Người biến đá thô thành tiền triệu đô
Bà Trần Minh Vân, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Quang Diệu
- Gặp bà Trần Minh Vân trong bộ quần jean, áo công nhân, không ai nghĩ rằng, bà đang là chủ một doanh nghiệp có doanh thu xuất khẩu đạt 7 chữ số.
Năm 2014, Công ty cổ phần Quang Diệu chuyên sản xuất, xuất khẩu sản phẩm từ đá tự nhiên sẽ kỷ niệm 20 năm thành lập. Trong 20 năm ấy, bà vẫn vậy, sống cùng, làm cùng với những người thợ đá.
Bà bảo, có đội nón bảo hiểm, trực tiếp làm cùng với những người công nhân, để cùng chịu nóng bức, bụi bặm, thì mới hiểu được, mới trân trọng những thời khắc trong phòng máy lạnh, hay lúc nằm đọc sách ở ghế xếp bên hồ bơi…
Đơn giản hơn, đây là cách bà cảm nhận giá trị lao động trong mỗi sản phẩm nuột nà, bóng bẩy, chứa đựng những dấu ấn của nghệ thuật, của văn hóa được kỳ công tạo nên từ những mảnh đá thô kệch.
Tuy vậy, sự đồng điệu để có thể thổi hồn vào đá của bà Vân lại hoàn toàn ngẫu nhiên, đôi lúc ngẫm lại, bà Vân lại cho rằng, có lẽ đó là cái duyên nghiệp.
Sinh trưởng trong gia đình có mẹ là người gốc Hoa, nên từ bé, bà Vân đã học được tiếng Hoa. Năm 1989, dù thi đậu vào Trường Đại học Thương nghiệp (Hà Nội), nhưng bà theo gia đình chuyển vào TP.HCM lập nghiệp.
Với vốn tiếng Hoa, bà làm phiên dịch cho các doanh nghiệp đến từ Hồng Kông, Đài Loan... Năm 1991, trong vị trí là người phiên dịch của một doanh nghiệp xuất khẩu đồ gỗ, bà đã gặp một vị khách Nhật Bản đến tìm hiểu thị trường Việt Nam để tìm hiểu mặt hàng đá granite (hoa cương) của Việt Nam. Thay vì chỉ hoàn tất công việc của người phiên dịch, bà hồn nhiên cho vị khách hàng Nhật Bản biết, “chỉ cần dời TP.HCM, ra tới Phan Thiết, Bình Thuận, tỉnh nào cũng có đá granite”.
Mọi việc bắt đầu từ việc công ty xuất khẩu đồ gỗ mà bà đang làm việc từ chối cơ hội hợp tác với vị khách Nhật, đơn giản là vì họ không muốn kinh doanh thêm mặt hàng mà họ không nắm được. “Nhưng tôi thì lại nghĩ, tại sao không thể tìm cách làm ra các sản phẩm từ đá để xuất khẩu theo yêu cầu của khách. Lúc đó, khi làm việc với doanh nghiệp chuyên nhập khẩu đồ điện tử gia dụng cũ từ Hồng Kông về Việt Nam, tôi cũng đã có đôi chút kiến thức về xuất nhập khẩu, về thị trường, nên chỉ chăm chăm một điều, có xuất khẩu thì mới có ngoại tệ để thu”, bà kể lại.
Tính là tính vậy, nhưng khoản vốn 5.000 USD cần để khởi nghiệp với bà gần như không khả thi. Nếu vậy, khách cũng không đạt được mục tiêu sang Việt Nam.
“Tôi đánh liều đề nghị ứng trước để làm. Tôi đã nói với người khách Nhật Bản đó rằng, tôi có thể làm việc nhiều giờ trong ngày, thậm chí 24 tiếng không ngủ cũng được, nhưng vấn đề hiện giờ là tôi rất khó khăn và muốn ứng tiền trước để trả cho người lao động khi mà tôi tuyển dụng họ vào làm việc, để họ yên tâm rằng, khi có sản phẩm để xuất khẩu, thì sẽ từng bước tạo việc làm cho họ”, bà Vân nói.
Tháng 6/2013, Công ty Quang Diệu cũng đã hoàn chỉnh việc ký kết bổ sung hợp đồng với Công AA để hoàn tất việc cung cấp và lắp đặt 18 bộ cột đá cho Dự án Khách sạn Marriot Hà Nội. Giá trị hợp đồng tổng cộng đạt trên 1,5 triệu USD. Đó chính là một trong những hợp đồng tạo nên mức doanh thu kỳ vọng là 5 triệu USD của Công ty trong năm 2013 này.
