Ông Thúy - người nông dân nuôi bò giữa phố |
Duyên may và sự lựa chọn
Đến trang trại chăn nuôi Trung Hiếu, nằm ở vùng đất bãi ven sông Hồng thuộc phường Lĩnh Nam- Hoàng Mai- Hà Nội vào một buổi chiều đông, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng bởi khuôn viên khu chăn nuôi chỉ rộng vài nghìn mét vuông nhưng không thấy có mùi chất thải động vật, thay vào đó là mùi sữa tươi thơm mát dịu.
Khi chúng tôi đến, ông Thủy đang cần mẫn chăm sóc cho từng con bò. Nhìn cách ông vuốt ve chúng, lấy thức ăn cẩn thận cho vào máng, tôi hiểu tình yêu ông dành cho trang trại này lớn đến độ nào. Không yêu sao được khi bao nhiêu tâm huyết, ước mơ và khát vọng ông đều dồn cả vào đây. “Khi tôi đặt chân đến đây, trang trại còn là một vùng đồng không mông quạnh, cỏ cao lút đầu người. Tôi và gia đình phải đổ không biết bao nhiêu công sức mới có được một cơ ngơi như hôm nay”- ông Thủy nói.
Khó có thể kể hết những vất vả của ông Thủy trong thời kỳ kiến thiết trang trại, đôi tay vốn đã chai sần càng trở nên cứng rắn hơn vì phải chiến đấu với sỏi đá, với lau lách. Cứ thế, vừa kiến thiết, vừa trồng trọt, những mầm xanh cứ thế vươn dài nơi vùng bãi.Có thời trang trại của ông trở thành hình mẫu của huyện Thanh Trì, khi Lĩnh Nam còn chưa lên phường và chưa được quy hoạch lên “phố” về quận Hoàng Mai.
Khởi nghiệp năm 2000 với 4 con bê sữa và 1 cặp bò mẹ, đến năm 2012, trang trại của ông có 30 con bò sữa, trong đó có 20 con đang cho khai thác sữa, sản lượng sữa bình quân đạt 350kg/ngày, giá sữa bán cho Vinamilk đạt 12.500 đồng/kg. Ngoài ra, ông còn xây dựng chuồng trại nuôi lợn thịt. Ông phấn khởi khoe: “Gần 15 năm theo nghề chăn nuôi, tôi ít khi gặp những khó khăn do dịch bệnh bởi tôi áp dụng triệt để các tiến bộ kỹ thuật, chăn nuôi theo hình thức gối đầu nên gần như tháng nào trang trại cũng có sản phẩm xuất bán”.
Lấy khoa học công nghệ làm then chốt
Ô nhiễm môi trường luôn là vấn đề đau đầu trong ngành chăn nuôi. Để khắc phục điều này, được sự ủng hộ của chính quyền địa phương, cộng với sự giúp đỡ của Công ty TNHH Hiền Linh, từ giữa năm 2012 đến nay, ông Thủy mạnh dạn sử dụng thức ăn chăn nuôi sinh học cho lợn và bò sữa, bước đầu tạo được nguồn sữa sạch, thịt sạch cung cấp cho thị trường.
Nguyên tắc của phương thức chăn nuôi này là, thức ăn cho lợn được phối trộn với một loại men vi sinh do Công ty TNHH Hiền Linh cung cấp với tỷ lệ phù hợp, riêng thức ăn cho bò, sau khi trộn men vi sinh sẽ được ủ trong vòng một tháng, khi nào có mùi chua dịu thì lấy ra cho bò ăn. Ông Thủy cho biết, điều đáng phấn khởi là chăn nuôi bằng cám sinh học góp phần bảo vệ môi trường, bởi ăn thức ăn trộn với men sinh học, vật nuôi tiêu hóa tốt nên mau lớn, tăng sức đề kháng, chất thải giảm được mùi hôi tới 80- 90%, không những thế còn tăng sức đề kháng cho vật nuôi, ít mắc dịch bệnh.
