Sử dụng căn cước công dân, VNeID, VssID thay thế thẻ bảo hiểm y tế giấy khi đi khám chữa bệnh Sau khi làm thẻ căn cước cho con, người dân nhận thẻ căn cước công dân qua kênh nào? |
Ngày 31/8, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam cho biết, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam hiện là một trong bốn bộ, ngành đã triển khai rất tốt chuyển đổi số với 100% dịch vụ công trực tuyến toàn trình. Đến nay, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đã cung cấp 25/25 (100%) thủ tục hành chính dưới dạng dịch vụ công trực tuyến toàn trình, các dịch vụ công được cung cấp trên nhiều nền tảng: Cổng dịch vụ công Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, Cổng dịch vụ công quốc gia, ứng dụng VssID, các nhà cung cấp dịch vụ IVAN. Hàng năm có khoảng 13,5 triệu hồ sơ giao dịch điện tử (nếu tính số lượng hồ sơ gắn với từng người lao động là gần 100 triệu hồ sơ giao dịch điện tử).
Người dân thực hiện chữa bệnh bảo hiểm y tế bằng căn cước công dân gắn chip. Ảnh: M.H |
Đặc biệt, theo Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, khi thực hiện dịch vụ khám chữa bệnh theo bảo hiểm y tế, người dân có thể lựa chọn sử dụng ứng dụng VssID, VNeID hoặc thẻ căn cước công dân gắn chip để làm thủ tục khám chữa bệnh theo bảo hiểm y tế thay cho thẻ bảo hiểm y tế giấy.
Thống kê cho thấy, hiện 100% cơ sở khám chữa bệnh bảo hiểm y tế đã triển khai khám chữa bệnh theo bảo hiểm y tế bằng VssID, VNeID và thẻ CCCD gắn chip, giúp ngành Bảo hiểm Xã hội Việt Nam cắt giảm được tối đa chi phí in ấn thẻ bảo hiểm y tế. Ngoài ra, với công nghệ sinh trắc ứng dụng trên CCCD gắn chíp, VNeID, VssID, chỉ mất khoảng 6-15 giây để hoàn thành thủ tục đăng ký khám chữa bệnh theo bảo hiểm y tế, thay vì mất tối thiểu 10 phút như trước đây.
Bên cạnh đó, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đã hỗ trợ Bộ Y tế liên thông dữ liệu khám sức khỏe lái xe, giấy chứng sinh, giấy báo tử. Nền tảng quan trọng để triển khai các dịch vụ công trực tuyến toàn trình (cấp đổi, cấp lại giấy phép lái xe và 02 nhóm thủ tục hành chính liên thông Đăng ký khai sinh - đăng ký thường trú - cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ em dưới 6 tuổi và Đăng ký khai tử - Xóa đăng ký thường trú - Hỗ trợ chi phí mai táng.
Để đạt được kết quả trên, tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc chuyên đề nâng cao hiệu quả cung cấp và sử dụng dịch vụ công trực tuyến, ngày 31/8, Tổng Giám đốc Bảo hiểm Xã hội Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh cho hay, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam luôn coi công tác chuyển đổi số là nhiệm vụ trọng tâm, động lực tăng trưởng, thực hiện với tinh thần quyết liệt, "chỉ bàn làm, không bàn lùi".
"Toàn ngành luôn xác định lấy người dân, doanh nghiệp là chủ thể, là trung tâm để phục vụ; để người dân, doanh nghiệp được thụ hưởng những thành quả từ chuyển đổi số của ngành Bảo hiểm Xã hội Việt Nam mang lại, trên tinh thần không ai bị bỏ lại phía sau; minh bạch hóa và tăng cường sự tham gia của người dân, doanh nghiệp"- ông Mạnh nói.
Cùng với đó, theo ông Nguyễn Thế Mạnh, ngành Bảo hiểm Xã hội Việt Nam luôn thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Kế hoạch hoạt động năm 2024 của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số và các nhiệm vụ trong Đề án 06. Lấy kết quả thực hiện các chỉ tiêu là thước đo để đánh giá hiệu quả trong việc triển khai chuyển đổi số và thực hiện đề án 06. Ưu tiên mọi nguồn lực để hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Trong thời gian tới, phát huy những kết quả đạt được, với mục tiêu tiếp cận toàn cầu, toàn diện, toàn dân nhưng có trọng tâm, trọng điểm, lấy người dân làm trung tâm, làm chủ thể theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ,…. ngành Bảo hiểm Xã hội Việt Nam sẽ tiếp tục tái cấu trúc, rà soát đơn giản hóa thủ tục hành chính đưa 100% dịch vụ công có đủ điều kiện để thực hiện dịch vụ công toàn trình. Nghiên cứu các công nghệ tiên tiến hiện đại trí tuệ nhân tạo (AI), cơ sở dữ liệu lớn (Bigdata), Điện toán đám mây (Icloud),… để khai thác tối đa Cơ sở dữ liệu hiện có phục vụ cho công tác quản trị của ngành.