Người anh hùng và khát vọng cống hiến
TS. Tạ Xuân Tề ký kết hợp tác với ông Rick Howarth- Tổng Giám đốc Tập đoàn Intel Việt Nam.
- Biến ước mơ, hoài bão thành hiện thực
Từng là người lính tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh và có mặt tại Sài Gòn ngày giải phóng năm 1975, sau đó được phân công về Trường Công nhân Kỹ thuật IV; suốt 15 năm công tác tại trường, kinh qua nhiều công tác khác nhau, ông Tạ Xuân Tề luôn ấp ủ ước mơ phát triển ngành giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng đóng góp vào sự phát triển của đất nước. Động lực ấy giúp ông dồn mọi tâm sức cho sự phát triển của ngôi trường mà ông gắn bó.
Bước ngoặt lớn đối với ông vào năm 1996, khi ông được bổ nhiệm chức vụ Hiệu trưởng Trường Công nhân Kỹ thuật IV. Trên cương vị mới, ông phải đối mặt rất nhiều khó khăn và thách thức, nhưng từ đây ông có thêm điều kiện để thực hiện những hoài bão, ước mơ của mình.
Chỉ trong vòng 8 năm (1996 – 2004), cùng với tập thể CBCNV, ông đã đưa nhà trường phát triển không ngừng với 2 lần đổi tên và nâng bậc đào tạo: Từ Trường Trung học Kỹ thuật Công nghiệp IV lên Cao đẳng (1999) và Trường Đại học Công nghiệp TP. Hồ Chí Minh (2004) cho đến nay. Sau khi trở thành trường đại học, chỉ sau 5 năm, ông đã đưa trường vào hệ thống giáo dục sau đại học. Hiện thực hóa ước mơ xây dựng nhà trường thành một trong những đơn vị giáo dục đại học, kỹ thuật và đào tạo nghề lớn nhất Việt Nam.
Hơn 15 năm, trên cương vị hiệu trưởng, với sự nỗ lực phấn đấu không ngừng, TS. Tạ Xuân Tề đã đặt nền móng cho sự phát triển bền vững và hiệu quả của HUI. quy mô đào tạo từ 750 học sinh lên hơn 100.000 học sinh, sinh viên, từ chỗ có 60 - 70 CBCNV lên đến hơn 3.000, từ chỗ không có ai có trình độ sau đại học, nay có tới 20 giáo sư, phó giáo sư, 200 tiến sĩ và nghiên cứu sinh, trên 1.200 thạc sĩ.
Với những đóng góp không mệt mỏi cho sự nghiệp trồng người, TS.Tạ Xuân Tề, Hiệu trưởng nhà trường đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới năm 2005.
Thành công nhờ biết tập hợp trí tuệ tập thể
Trên cương vị hiệu trưởng, ông Tạ Xuân Tề đã để lại dấu ấn quan trọng về sự năng động, sáng tạo của HUI. Thành công đó có được bắt đầu từ hoài bão, khát vọng, nỗ lực, đoàn kết nhất trí cao của cán bộ lãnh đạo, tập thể nhà trường, trong đó có vai trò quan trọng của hiệu trưởng. Tất cả cùng hướng đến mục tiêu là, xây dựng trường thành một cơ sở giáo dục hiện đại, đào tạo đa lĩnh vực, đa ngành nghề.
Lễ đón đoàn cán bộ, sinh viên đạt thành tích cao trong kỳ thi tay nghề Asean lần thứ 8 năm 2010.
