Người phát ngôn Bộ Công Thương trả lời một số vấn đề được quan tâm tháng 1/2016
Tin hoạt động 04/02/2016 18:06
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải |
Xin Bộ Công Thương cho biết một số nội dung liên quan đến Hội nghị Tham tán Thương mại năm 2016?
Được sự cho phép của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương sẽ tổ chức Hội nghị Tham tán Thương mại năm 2016 (HNTTTM 2016) và các hoạt động liên quan từ ngày 16 đến ngày 27 tháng 02 năm 2016.
HNTTTM 2016 được tổ chức ngay sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 12 với mục đích quán triệt và triển khai ngay các chỉ đạo của Đại hội Đảng, đẩy mạnh hoạt động kinh tế đối ngoại, công tác thị trường nước ngoài, xúc tiến thương mại trên cơ sở tăng cường phối hợp giữa Bộ Công Thương và các Bộ, ngành, địa phương trong bối cảnh hiện nay, Việt Nam đang hội nhập rất sâu, rộng vào nền kinh tế thế giới và vừa kết thúc đàm phán 4 Hiệp định tự do thương mại gồm TPP, Việt Nam – EU, Việt Nam – Liên minh kinh tế Á – Âu và Việt Nam – Hàn Quốc.
Hội nghị được tổ chức dưới sự chủ trì của Lãnh đạo Bộ Công Thương, tùy theo các phiên họp, tham gia Hội nghị và các phiên họp sẽ bao gồm đại diện các Bộ, Ban, Ngành, địa phương, các Hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp và các Tham tán, Tùy viên Thương mại phụ trách Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài, các cơ quan chức năng của Bộ Công Thương v.v…
Tại HNTTTM 2016 và các phiên họp chuyên đề các đại biểu sẽ nghe và trao đổi về các báo cáo của Bộ Công Thương và các Bộ, ngành về công tác thị trường nước ngoài, nhiệm vụ và hoạt động của các thương vụ, tình hình đầu tư nước ngoài vào Việt Nam và đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài; tham luận của các Hiệp hội ngành hàng về hoạt động xuất khẩu và công tác thị trường nước ngoài, tham luận của các Tham tán Thương mại tại một số thị trường trọng điểm, v.v... Tại các phiên họp chuyên đề, các đại biểu sẽ trao đổi sâu về các lĩnh vực liên quan như công tác hội nhập kinh tế quốc tế, xúc tiến thương mại, cạnh tranh, hợp tác quốc tế trong các lĩnh vực công nghiệp, năng lượng, nông nghiệp, các biện pháp thúc đẩy xuất khẩu, tận dụng tối đa các lợi thế mà những hiệp định thương mại tự do mang lại trong bối cảnh hội nhập sâu rộng của nền kinh tế v.v...
Trong khuôn khổ HNTTTM 2016, các Tham tán, Tùy viên sẽ có buổi làm việc với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ NNPTTN về cơ chế hợp tác thúc đẩy thu hút đầu tư nước ngoài và xúc tiến xuất khẩu hàng nông sản, đối thoại với các doanh nghiệp, Sở Công Thương, Trung tâm Xúc tiến thương mại, Hiệp hội ngành hàng khu vực phía Bắc và với các doanh nghiệp, Sở Công Thương, Trung tâm Xúc tiến thương mại, Hiệp hội ngành hàng khu vực phía Nam, tổ chức Hội thảo giới thiệu FTA tại miền Trung.
Việc kiểm tra, đôn đốc chủ đầu tư các nhà máy thủy điện thực hiện nghĩa vụ trồng bù rừng thay thế, chi trả dịch vụ môi trường rừng năm 2015 được Bộ Công Thương thực hiện như thế nào?
Thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 18 tháng 02 năm 2014 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 62/2013/NQ-QH13 ngày 27 tháng 11 năm 2013 của Quốc hội về tăng cường quản lý công tác quy hoạch, đầu tư xây dựng, vận hành khai thác công trình thủy điện, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 2046/QĐ-BCT ngày 10 tháng 3 năm 2014 về việc ban hành Kế hoạch hành động của Bộ Công Thương triển khai Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ. Trong đó giao Cục Điều tiết điện lực thực hiện rà soát, chưa cấp hoặc thu hồi giấy phép hoạt động điện lực trong lĩnh vực phát điện đối với những dự án đã hoàn thành phần xây dựng nhưng chưa thực thiện đủ các quy định phát luật hiện hành về quản lý chất lượng công trình, an toàn đập, trồng rừng thay thế, quy trình vận hành hồ chứa, dịch vụ môi trường rừng, các yêu cầu về môi trường. Cục Điều tiết điện lực đã phối hợp, đôn đốc các đơn vị là chủ đầu tư nhà máy thủy điện thực hiện nghĩa vụ trồng bù rừng thay thế, chi trả dịch vụ môi trường rừng trong năm 2015, cụ thể như sau:
1.Công tác trồng rừng thay thế đối với các dự án thủy điện có sử dụng đất rừng chuyển đổi
- Khi có đề nghị của UBND các tỉnh về phối hợp chỉ đạo các đơn vị thủy điện thực hiện nghĩa vụ trồng bù rừng thay thế, Cục Điều tiết điện lực đã có các văn bản yêu cầu các đơn vị thực hiện nghiêm túc về nghĩa vụ trồng bù rừng, cụ thể văn bản đến một số đơn vị như: Công ty cổ phần Thủy điện Cao nguyên - Sông Đà 7, Công ty cổ phần Thủy điện Đăk Mê, Công ty cổ phần Thủy điện Miền Nam, Công ty cổ phần Thủy điện Trung nam Krông Nô, Công ty cổ phần Điện Bảo Tân. Sau khi nhận được văn bản đôn đốc của Bộ Công Thương, các đơn vị thủy điện đều nghiêm túc triển khai việc thực hiện quy định của pháp luật về trồng bù rừng thay thế.
- Đối với các dự án thủy điện có sử dụng đất rừng chuyển đổi và chuẩn bị đi vào vận hành thương mại, Cục Điều tiết điện lực yêu cầu phải xây dựng các phương án trồng bù rừng trình UBND tỉnh phê duyệt và bổ sung tài liệu có liên quan đến việc thực hiện trồng bù rừng trước khi cấp giấy phép hoạt động điện lực.
- Phối hợp chỉ đạo với các cơ quan có thẩm quyền và văn bản đôn đốc của Cục Điều tiết điện lực, tình hình thực hiện quy định về trồng bù rừng của các dự án thủy điện tại các địa phương có nhiều tiến triển rõ rệt, các dự án thủy điện đều đã và đang thực hiện nghiêm túc theo quy định.
2. Công tác thực hiện nghĩa vụ chi trả dịch vụ môi trường rừng
Cục Điều tiết điện lực thường xuyên phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Tổng cục Lâm nghiệp), Quỹ bảo vệ và phát triển rừng để cập nhật thông tin, rà soát tình hình thực hiện quy định về dịch vụ môi trường rừng của các đơn vị thủy điện để phối hợp đôn đốc thực hiện.
Trong năm 2015, Cục Điều tiết điện lực đã có nhiều văn bản gửi các nhà máy thủy điện còn nợ tiền dịch vụ môi trường rừng.
- Qua báo cáo của các đơn vị, phần lớn các đơn vị đều có đã triển khai thực hiện nộp phí dịch vụ môi trường rừng khi có đôn đốc của Bộ Công Thương. Các đơn vị còn nợ một phần tiền dịch vụ môi trường rừng đều có cam kết sẽ thực hiện việc nộp phí trong thời gian tới, một số đơn vị đã làm việc với Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng để có tiến độ thực hiện việc nộp phí.
- Trong quá trình thẩm định hồ sơ cấp giấy phép hoạt động điện lực cho các nhà máy thủy điện, Cục Điều tiết điện lực đều yêu cầu các đơn vị phải có Hợp đồng ủy thác chi trả dịch vụ môi trường rừng và tài liệu, chứng từ chứng minh việc thực hiện tiền nộp phí dịch vụ môi trường rừng.
- Sau khi có văn bản đôn đốc các nhà máy thủy điện, qua báo cáo của các đơn vị cho thấy đa số các nhà máy thủy điện thực hiện nghiêm túc quy định của pháp luật về nộp phí dịch vụ môi trường rừng. Tuy nhiên, vẫn còn một số đơn vị chưa thực hiện đầy đủ với lý do khó khăn về tài chính. Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền để đôn đốc các đơn vị thực hiện nộp phí dịch vụ môi trường rừng theo quy định.
