanh nghiệp vay vốn ngân hàng kể từ đầu năm đã giảm hơn 1.000 doanh nghiệp. Tuy nhiên, “có những doanh nghiệp hoạt động nhờ 90-100% vốn vay ngân hàng, tỷ lệ vay vốn cao như vậy trong điều kiện hiện nay thì rõ ràng là rất khó” - ông Tú nói.
Dù vậy, Phó Thống đốc cũng chỉ ra thực trạng hiện nay là thanh khoản trong các ngân hàng đang rất dồi dào. Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục dùng các công cụ hỗ trợ lãi suất để hỗ trợ vốn cho ngân hàng thương mại.
Bên cạnh đó, các ngân hàng thương mại cũng cắt giảm lãi suất để hỗ trợ doanh nghiệp. Tuy nhiên, nếu hạ điều kiện tín dụng ồ ạt thì chất lượng tín dụng xuống thấp và nợ xấu tăng cao. Trong khi “cục máu đông” nợ xấu từ năm 2011 đến nay mới tạm xử lý xong.
“Nếu các khoản nợ xấu tăng lên chúng ta sẽ lại rơi vào vòng luẩn quẩn là xử lý nợ xấu, tạo sự ách tắc nguồn vốn trong nền kinh tế và những khó khăn chung” - Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước lo lắng và nhận định nhận định, “các ngân hàng hiện đang đứng giữa 2 dòng nước, vừa phải bảo đảm an toàn nợ xấu, vừa phải tăng trưởng, chia sẻ, đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp”.
Về việc nhiều ngân hàng đã rất tích cực trong việc giảm lãi suất, ông Tú cho rằng các ngân hàng chủ yếu sống nhờ tín dụng, khi đã huy động vào thì phải cho vay ra, không thể cất giữ trong két. Việc ngân hàng đang dư thừa tiền nhưng lại không thể cho vay cũng giống như doanh nghiệp không bán được hàng dẫn đến hàng tồn kho.
Ngân hàng có thể giảm lãi suất giống như doanh nghiệp giảm giá bán sản phẩm. Tuy nhiên, Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cho rằng, doanh nghiệp có thể thua lỗ chứ ngân hàng không thể thua lỗ.
“Ngân hàng mà thua lỗ sẽ dẫn đến đổ vỡ, một doanh nghiệp đổ vỡ có thể ảnh hưởng vài trăm lao động nhưng một ngân hàng nếu đổ vỡ sẽ kéo theo cả hệ thống. Cho nên hoạt động ngân hàng phải đảm bảo sự an toàn, lành mạnh. Ngân hàng có thể lãi nhiều hay lãi ít nhưng không thể lỗ” - Phó Thống đốc nhấn mạnh.
Nghịch lý ngân hàng “tồn kho” tiền, doanh nghiệp “đói” vốn |
Đồng bộ trong chính sách và thực thi chính sách để “cứu” doanh nghiệp
Bàn giải pháp tăng cường khả năng tiếp cận và hấp thụ vốn của khu vực doanh nghiệp, ông Phạm Thế Anh, Trưởng Khoa Kinh tế học, Đại học Kinh tế Quốc dân (NEU) nêu quan điểm, cần khuyến khích đầu tư tư nhân thông qua việc tiếp tục hạ lãi suất cho vay (giảm chi phí vốn; tăng khả năng tiếp cận vốn trên thị trường chứng khoán; kích thích được tiêu dùng nhờ sự hồi phục của thị trường tài sản; sử dụng tín dụng thuế đầu tư (Investment Tax Credit) ngắn hạn.
“Tuy nhiên, cần kiểm soát tăng trưởng cung tiền quanh 10% và tránh nôn nóng hạ lãi suất chính sách dồn dập. Ưu tiên sử dụng các biện pháp tài khóa” - ông Thế Anh nhấn mạnh.