Từ một trường dạy nghề với kinh phí eo hẹp, không đủ để trang trải cho các hoạt động thường xuyên, cơ sở vật chất (CSVC) nghèo nàn, lạc hậu, trình độ quản lý của đội ngũ cán bộ và giáo viên còn nhiều yếu kém. Đời sống của cán bộ, giáo viên, công nhân viên gặp nhiều khó khăn, chỉ dựa vào đồng lương cơ bản, thu nhập thấp, tinh thần làm việc chểnh mảng, thiếu nhiệt tình. Qui mô đào tạo khoảng 750 học sinh ở cả hai cơ sở đào tạo tại TP.HCM và TP.Biên Hòa với 5 chuyên ngành đào tạo nhưng thường xuyên không tuyển đủ chỉ tiêu giao. Đến nay, HUI có CSVC khang trang, hiện đại với hơn 800 phòng học lý thuyết và
giảng đường, 120 xưởng thực hành với trang thiết bị hiện đại, trên 400 phòng thí nghiệm các loại và 940 môn học bao gồm các bậc học được thiết kế và biên soạn chương trình, giáo trình theo hướng liên thông, các khu nội trú có sức chứa gần 20.000 người… Thư viện có gần 350.000 đầu sách các loại. Nhà trường đã tin học toàn bộ và sâu rộng mọi hoạt động trong trường, học sinh, sinh viên có thể truy cập Internet, sử dụng mạng để tìm kiếm các thông tin thư viện điện tử phục vụ học tập…
Theo đó, chất lượng đào tạo không ngừng được nâng cao, với đội ngũ hơn 1.800 giảng viên có trình độ chuyên môn, tay nghề cao và đồng đều, cùng hàng trăm giảng viên thỉnh giảng được mời từ các trường đại học, viện nghiên cứu, các học viện và cán bộ khoa học kỹ thuật đang công tác tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh.
Hiện, HUI cung cấp các dịch vụ đào tạo đa ngành (18 ngành), đa nghề (gần 100 nghề), đa bậc học (từ công nhân đến sau ĐH) cho hơn 10.000 sinh viên từ khắp mọi miền đất nước. Hàng năm có khoảng hơn 20.000 học sinh, sinh viên tốt nghiệp ra trường có việc làm. Đồng thời phát triển mở rộng mạng lưới cơ sở đào tạo rộng khắp trên cả nước. Hiện, trường có cơ sở chính tại TP.Hồ Chí Minh và các phân hiệu tại Biên Hòa (Đồng Nai), Bà Rịa – Vũng Tàu, Quảng Ngãi, Thanh Hóa, và Thái Bình, sắp tới sẽ có thêm phân hiệu tại Nhơn Trạch (Đồng Nai).
Còn đó những trăn trở
60 tuổi đời, 35 năm tuổi nghề, dù ở bất cứ cương vị nào ông Tạ Xuân Tề cũng có vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển của HUI. ông luôn trăn trở làm thế nào để nâng cao hơn nữa chất lượng giáo dục, xây dựng HUI phát triển liên tục, bền vững, trở thành trung tâm đào tạo đa cấp, đa ngành theo hướng tiên tiến, hiện đại và hội nhập quốc tế, có thương hiệu trong nước và khu vực, được xếp vào danh sách các trường hàng đầu của Việt Nam và các nước Asean. Tâm nguyện của ông đã nhận được sự ủng hộ của tập thể cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh, sinh viên nhà trường.
“Trăn trở lớn nhất của tôi là vấn đề chất lượng đào tạo, xây dựng đội ngũ cán bộ, giáo viên, trang thiết bị CSVC. Làm thế nào để xây dựng HUI có thương hiệu, đẳng cấp trong nước và khu vực, nhằm đảm bảo yêu cầu chất lượng đào tạo để học sinh, sinh viên ra trường có việc làm, đóng góp cho sự phát triển của đất nước” - ông Tề chia sẻ.
Được biết, lãnh đạo nhà trường đang soạn thảo mô hình Hội đồng trường theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục – Đào tạo và sẽ trình Bộ Công Thương phê duyệt để ứng dụng với HUI. Mô hình Hội đồng trường là cần thiết cho HUI khi chuyển sang mô hình tập đoàn giáo dục trong đó có vai trò của chủ tịch Hội đồng trường nhằm đảm bảo cho sự phát triển bền vững. Đồng thời, với sự phát triển của HUI hiện nay, rất cần người có kinh nghiệm như ông Tạ Xuân Tề để cầm lái, duy trì hoạt động của trường một cách ổn định, phát triển bền vững. Đây cũng là sự thể hiện tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của tập thể cán bộ, giáo viên, nhân viên trong nhà trường.
Tầm vóc của HUI hôm nay không chỉ được hiện thực hóa từ những trăn trở, hoài bão, ước mơ của ông Tạ Xuân Tề, mà nó còn thể hiện tầm nhìn xuyên suốt của một người toàn tâm, toàn lực chăm lo sự nghiệp trồng người, góp phần đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng phục vụ cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế.
Bài và ảnh: Thanh Minh