Ngày 25/1, đoàn công tác của tỉnh Bình Thuận kiểm tra đột xuất việc thực hiện các quy định về môi trường tại các nhà máy ở Trung tâm nhiệt điện Vĩnh Tân. Theo đó, Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 2 vẫn xảy ra tình trạng ô nhiễm. Trách nhiệm của Bộ Công Thương trong vấn đề này như thế nào?
Ngay sau khi đoàn công tác của tỉnh Bình Thuận kiểm tra đột xuất, Công ty Nhiệt điện Vĩnh Tân đã có văn bản số 134/NĐVT-AT ngày 26 tháng 01 năm 2016 gửi UBND tỉnh Bình Thuận báo cáo tình hình môi trường tại Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân, trong đó có nêu rõ nguyên nhân, tình trạng và các hành động kịp thời để kiểm soát đảm bảo môi trường hoạt động bãi thải xỉ.
Năm 2015, Bộ Công Thương đã nhiều lần kiểm tra thực tế, có văn bản yêu cầu Công ty Nhiệt điện Vĩnh Tân thực hiện các giải pháp trước mắt và lâu dài đảm bảo các yêu cầu về môi trường theo quy định.
Các dự án tại Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân đều được Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường, chủ đầu tư các dự án phải có trách nhiệm thực hiện các giải pháp bảo vệ môi trường giai đoạn xây dựng cũng như quá trình vận hành, đáp ứng các thông số được phê duyệt. Các trường hợp vi phạm cần phải được xem xét, làm rõ trách nhiệm và xử lý theo quy định.
Bộ Công Thương sẽ tiếp tục tăng cường kiểm tra, đôn đốc các chủ đầu tư thực hiện nghiêm các quy định về bảo vệ môi trường, tránh ảnh hưởng đến môi trường và cư dân khu vực.
Xin Bộ Công Thương cho biết thông tin về hoạt động xuất khẩu một số loại trái cây qua cửa khẩu Tân Thanh, tỉnh Lạng Sơn?
Để đẩy mạnh tiêu thụ dưa hấu mùa vụ 2015/2016, ngày 28 tháng 12 năm 2015, Bộ Công Thuơng đã chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức Hội nghị bàn các giải pháp tạo thuận lợi cho việc xuất khẩu dưa hấu trong thời gian tới, đồng thời tránh tình trạng ùn tắc tại cửa khẩu Tân Thanh (tỉnh Lạng Sơn) trong thời điểm cận Tết Bính Thân 2016 và thời điểm chính vụ thu hoạch. Ngay sau Hội nghị nêu trên, Bộ Công Thương đã có công văn số 172/BCT-XNK ngày 07/01/2016 đề nghị các cơ quan hữu quan, các địa phương tập trung triển khai các giải pháp ngắn hạn, dài hạn về tổ chức sản xuất, cơ sở hạ tầng, lưu thông thương mại để đẩy mạnh tiêu thụ dưa hấu trong thời gian tới.
Hiện nay, Bộ Công Thương đang phối hợp chặt chẽ với Ủy ban nhân dân tỉnh Lạng Sơn và Ủy ban nhân dân các địa phương trồng dưa hấu, thanh long theo dõi sát tình hình xuất khẩu tại cửa khẩu Tân Thanh hàng ngày để kịp thời điều tiết lượng hàng đưa lên khu vực cửa khẩu, tránh gây thiệt hại cho người nông dân và cho các doanh nghiệp; đồng thời cũng đề nghị Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam và Hiệp hội Rau quả Việt Nam tăng cường kết nối cung cầu, đẩy mạnh việc thu mua, tiêu thụ các mặt hàng nêu trên tại thị trường trong nước...
Ủy ban nhân dân tỉnh Lạng Sơn cũng đã chỉ đạo các đơn vị chức năng trên địa bàn tỉnh khẩn trương thực hiện công tác phân luồng giao thông trên quốc lộ 4A (đưa xe đỗ dừng một làn đoạn từ Ngã ba Ma Mèo đến khu vực Pá Phiêng, đảm bảo một làn còn lại vẫn lưu thông thông suốt); kéo dài thời gian làm việc, tạo điều kiện thông quan hàng hóa tối đa; đảm bảo an ninh trật tự; không thực hiện dừng xe kiểm tra với dưa hấu, thanh long và các hàng nông sản xuất khẩu khác tại các khu vực kiểm soát… Đặc biệt, theo đề nghị của Bộ Công Thương, hiện nay Ban Quản lý Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn đã bố trí 02 khu vực để làm địa điểm trung chuyển và tập kết xe, tránh tình trạng ùn tắc giao thông tại khu vực cửa khẩu Tân Thanh (cụ thể là Khu bãi phía đông Chợ Hữu Nghị, rộng 1,5ha với sức chứa 150 - 180 xe và Khu bãi tại Dự án Công ty Cổ phần Quốc tế Lạng Sơn, rộng 7.000m2 với sức chứa 70 - 80 xe). Việc tập kết xe chở hàng vào các khu vực nêu trên cũng phần nào giải quyết được 1/3 - 1/2 lượng xe không đỗ dọc trên quốc lộ 4A.
