Người dân bắt đầu mua sắm Tết, siêu thị, tiểu thương phấn khởi
Tết Nguyên đán Nhâm Dần đã đến gần, ghi nhận của Vuasanca , sức mua các mặt hàng thiết yếu phục vụ tiêu dùng Tết Nguyên đán tại các siêu thị, cửa hàng tạp hóa, chợ truyền thống trong những ngày gần đây có chiều hướng tăng tích cực.
Sức mua các mặt hàng tiêu dùng dịp Tết tại các chợ, siêu thị, cửa hàng tạp hóa trên địa bàn TP. Đà Nẵng trong những ngày gần đây đã tăng mạnh |
Không dám nhập quá nhiều hàng Tết vì lo ngại dịch bệnh, nhất là tại chợ Cẩm Lệ những ngày gần đây liên tục có ca mắc Covid – 19, trong những ngày đầu tháng 12 âm lịch, tiểu thương Phạm Thị Huệ (quầy 50 hàng bánh kẹo mứt, chợ Cẩm Lệ) cũng lo lắng hàng sẽ bị chững lại. Tuy nhiên, những ngày gần đây, đã có nhiều khách hàng đến tại chợ mua bánh kẹo Tết, bà Huệ cũng bớt dần nỗi lo. “Sức mua không bằng thời điểm Tết năm trước nhưng so với tuần trước thì đã tăng mạnh. Đơn hàng nhiều tổng giá trị mỗi đơn thấp hơn năm ngoái, nhưng như vậy cũng đã giúp tiểu thương cũng bớt lo lắng hơn. Tôi mong là những ngày tới – thời điểm cao điểm mua sắm Tết, dịch bệnh sẽ được khống chế tốt để người dân yên tâm mua sắm”, bà Huệ nói.
Ông Nguyễn Trung Thành – Trưởng BQL chợ Hàn cho biết những ngày gần đây sức mua tại chợ đối với các mặt hàng đặc sản, hàng bánh kẹo mứt, hàng tiêu dùng thiết yếu dịp Tết đã tăng mạnh. “Tiểu thương cũng phấn khởi. Hàng hóa tại chợ rất dồi dào và đảm bảo chất lượng nên không chỉ được người dân TP. Đà Nẵng tin dùng mà còn được nhiều người ngoại tỉnh làm việc tại TP. Đà Nẵng mua về làm quà khi về quê ăn Tết”, ông Thành cho hay.
Sức mua các mặt hàng thiết yếu phục vụ Tết Nguyên đán tăng rõ rệt ở các siêu thị. Bà Võ Thị Thu Thủy – Giám đốc siêu thị Go (tên cũ là Big C) Đà Nẵng cho biết người dân đã bắt đầu mua sắm Tết và các mặt hàng Tết tại siêu thị đang có sức tiêu thụ rất tốt.
Nhiều người tiêu dùng tại TP. Đà Nẵng cho biết họ tranh thủ mua sắm Tết để tránh những ngày cao điểm cận Tết trong bối cảnh số ca mắc Covid - 19 vẫn ở mức rất cao |
Theo ông Phan Thống – Giám đốc siêu thị Coopmart Đà Nẵng, mặc dù dự đoán thị trường có thể chịu ảnh hưởng của dịch Covid – 19, sức mua có thể giảm, nhưng trên thực tế đến thời điểm hiện tại sức mua các mặt hàng Tết tại siêu thị Coopmart Đà Nẵng đã tăng nhẹ so với năm 2021, đặc biệt là những ngày cuối tuần. “Để kích cầu tiêu dùng, chúng tôi áp dụng nhiều chương trình khuyến mại giảm giá đối với các mặt hàng dịp Tết và rất được người tiêu dùng tin chọn”, ông Thống chia sẻ.