Có lẽ, dù mơ mộng tới cỡ nào đi nữa, thì ít ai và ngay cả bà Minh Vân cũng không thể mường tượng ra con số đó, nếu như biết rằng, 20 năm trước, khi khởi nghiệp, bà chủ đã không thể kiếm đâu ra 5.000 USD.
“Chắc tôi có duyên số với nghề này. Khi tôi đề nghị ứng trước, vị khách Nhật tròn mắt bởi chưa bao giờ thấy ai kinh doanh mà không có nổi 5.000 USD. May thay, ông ta trao đổi với gia đình, thì người vợ nói, nếu cô này (bà Vân) có niềm say mê như vậy, thì cứ thử ứng cho cô ấy 2.000 USD xem sao”, bà nhớ lại.
Sau khi được khách hàng ứng trước 2.000 USD, bà ngay lập tức nhờ cha mình từ TP.HCM xuống Vũng Tàu xin giấy phép lập doanh nghiệp lấy tên là Quang Diệu. Năm đầu tiên thành lập (năm 1994), Công ty chỉ xuất khẩu những container đá thiên nhiên trị giá 2.000 - 5.000 USD sang thị trường Nhật Bản, doanh thu của Công ty chỉ khoảng 12.000 USD. Nhưng sang năm 1995, doanh số đã tăng lên 50.000 USD, một mức tăng trưởng bất ngờ…
Một trong những kỷ niệm đáng nhớ nhất của bà Vân thời kỳ đầu thành lập Công ty, là việc hàng ngày, bà phải di chuyển từ Khu Mỹ Xuân (Bà Rịa - Vũng Tàu), bắt xe tốc hành về TP.HCM, đến Công ty Vật liệu xây dựng nhà nước ở đường Nguyễn Công Trứ (quận 1, TP.HCM), để kiểm tra tiền khách hàng thanh toán đã về chưa, sau đó đem đi đổi tiền Việt về trả cho công nhân.
Bà phải làm như vậy là bởi thời điểm đó, các công ty tư nhân không được xuất nhập khẩu trực tiếp, mà luôn phải ủy thác thông qua một công ty nhà nước.
Việc này mất quá nhiều thời gian, nên bà Vân đã nảy ra một quyết định đầy táo bạo: liều mua vé bay ra Hà Nội để gặp lãnh đạo Bộ Thương mại (nay là bộ Công thương) để đặt vấn đề, có cách nào để thay đổi quy định. Bà cho rằng, nếu Nhà nước mở cửa cho giao dịch với nước ngoài, tại sao không để cho doanh nghiệp tư nhân tự xuất nhập khẩu? Khi đó, chỉ cần quy định rằng, giao dịch bằng ngoại tệ, thì phải thông qua tài khoản ngân hàng để kiểm soát lượng tiền về và ra khỏi đất nước.
Với suy nghĩ như vậy, bà xin một cuộc hẹn với đại diện Bộ Thương mại để xin giấy phép xuất nhập khẩu trực tiếp cho Công ty tại Bà Rịa - Vũng Tàu. Lúc quyết định làm việc này, bà nghĩ rằng, nếu có bị từ chối, thì người ta sẽ xem xét lại. May mắn thay, sau cuộc gặp đó, khoảng 1 tháng sau, Quang Diệu được cấp giấy phép xuất nhập khẩu trực tiếp. Một điều vô cùng quan trọng mà lúc đó, chính bà Trần Minh Vân cũng không biết chắc có bao nhiêu doanh nghiệp tư nhân có được giấy này.
Là người trọng tình cảm, nên cũng có lúc, bà Trần Minh Vân đã phải chịu nhiều thiệt thòi. Bà bảo, khó khăn nhất trong quá trình kinh doanh mà bà từng gặp phải là vào năm 2008, một số cổ đông của Công ty đề xuất ý định thay đổi về đường hướng phát triển, nên đã xảy ra tranh cãi trong nội bộ. Tệ hại hơn, khi đó, một vài cổ đông do chính bà đưa vào Công ty, thay vì thiện chí đàm phán để hợp tác thì vì lý do nào đó, có thể lo hơn thiệt, cũng có thể do bất phục khi CEO lại là phái yếu đã cầu đến luật sư để tính chuyện hơn thua. Chính sự rạch ròi tới mức rũ sạch chữ tình trong kinh doanh đã ảnh hưởng không tốt cho tinh thần của bà.