Theo thông tin từ Sở Công Thương tỉnh Lạng Sơn, tính đến hết ngày 20 tháng 01 năm 2016, tổng lượng dưa hấu xuất khẩu qua cửa khẩu Tân Thanh là trên 26.000 tấn, tổng lượng thanh long xuất khẩu là trên 24.000 tấn. Về giá xuất khẩu, hiện nay giá xuất khẩu mặt hàng dưa hấu dao động khoảng từ 1,3 - 1,5 NDT/kg, giá xuất khẩu thanh long dao động khoảng từ 90 - 100 NDT/thùng 25kg. Cho đến nay, hàng ngày các cơ quan chức năng của tỉnh Lạng Sơn cơ bản vẫn giải quyết thông quan hết số lượng xe lên cửa khẩu theo hướng ưu tiên xe chở dưa hấu đi trước, xe chở thanh long đi sau với tỷ lệ 4 xe dưa - 2 xe thanh long, sau đó là hàng hóa khác, trung bình mỗi ngày xuất khẩu được 220 - 230 xe/ngày. Tính đến 9 giờ sáng ngày 28 tháng 01 năm 2016, lượng xe đỗ dừng tại khu vực cửa khẩu Tân Thanh ra đến gần khu vực Bắc Luống trên quốc lộ 4A khoảng 200 xe, trong có 80 - 90 xe chở thanh long. Theo báo cáo của Ban Quản lý Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn, với nỗ lực của các cơ quan chức năng thuộc Bộ Công Thương và Ủy ban nhân dân tỉnh Lạng Sơn, mặc dù lượng hàng hóa đang có xu hướng tăng hơn so với các ngày trước nhưng công tác điều tiết, phân luồng hàng hóa tại khu vực cửa khẩu Tân Thanh vẫn đang được kiểm soát chặt chẽ.
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải đã khẳng định sẽ xem xét điều chỉnh lại các quy định về xuất khẩu gạo trước thực tế nhiều doanh nghiệp muốn xin xuất khẩu gạo nhưng không được do vướng quy hoạch của Bộ Công Thương. Xin Bộ Công Thương cho biết việc xem xét điều chỉnh này đã được xử lý như thế nào?
Nghị định số 109/2010/NĐ-CP ngày 04 tháng 11 năm 2010 của Chính phủ về kinh doanh xuất khẩu gạo được ban hành nhằm thiết lập hành lang pháp lý khắc phục các bất cập, hạn chế trong hoạt động kinh doanh xuất khẩu gạo, sàng lọc, định hướng thương nhân đầu tư lâu dài phục vụ kinh doanh xuất khẩu gạo; gắn trách nhiệm của thương nhân với việc tiêu thụ lúa gạo cho người sản xuất, góp phần khắc phục tình trạng “được mùa, rớt giá”, đảm bảo an ninh lương thực, bình ổn thị trường nội địa, hướng đến mục tiêu phát triển sản xuất, xuất khẩu gạo bền vững.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực, quá trình thực hiện định hướng sàng lọc thương nhân theo Nghị định số 109/2010/NĐ-CP cũng cho thấy một số vấn đề cần được điều chỉnh như nhiều thương nhân tiếp tục đầu tư xây dựng kho chứa, cơ sở xay xát để được cấp Giấy chứng nhận, có thể dẫn tới một cuộc “chạy đua” đầu tư gây lãng phí cho đầu tư xã hội, số lượng thương nhân đề nghị cấp Giấy chứng nhận ngày càng tăng. Trong khi đó, năng lực và hiệu quả hoạt động kinh doanh xuất khẩu gạo của nhiều thương nhân còn hạn chế; bỏ vốn đầu tư lớn cho việc xây dựng kho chứa, cơ sở xay xát, xây dựng vùng nguyên liệu nhưng năng lực thương mại yếu, không tiếp cận được thị trường, kinh doanh xuất khẩu chưa hiệu quả. Một số doanh nghiệp thành tích xuất khẩu hạn chế, thậm chí không xuất khẩu được. Việc xây dựng vùng nguyên liệu, tổ chức thu mua, tiêu thụ lúa gạo hàng hóa cho người sản xuất còn bất cập.