Đang lựa chọn các loại bánh, bà Võ Diệu Linh (38 tuổi, quận Thanh Khê) cho biết dù trải qua một năm khó khăn do dịch bệnh, nhưng gia đình bà vẫn chuẩn bị để đón Tết đủ đầy. “Tết mỗi năm chỉ có một lần, cũng là dịp để gia đình sum vầy, đón năm mới đủ đầy cũng như lời cầu chúc năm mới sung túc nên gia đình chúng tôi vẫn mua sắm Tết. Do số ca mắc Covid – 19 tại thành phố vẫn còn đang ở mức cao, nên tôi tranh thủ đi mua sắm sớm để những ngày giáp Tết thư thả hơn”, bà Linh nói.
Tăng cường kiểm soát thị trường
Trước nhu cầu tiêu dùng Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 tăng cao, để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, Cục Quản lý Thị trường TP. Đà Nẵng thực hiện đợt cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán.
Cục QLTT TP. Đà Nẵng đang mở đợt cao điểm kiểm tra kiểm soát hàng hóa dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 |
Ông Trần Phước Trí – Q.Cục trưởng Cục QLTT TP. Đà Nẵng cho biết, đợt kiểm tra sẽ kéo dài từ 01/12/2021 đến 15/02/2022. Thời gian cao điểm từ ngày 11/12/2021 – 25/01/2022 tập trung tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường; đồng thời tuyên truyền, phổ biến pháp luật, ký cam kết đối với các tổ chức, cá nhân kinh doanh trên địa bàn thành phố.
Các đội QLTT TP. Đà Nẵng sẽ tiến hành kiểm tra 165 đơn vị (như các chợ, tạp hóa, cửa hàng tiện lợi…) có hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn thành phố. Trong đó, tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường và xử lý vi phạm hành chính đối với hàng hóa là những mặt hàng thiết yếu có nhu cầu tiêu dùng cao trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán như bánh kẹo, rượu bia, nước giải khát, thuốc lá, các mặt hàng thực phẩm tươi sống,…các mặt hàng thiết bị y tế phục vụ phòng, chống Covid-19; không để xảy ra tình trạng đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý. Cùng với đó, ứng dụng công nghệ thông tin để phát hiện, xử lý các hành vi kinh doanh hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ… qua mạng xã hội và các sàn thương mại điện tử.
Chú trọng kiểm tra các đối tượng có dấu hiệu vận chuyển, kinh doanh hàng cấm, hàng nhập lậu, gian lận thương mại như: vật liệu nổ, pháo nổ, pháo hoa, động vật hoang dã, thuốc lá ngoại; các mặt hàng thiết yếu có nhu cầu tiêu dùng lớn trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán như: hàng điện tử, điện lạnh, quần áo, giày dép, lương thực, thực phẩm, bánh kẹo, đường, hoa quả, rượu bia, thuốc lá, nước giải khát... các sản phẩm hàng hóa thuộc nhóm bình ổn thị trường.
Ghi nhận tại buổi kiểm tra thị trường ngày 21/1 tại chợ Hàn và một số tạp hóa dọc đường Trần Phú (quận Hải Châu), hàng hóa dồi dào, phong phú; các tiểu thương và chủ các tạp hóa, đại lý đều tuân thủ việc niêm yết giá, bán theo giá niêm yết; hàng hóa rõ nguồn gốc xuất xứ. |
Tại các đơn vị, lực lượng QLTT sẽ tập trung kiểm tra các nội dung như Giấy chứng nhận đăng ký Doanh nghiệp/Hộ kinh doanh và việc thực hiện theo nội dung đăng ký; thực hiện các điều kiện kinh doanh đối với ngành nghề kinh doanh có điều kiện (an toàn thực phẩm, kinh doanh rượu, thuốc lá…); thực hiện niêm yết giá và bán đúng giá niêm yết tại địa điểm kinh doanh; kiểm tra hàng hóa được kinh doanh tại địa điểm sản xuất/ cơ sở kinh doanh và hóa đơn, chứng từ kèm theo chứng minh nguồn gốc, xuất xứ của hàng hóa; kiểm tra nhãn hàng hóa đối với hàng hóa, sản phẩm thuộc diện phải ghi nhãn hàng hóa; Kiểm tra việc thực hiện các quy định về đo lường, chất lượng hàng hóa (đối với hàng hóa có yêu cầu về đo lường, chất lượng).