Lao động phổ thông dễ nhảy việc vì thu nhập.
Ông Gaku Echizenya- Giám đốc Điều hành của VietnamWorks- cho biết, khi được hỏi lý do chủ yếu nào có thể dẫn đến quyết định nghỉ việc hay chuyển việc, có 7160 người, chiếm 57% tổng số người được khảo sát cho biết họ không thấy có cơ hội thăng tiến cũng như phát triển bản thân trong công việc hiện tại.
“Cơ hội thăng tiến là yếu tố kém quan trọng hơn trong việc quyết định nhảy việc đối với nhân viên trên 10 năm kinh nghiệm, chỉ chiếm 48%. Trong khi đó, đối với nhân viên dưới 5 năm kinh nghiệm, tỉ lệ này lên đến 61%”- ông Gaku Echizenya nhận định.
Khảo sát của VietnamWorks còn cho thấy, trong nhóm người lao động có kinh nghiệm 5 năm trở xuống, cơ hội để phát triển bản thân là tiêu chí được nhiều người cân nhắc nhất khi quyết định chuyển việc. Với người có trên 5 năm kinh nghiệm trở lên, họ cảm thấy được trân trọng hơn và đánh giá cao trong công việc mới là yếu tố phổ biến nhất ảnh hưởng đến quyết định nhảy việc, chiếm đến 58% đối với người tìm việc 5 đến 10 năm kinh nghiệm và 61% với người tìm việc có hơn 10 năm kinh nghiệm.
Người lao động dễ nhảy việc do không được trân trọng trong công việc hiện tại, họ có thể bị thay thế một cách dễ dàng. Trong khi chỉ có 33% nhóm người ít hơn 2 năm kinh nghiệm chọn lý do “Sếp không phù hợp” là lý do khiến mình nhảy việc, thì có tới 47% (gần một nửa số người trên 10 năm kinh nghiệm) chọn lý do này.
Câu hỏi “Thời điểm nào nhảy việc là tốt nhất?”, có 40% số người được khảo sát cho biết họ chỉ nhảy việc khi đã tìm được việc làm mới. Lựa chọn khá phổ biến này xuất phát từ tư tưởng phải có một việc làm ổn định của người Việt. Người tìm việc Việt Nam nắm bắt khá tốt tình hình tuyển dụng lao động, khi 29% số người được khảo sát chọn thời điểm sau Tết là thời gian nhảy việc lý tưởng nhất, cho dù có tìm được việc mới hay không.