Tại văn bản số 1101/TTg-KTTH ngày 31 tháng 7 năm 2013, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý về nguyên tắc với nội dung dự thảo Quyết định phê duyệt Quy hoạch thương nhân xuất khẩu gạo do Bộ Công Thương trình và giao Bộ Công Thương phê duyệt Quy hoạch đảm bảo các yêu cầu: (i) Tối đa 150 đầu mối xuất khẩu gạo; (ii) Kỳ hạn xét thành tích xuất khẩu để thu hồi giấy chứng nhận là 2 năm liên tiếp xuất khẩu không đạt 10.000 tấn/năm và (iii) Ưu tiên cho các doanh nghiệp có vùng nguyên liệu hoặc hợp tác, đặt hàng, liên kết với người sản xuất lúa được làm đầu mối xuất khẩu gạo; hạn chế thấp nhất các doanh nghiệp chỉ kinh doanh thương mại tham gia xuất khẩu gạo; đồng thời có lộ trình phù hợp để thực hiện chủ trương doanh nghiệp đầu mối xuất khẩu gạo phải có vùng nguyên liệu hoặc hợp tác, liên kết, đặt hàng với hộ nông dân trồng lúa.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc xây dựng Quy hoạch thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo tại văn bản số 1101/TTg-KTTH dẫn trên, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 6139/QĐ-BCT ngày 28 tháng 8 năm 2013 phê duyệt quy hoạch thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo, trong đó, xác định cụ thể các tiêu chí, điều kiện để được cấp và duy trì Giấy chứng nhận như tiêu chí về kho chứa, cơ sở xay, xát, tiêu chí địa bàn quy hoạch xây dựng kho chứa, cơ sở xay, xát thóc, gạo để đáp ứng điều kiện kinh doanh; tiêu chí, điều kiện về thành tích xuất khẩu. Các tiêu chí, điều kiện này nhằm mục đích kiểm soát, khống chế số lượng đầu mối và địa bàn đầu tư, phòng ngừa tình trạng đầu tư ồ ạt, lãng phí; tạo động lực thúc đẩy thương nhân tăng cường xuất khẩu, góp phần tiêu thụ lúa gạo hàng hóa cho người nông dân.
Tuy nhiên, thực tế thời gian qua, có trường hợp doanh nghiệp sản xuất mặt hàng gạo hữu cơ, chất lượng cao đề nghị được xuất khẩu sản phẩm do doanh nghiệp sản xuất, trong khi chưa đủ năng lực đầu tư cơ sở xay, xát, kho chứa đáp ứng quy định như trường hợp Công ty Cổ phần Thương mại và Sản xuất Viễn Phú ở tỉnh Cà Mau. Một số thương nhân hoạt động kinh doanh lúa gạo trên địa bàn các tỉnh Nghệ An, Ninh Bình, Hà Nam (là những địa phương ngoài vùng quy hoạch đã được phê duyệt) có hồ sơ đề nghị được tham gia hoạt động kinh doanh xuất khẩu gạo.
Để giải quyết những vấn đề thực tiễn phát sinh, Bộ Công Thương đã trao đổi với các Bộ, ngành, địa phương liên quan và báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, cho phép Công ty Cổ phần Thương mại và Sản xuất Viễn Phú được xuất khẩu gạo theo cơ chế đặc thù trong các năm 2014, 2015. Tuy nhiên, kết quả xuất khẩu của doanh nghiệp cũng rất hạn chế (năm 2015, doanh nghiệp chỉ xuất khẩu được 15 tấn gạo). Đối với các trường hợp thương nhân ngoài vùng quy hoạch, Bộ Công Thương đã trao đổi với các Bộ, ngành liên quan và có công văn số 432/BCT-XNK ngày 15 tháng 01 năm 2016 báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, cho phép bổ sung các tỉnh Hà Nam, Ninh Bình, Nghệ An vào địa bàn quy hoạch thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo và hiện đang chờ ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ để tổ chức triển khai thực hiện.