Khoe với chúng tôi hai tấm giấy chứng nhận sản phẩm thịt lợn và sữa bò tươi đạt tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, ông Thủy hào hứng: “Không phải nông dân nào cũng dám mang sản phẩm của mình gửi đi phân tích chất lượng như tôi. Nhưng muốn có được niềm tin của người tiêu dùng thì phải làm theo đúng quy trình kỹ thuật”.
Chia sẻ về những kết quả đạt được, ông Thủy cho biết, sau gần 3 năm thực hiện quy trình chăn nuôi sinh học, chất lượng sữa bò và thịt lợn được cải thiện đáng kể. Chất lượng sữa đặc hơn, thơm ngon hơn, trước đây 90% sữa nguyên liệu bán cho nhà máy. Đến nay, nhờ chất lượng cải thiện nên chủ yếu được tiêu thụ trong vùng và bán cho nhà máy khoảng 20%. Riêng đàn lợn, phát triển từ 120 lên 250 con. Ông còn mạnh dạn gửi mẫu sữa, thịt lợn đến các cơ quan chức năng để kiểm định, kết quả các chỉ số đều an toàn.
Hiện nay, nguồn vốn vẫn là vấn đề khó khăn nhất, để chăn nuôi chủ yếu là do bản thân ông và gia đình tự huy động vốn. Ông dùng sổ đỏ của gia đình thế chấp vay vốn ngân hàng. Thời gian thuê đất của nhà nước không dài nên cũng tạo được tâm lý không ổn định trong đầu tư. Khi chưa lên “phố”, trang trại của ông có thể tiếp cận nguồn vốn của các chương trình cho vay ưu đãi dễ dàng, nhưng khi Lĩnh Nam lên phường gần như mọi chính sách ưu đãi dành cho nông nghiệp nông thôn không đến được với những người làm trang trại như ông. Hỏi ngành chức năng thì họ bảo, nếu chiếu theo đúng quy định của thành phố thì không được phát triển chăn nuôi trong vùng nội đô, vì vậy những kiến nghị về chính sách hỗ trợ của ông khó có thể thực hiện được.
Theo ông Thủy, giá thành 1kg cám sinh học chỉ bằng hoặc thấp hơn giá cám của thị trường; giảm được ô nhiễm môi trường mà vật nuôi vẫn bảo đảm tăng trọng. Sản phẩm thịt sạch bán ra có xuất xứ rõ ràng nên người tiêu dùng sẵn sàng đặt mua với giá cao hơn thị trường từ 15- 20%. |
Khó khăn là vậy nhưng ông Thủy vẫn quyết tâm bám trụ với mô hình này, không chỉ bởi tình yêu với đất mà còn vì khát vọng cung cấp được nguồn thực phẩm sạch cho thị trường. Có một điều đáng mừng là ông và những người làm nông nghiệp trong vùng được lãnh đạo phường tạo điều kiện cho mượn một gian hàng trên phố Thúy Lĩnh để giới thiệu sản phẩm sạch. Rất nhiều người đã tìm đến đây để mua sữa tươi, thịt lợn sạch từ trang trại của ông.
Với nhiều dự định ấp ủ, ông Thủy cho biết, sang xuân ấm áp, ông sẽ củng cố đàn bò sữa hiện có, phát triển thêm 15 con cho khai thác sữa, nâng quy mô đàn lợn thịt lên 300 con. Bên cạnh đó, ông còn có dự định mở rộng trang trại và thị trường tiêu thụ, với phương châm cung cấp cho thị trường sản phẩm chăn nuôi bảo đảm an toàn thực phẩm.
Chúng tôi ra về trong ráng chiều rực đỏ, hơi thở của mùa xuân ấm áp, nhìn dáng ông nhỏ bé, cần mẫn bên đàn bò sữa óng mượt, tôi thầm mong những ước mơ của người nông dân này sẽ thành hiện thực, để một vùng đất bãi ven sông Hồng được đánh thức và người ta có thể thực hiện được những mô hình chăn nuôi quy mô lớn ngay giữa phố phường. Khi có khoa học công nghệ thì không có gì là không thể.