Chồn rất thích ăn hạt cà phê chín
CôngThương - Ông Hoàng Mạnh Cường là một nông dân, sống ở phường Tân Tiến, TP. Buôn Ma Thuột, Đăk Lăk, là người sản xuất, kinh doanh cà phê chồn từ năm 2004.
Ngay từ khi còn nhỏ, ông thường đi nhặt những quả cà phê rụng dưới gốc do con chồn ăn thải ra đem về rang xay riêng để uống. Thấy cà phê ngon, hiểu được cà phê chồn quý giá trong khi loài thú rừng quý hiếm này ngày càng vắng bóng, ông nảy sinh ý định nuôi thử chồn, cho chúng ăn hạt cà phê chín để thu cà phê chồn. Do chưa nuôi chồn bao giờ nên ông Cường phải tốn rất nhiều thời gian để vừa nuôi vừa tìm hiểu về tập tính của chúng. Chồn là loài động vật không chỉ ăn được cá, thịt, các loài bò sát…, chúng còn rất thích ăn hạt cà phê chín. Do mỗi năm mùa cà phê chín chỉ kéo dài 3 tháng là kết thúc, ông Cường dự tính lấy trái chín cất đông để dành, nhưng ai ngờ chồn không ăn loại cà phê này. Ông thay đổi môi trường mới bằng việc chuyển chồn sang chuồng mới, thông thoáng, sạch sẽ hơn, chồn bắt đầu chịu ăn.
Từ đó, ông Cường quyết định thành lập công ty và đầu tư xây dựng hệ thống chuồng trại khang trang, đăng ký nguồn gốc chồn nuôi với cơ quan kiểm lâm. Hiện ông Cường đang sở hữu 120 con chồn, trong đó có 30 con chồn giống. Đó là tài sản của hơn 10 năm nghiên cứu, gây dựng dưới sự trợ giúp của Tổ chức Hỗ trợ cạnh tranh toàn cầu. Đó là những con chồn được chăm sóc chu đáo, nuôi nhốt trong môi trường như ngoài tự nhiên. Vào vụ thu hoạch cà phê, ông đến tận vườn chọn mua những quả chín mọng với giá cao hơn 2- 3 lần giá thị trường, mang về cho chồn ăn. Cà phê chồn được thu hoạch vào buổi sáng, sau khi chồn thải ra hạt cà phê còn nguyên, được rửa sạch, sấy khô, đóng gói.
Anh Cường cho biết: Để có được sản phẩm cà phê chồn chất lượng tốt phải nuôi chồn trong điều kiện giống môi trường tự nhiên và cà phê cho chồn ăn không bị sâu, hoặc nhiễm thuốc hóa học. Mỗi con chồn ăn trái chín sau một ngày chỉ thải ra khoảng 100g nhân, suốt vụ có thể cho 5- 6 kg cà phê nhân/con. Sản phẩm làm ra chủ yếu bán lẻ cho khách du lịch và những người có thu nhập cao với giá từ 1- 1,7 triệu đồng/kg. Với số lượng cà phê thu lượm được, năm 2007- 2008, ông có 200kg cà phê chồn, năm 2009 tăng lên 500kg, năm 2010 lên đến 900kg. Sau đó, Công ty TNHH Sài Gòn- Ban Mê tìm đến ký hợp đồng bao tiêu để xuất khẩu sang Nhật và các nước châu Âu.
Từ những thành công đó, tháng 1/2010, thương hiệu cà phê chồn của Công ty TNHH MTV Kiên Cường được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp chứng nhận đăng ký nhãn hiệu. Đặc biệt, tháng 6/2012, Cục Sở hữu trí tuệ tiếp tục cấp Bằng độc quyền giải pháp hữu ích cho phương pháp sản xuất cà phê chồn của ông Cường.
Cà phê chồn là hạt cà phê được con chồn (còn gọi là cầy hương) ăn vào bụng, tiêu hóa phần vỏ, nhân thấm đẫm dịch vị rồi... thải ra. Tác động của bao tử chồn đã làm phân cắt các protein trong hạt cà phê khiến phần nhân còn lại giảm vị đắng, nâng cao mùi vị đặc thù. Hạt cà phê chồn khi được pha chế trở nên thơm ngon hơn. Do vậy cà phê chồn quý hiếm và giá đắt. |