Về vấn đề cơ chế, chính sách, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục theo dõi tình hình triển khai thực hiện Nghị định số 109/2010/NĐ-CP và các văn bản hướng dẫn thi hành để ghi nhận những vấn đề phát sinh từ thực tiễn để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, điều chỉnh cho phù hợp với yêu cầu công tác điều hành hoạt động kinh doanh xuất khẩu gạo trong thời gian tới.
Vấn đề chuyển nhà máy sang Việt Nam vừa có nhân công giá rẻ, vừa đón đầu cơ hội mà Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) là cách mà nhiều công ty nước ngoài đang thực hiện nhằm dùng Việt Nam để làm bàn đạp vào các thị trường lớn trong khối TPP. Một số chuyên gia lo ngại việc Việt Nam đóng vai trò xuất khẩu “hộ” sẽ khiến phần lợi nhuận từ một số ngành hàng xuất khẩu chủ lực còn lại ít, một số ý kiến khác cho rằng Việt Nam nên có các chính sách phù hợp “mượn” nguồn vốn đầu tư này để phát triển kinh tế trong nước cùng với các cam kết chặt chẽ về chuyển giao công nghệ. Ý kiến của Bộ Công Thương về vấn đề này như thế nào?
Xuất khẩu của khu vực đầu tư nước ngoài là một điểm sáng trong bức tranh kinh tế chung của Việt Nam trong năm vừa qua. Tỷ trọng xuất khẩu của khu vực này trong tổng kim ngạch xuất khẩu có xu hướng ngày càng tăng trong các năm gần đây. Nếu như năm 2010, kim ngạch xuất khẩu của khu vực đầu tư nước ngoài là 34 tỷ USD, chiếm là 47,3% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước; năm 2011 (47,9 tỷ USD, chiếm 49,4% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước); năm 2012 (64 tỷ USD, chiếm 55,9% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước); năm 2013 (81 tỷ USD, chiếm 61,2% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước); năm 2014 đạt 94 tỷ USD, tăng 16,2% so với năm 2013, chiếm 62,6% kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Đến năm 2015 xuất khẩu của khu vực này đạt 110,59 tỷ USD, tăng 17,7% so với năm 2014 và chiếm tỷ trọng 68,2% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.
Như vậy, có thể nói, khu vực FDI đóng vai quan trọng trong nền kinh tế và kim ngạch xuất khẩu cả nước. Trong những năm gần nhiều doanh nghiệp nước ngoài chú ý đến Việt Nam và chuyển đến đầu tư Việt Nam do họ nhìn thấy cơ hội lớn từ đầu tư tại nước ta khi Việt Nam ký kết các Hiệp định FTA lớn như TPP, FTA với EU…. Thực tế hiện tượng các nhà đầu tư nước ngoài tranh thủ nguồn nhân công giá rẻ của Việt Nam để làm bàn đạp vào các thị trường xuất khẩu lớn trên thế giới không phải là mới, do chính sách thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam từ trước đến nay vẫn phụ thuộc vào yếu tố này, mà chỉ gia tăng mạnh hơn khi triển vọng ký kết các Hiệp định rõ nét hơn Tuy nhiên, chúng ta cũng cần nhìn nhận đánh và giá đúng một số điểm lợi từ việc gia tăng đầu tư vào Việt Nam:
- Thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ
Đây là cơ hội để phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ mà trong nhiều năm qua chúng ta chưa làm được do việc đầu tư đòi hỏi nguồn vốn lớn, công nghệ cao trong nhiều lĩnh vực: dệt may, da giày, cơ khí, ô tô…tiến tới giảm dần phụ thuộc vào nhập khẩu, hạ giá thành sản phẩm nâng cao giá trị gia tăng cho các sản phẩm trong nước và xuất khẩu, đồng thời giảm gánh nặng cho nhập khẩu.
- Cơ hội mở rộng đầu tư, tiếp cận công nghệ hiện đại
Trong quá trình hội nhập, các doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội tiếp cận với các nguồn vốn đầu tư quốc tế để mở rộng đầu tư, phát triển sản xuất và trong chừng mực nào đó tiếp cận công nghệ hiện đại, kỹ năng quản lý, sản xuất từ các nước tiên tiến hiện đại. Nền kinh tế Việt Nam mà đặc biệt là các lĩnh vực được đánh giá là chịu nhiều tác động từ các FTA như dệt may, da giày sẽ trở thành nơi thu hút các nhà đầu tư nhằm nắm bắt cơ hội do hội nhập mang lại.