“Đối với tôi, do khởi nghiệp từ tay trắng, nên những giá trị từ tài sản chỉ chiếm không quá 50% trong những mục tiêu của tôi. Trên 50% mục tiêu của tôi là tinh thần, nên khi xảy ra sự cố như vậy, tôi đã chấp nhận mua lại số cổ phần này với giá trị cao hơn bình thường, để đổi lại sự bình yên cho Công ty và cho cá nhân tôi”, bà Trần Minh Vân bồi hồi nhớ lại biến cố khó quên và cách giải quyết rất hy hữu đó.
Điều đáng nói là, năm 2008 cũng là năm nền kinh tế nước ta chịu nhiều tác động từ khủng hoảng kinh tế thế giới. Do đó, Quang Diệu cùng lúc phải đối diện với cả phức tạp bên trong Công ty lẫn những áp lực từ bên ngoài. Những khó khăn như vậy, với một người phụ nữ khi ấy đã ở tuổi ngoài 40 như bà, khả năng suy sụp là rất cao. Thật may, chính chữ tâm đã cứu bà và Công ty, nếu là người hám lợi để chỉ chăm chăm kinh doanh kiếm lợi nhuận cho riêng mình, thì biết đâu…
Tuy nhiên, ngoài chữ tâm trong kinh doanh, thì cùng với say mê tạo nên những thương hiệu Việt, khát khao tạo nên hình ảnh của một công ty Việt Nam có khả năng quản trị tốt so với các nước trong khu vực và trên thế giới đã giúp Quang Diệu vượt qua được những thử thách đó.
Sau quá trình vượt khó là quá trình tăng tốc, đến nay, Quang Diệu đã xây dựng cho mình 3 nhà máy, một đặt tại Khu công nghiệp Mỹ Xuân (Bà Rịa - Vũng Tàu) với diện tích 5 ha, một tại Khu công nghiệp Cát Lái (quận 2, TP.HCM) diện tích 1,2 ha và một tại Khu công nghiệp Tam Điệp (Ninh Bình) cũng với quy mô 1,2 ha. Sự tăng trưởng đó đã giúp cho sản phẩm của Quang Diệu có mặt ở 26 quốc gia, vùng lãnh thổ. Có thể thấy sản phẩm của Quang Diệu xuất hiện tại Đài Loan, Nhật Bản, tới Đức, Italy, Bỉ, Pháp, Anh...
Không chỉ tạo nên những sản phẩm từ đá, trong chiến lược phát triển chiều sâu của mình, những năm tới, Quang Diệu sẽ đầu tư công nghệ để sử dụng cả những phế liệu đá kết hợp các loại gỗ thiên nhiên để ra các sản phẩm, như quầy tiếp tân, bàn, tủ… có giá trị cao gấp 5 - 10 lần các sản phẩm chỉ để ốp lát. Hơn thế, do 100% sản phẩm đá xuất khẩu của Quang Diệu là thành phẩm, nên Công ty đã lồng ghép những nét văn hóa vào trong sản phẩm. Chẳng hạn, sản phẩm lavabo dùng để rửa tay ở phòng tắm thường được lấy hình tượng là một chiếc lá sen… giúp người sử dụng khắp các châu lục, nhận biết được sản phẩm đó đến từ một công ty của châu Á, mà cụ thể là từ Việt Nam.
Trò chuyện với bà Trần Minh Vân: Bà quan niệm thế nào về khó khăn trong cuộc sống? Không khó khăn, không phải là cuộc sống. Vấn đề là mình học hỏi, trao đổi làm sao để có thể “thưởng thức” khó khăn, thay vì đối phó với khó khăn. Sở thích của bà? Tôi thích đọc sách từ bé. Hai con tôi cũng ảnh hưởng từ việc này. Trong cuộc sống thường nhật, bà giải trí như thế nào? Khi có thời gian rảnh, tôi muốn đạp xe cùng các con để quan sát môi trường sống xung quanh. Như thế, tôi có dịp nhớ lại hồi bé, đạp xe đi học giữa mùa đông lạnh giá phải leo qua những con dốc gần Cầu Giấy (Hà Nội), gió thổi mạnh khiến mình phải gò lưng đạp xe, mà vẫn thấy vui. |
Theo Báo Đầu tư