"Trong trường hợp gặp khủng hoảng, khó khăn tài chính hoặc phá sản, thì doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH) gặp khó khăn có thể không có khả năng tài chính để trích lập quỹ dự trữ này. Khi đó, quyền lợi của người được bảo hiểm không được bảo vệ tối ưu. Vì vậy, việc phải có quỹ bảo vệ người được bảo hiểm là cần thiết"
Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh nhấn mạnh tính cấp thiết việc lập quỹ phòng chống rủi ro cho người tham gia bảo hiểm.
Chính vấn đề nên hay không nên lập quỹ bảo hiểm rủi ro cho người tham gia bảo hiểm khi DNBH phá sản không có khả năng thanh toán thu hút được nhiểu ý kiến thảo luận của đại biểu trong phiên thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật kinh doanh bảo hiểm diễn ra chiều nay (26/10).
Doanh thu bảo hiểm phi nhân thọ của 5 doanh nghiệp dẫn đầu
Đa số các phát biểu tán thành việc thành lập quỹ bảo hiểm rủi ro cho người tham gia bảo hiểm, nhưng vẫn có một số đại biểu cho rằng điều này là không cân thiết.
Đại biểu Trung Nghiên, Cần Thơ cho rằng khi người tham gia bảo hiểm, họ ràng buộc với nhau bằng cách đưa ra các nội dung trong hợp đồng bảo hiểm. Khi phá sản đã có luật phá sản quy định rồi.
Cùng quan điểm không cần lập quỹ bảo hiểm rủi ro là ý kiến của đại biểu Cao Ngọc Xuyên (tỉnh Bạc Liêu).
Không đồng tình với phát biểu trên, đại biểu Trần Du Lịch (đoàn TP Hồ Chí Minh), lấy ví dụ cho rằng bảo hiểm nhân thọ là quãng thời gian rất dài trong trường hợp DNBH hoạt động tốt thì không sao nhưng có rủi ro thì người mua chịu thiệt.
Còn đại biểu Đào Minh Lợi, Cà Mau cho rằng trong luật bảo hiểm hiện nay chưa thể hiện công bằng.
Ông Lợi dẫn chứng, “chưa tham gia thì nhân viên bảo hiểm đến vận động hay lắm, tham gia rồi thì người mua nắm dao đằng lưỡi. Quy định bản thân nguồn thu bảo hiểm là nguồn chi tham gia bảo hiểm. Nhưng nếu doanh nghiệp phá sản thì người mua biết làm sao.”
Theo Bee