Cũng theo ông Thế Anh, có “dư địa” để thực hiện kích thích tài khóa như nợ công giảm và ổn định ở mức vừa phải; nghĩa vụ trả nợ trực tiếp so với ngân sách nhà nước không quá căng thẳng nợ công nước ngoài thấp (14,7% năm 2021 và 12% năm 2023). Lãi suất vay nợ trái phiếu Chính phủ thấp và kỳ hạn trái phiếu Chính phủ lành mạnh.
Bên cạnh đó, tiếp tục đẩy nhanh đầu tư công, tập trung vào các dự án cơ sở hạ tầng, tránh dàn trải. Phát triển nhà ở xã hội đáp ứng nhu cầu thực. Bổ sung/xây dựng mới các trường học công đáp ứng đủ nhu cầu xã hội. Theo ông Thế Anh, đây là chính sách lâu dài, hạn chế tác động phụ.
Đồng thời, kích thích tiêu dùng thông qua trợ cấp an sinh xã hội cho hộ nghèo và người bị mất việc. Nâng mức thu nhập chịu thuế/giảm thuế suất thu nhập cá nhân. Giảm VAT hàng thiết yếu nội địa.
“Ưu điểm của chính sách này là đạt hai mục tiêu an sinh xã hội và kích cầu. Hiệu quả do xu hướng tiêu dùng biên cao. Vừa là chính sách tạm thời vừa lâu dài, ít tác động phụ” - ông Thế Anh nói.
TS. Nguyễn Đình Cung - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương quả quyết, khi nền kinh tế khó khăn suy giảm thì đầu tiên là phải nghĩ đến việc cải cách môi trường đầu tư kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp.
Đồng tình với nhận định này, ông Đậu Anh Tuấn - Phó Tổng Thư ký Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, cần phải có sự đồng bộ trong chính sách và thực thi chính sách. Cụ thể, trong khi Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước quyết liệt kéo mặt bằng lãi suất xuống thì ở đâu đó, nhiều ngành khác có những chính sách làm chi phí sản xuất - kinh doanh tăng lên.
Ông Tuấn khẳng định chúng ta có chính sách tốt nhưng nếu thực thi không nhanh, không mạnh, không tốt thì chắc chắn hiệu ứng sẽ giảm đi nhiều. “Môi trường kinh doanh cần cải thiện hơn lúc nào hết. Có những vấn đề chúng ta không thể kiểm soát được như tổng cầu của thế giới, suy giảm kinh tế thế giới nhưng cái chúng ta có thể kiểm soát được là tổ chức thực thi chính sách giúp thúc đẩy sự hồi phục kinh tế, tạo điều kiện cho sự trở lại mạnh mẽ của các doanh nghiệp, nhà đầu tư” - ông Tuấn phân tích.
Theo bà Hà Thu Giang, những tháng còn lại của năm 2023, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục điều hành tín dụng theo đúng mục tiêu, định hướng đã đề ra; đồng thời triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn, tăng cường khả năng tiếp cận và hấp thụ vốn tín dụng của người dân, doanh nghiệp, đáp ứng yêu cầu phục hồi và phát triển kinh tế.
Bên cạnh các giải pháp của Ngân hàng Nhà nước và ngành Ngân hàng, bà Hà Thu Giang cũng bày tỏ mong muốn tiếp tục nhận được sự đồng hành, phối hợp, triển khai của các bộ, ngành, địa phương.
Như về xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu, khai thác cầu nội địa cải thiện môi trường kinh doanh, khơi thông thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp, phát huy hiệu quả hoạt động của Quỹ Bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa...
Cùng với đó là sự vào cuộc của các hiệp hội, sự nỗ lực của các doanh nghiệp trong tái cấu trúc, nâng cao hiệu quả hoạt động... nhằm góp phần thúc đẩy tăng trưởng gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, góp phần hoàn thành cao nhất mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế xã hội năm 2023 mà Quốc hội, Chính phủ đã đề ra.