- Thanh lọc, phát triển được các doanh nghiệp có năng lực cạnh tranh
Dưới sức ép cạnh tranh gay gắt trong bối cảnh toàn cầu hoá và tham gia các hiệp định FTA, chỉ có các doanh nghiệp mạnh, có đủ năng lực cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài và trong nước mới có thể trụ được, còn lại sẽ bị bật khỏi thị trường nếu năng lực cạnh tranh yếu. Đây cũng là cơ hội buộc các doanh nghiệp phải tự đánh giá lại, tìm hướng đi giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh để tồn tại, là động lực thúc đẩy các doanh nghiệp phát triển.
- Tạo công ăn việc làm cho người lao động
Tuy nhiên, để việc đầu tư nước ngoài vào Việt Nam mang lại hiệu quả cao, đóng góp lớn vào phát triển kinh tế đất nước, chúng ta cần phải có những chính sách phù hợp. Do đó, tùy từng giai đoạn phát triển của đất nước, chúng ta cần có các chính sách khuyến khích đầu tư theo hướng có chọn lọc và phù hợp vào các lĩnh vực ưu tiên như công nghiệp hỗ trợ, công nghệ cao, cơ sở hạ tầng.
Vừa qua, một loạt doanh nghiệp sản xuất trong ngành đã cùng ký tên trong một kiến nghị gửi tới Thủ tướng, Bộ Công Thương, Bộ Tài chính đề nghị không áp dụng biện pháp tự vệ đối với mặt hàng phôi thép. Xin Bộ Công Thương cho biết vụ việc này được giải quyết đến đâu?
Trong bất kỳ một vụ việc điều tra và áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại nào trên thế giới (bao gồm chống bán phá giá, chống trợ cấp và tự vệ) cũng như ở Việt Nam đều sẽ dẫn đến việc xung đột lợi ích giữa các bên. Trong đó các bên được hưởng lợi là nhà sản xuất trong nước và các ngành công nghiệp thượng nguồn, đồng thời có các bên chịu thiệt hại là nhà nhập khẩu và người tiêu dùng hoặc các ngành công nghiệp hạ nguồn. Đó là lý do các nước đều cân nhắc lợi ích kinh tế xã hội chung khi quyết định áp dụng một biện pháp phòng vệ thương mại nói chung và tự vệ nói riêng.
Pháp luật về việc điều tra và áp dụng các biện pháp tự vệ của cả WTO và Việt Nam đều đã đầy đủ, minh bạch và quy định chặt chẽ những điều kiện, quy trình để có thể áp dụng các biện pháp này. Theo đó, khi các nhà sản xuất trong nước nộp hồ sơ đầy đủ, hợp lệ, chứng minh được các dấu hiệu về nhập khẩu gia tăng đột biến dẫn đến thiệt hại cho ngành sản xuất trong nước thì Bộ Công Thương phải thụ lý hồ sơ và ra quyết định tiến hành điều tra.
Ngày 12 tháng 1 năm 2016, Bộ Công Thương đã nhận được đơn kiến nghị về việc không áp dụng biện pháp tự vệ đối với mặt hàng phôi thép từ 6 doanh nghiệp thép trong nước. Ngày 25/12/2015, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ra Quyết định số 14926/QĐ-BCT về việc điều tra áp dụng biện pháp tự vệ đối với sản phẩm phôi thép và thép dài.
Hiện nay vụ việc vẫn đang trong quá trình điều tra và Bộ Công Thương đảm bảo mọi quy trình, thủ tục điều tra đều được tiến hành công khai, mình bạch và tuân thủ đúng quy định của WTO cũng như pháp luật Việt Nam. Bộ Công Thương luôn ghi nhận mọi ý kiến bình luận, kiến nghị của các bên liên quan và tạo cơ hội cho các bên liên quan được trình bày quan điểm của mình về vụ việc. Do đó, ý kiến phản đối việc áp dụng biện pháp tự vệ với phôi thép của 6 doanh nghiệp trong nước đã được Bộ Công Thương ghi nhận và sẽ thể hiện trong nội dung kết luận điều tra.