Mặc dù bán nho Trung Quốc nhưng nhiều tiểu thương vẫn gắn mác Ninh Thuận. |
Anh Hoàng Quý Dương, chủ vườn nho xanh ở Ninh Thuận, cho biết vụ mùa từ tháng 4 đến tháng 8 gần như mất trắng vì thời tiết không thuận lợi. Có thời điểm nắng gắt khiến hoa nho bị cháy, cả vườn không cho ra sản phẩm. Năm ngoái, đây từng là vụ bội thu của nhà nông này.
“Năm nay, dù mở rộng diện tích nhưng do thời tiết không tốt nên tôi bị mất trắng 2 sào. Các vườn bên cạnh thì bớt khó khăn hơn, song sản lượng nho cũng giảm một nửa so với mọi năm. Sau nắng gắt, có thời điểm mưa liên tục khiến trái nho không được đẹp và to tròn, khiến giá cũng trượt mạnh" anh Dương nói.
Cũng bị thất thu, nhà vườn khác là anh Hòa cho hay đã trồng 4 sào nho xanh nhưng hết năm nay, sản lượng thu được chỉ khoảng 2 tấn, giảm 30% so với mọi năm. “Vụ năm nay nho ở đây trái nhỏ và mẫu mã không được đẹp nên bán tại vườn chỉ được 6.000 - 8.000 đồng một kg loại một, 2.000 - 3.000 với nho xấu để làm rượu. Những năm trước, hàng đẹp phải bán được giá 15.000 đồng" anh Hòa chia sẻ.
Anh Đỗ Minh Hoàng (phường Đô Vinh, Tháp Chàm) cũng chia sẻ, năm nay vườn nho đậu trái, song do thời tiết thiếu thuận lợi, lại sơ suất trong phân bổ phân bón nên nho không lên màu đều như bình thường, có vườn thì chỉ chín lác đác nên sản lượng thu được không cao. "Tôi có 3 ha nhưng hiện mới chỉ thu hoạch được hơn một sào với sản lượng 3 tấn, thấp hơn nhiều so với mọi năm. Có vườn thì trái chỉ dừng lại ở màu xanh nhạt chứ không thể lên màu đỏ nên chỉ bán được cho các đơn vị làm rượu", anh Vinh tâm sự và cho biết ngay cả loại ngon bán cho thương lái, giá cũng chỉ đạt khoảng 8.000 đồng, giảm gần 50% so với vụ trước và cùng lắm chỉ giúp anh hoà vốn.
Là một trong những khu vực trồng được đánh giá cao, song vườn nho của anh Tâm ở Thái An cũng không mấy thuận lợi khi sản lượng giảm đáng kể. "Năm nay nho trái nhỏ, giá lại quá rẻ. Mới đầu vụ Đông, tôi thu hoạch được khoảng gần chục tấn nhưng sản lượng nho ngon chỉ chiếm 20%", anh Tâm kể.
Theo các chủ vườn nho, nguyên nhân khiến nho ở Ninh Thuận mất giá một phần là do chất lượng chưa đạt. Tuy nhiên, phần lớn là do vụ này nho Trung Quốc tràn lan trên thị trường với giá rẻ nên sản phẩm Việt khó cạnh tranh. "Nho Trung Quốc cuống dày, trái mọng, to tròn, màu sắc đẹp giá lại hấp dẫn nên rất được lòng người tiêu dùng. Nhiều thương lái muốn bán được hàng đã gắn mác nho Ninh Thuận khiến sản phẩm nho gốc bị ép giá" anh Vinh giải thích.
Nho đỏ Trung Quốc trước đây gắn mác nho Mỹ thì nay là Ninh Thuận. |
Khảo sát tại các chợ và đường phố TP. HCM cho thấy, rất nhiều sản phẩm nho Trung Quốc dựa hơi thương hiệu Ninh Thuận để bán hàng.
Tại chợ Văn Thánh, chị Hoa - chủ sạp bán "Nho Ninh Thuận" - cho biết giá bán loại quả xanh là 45.000 đồng một kg. Tuy nhiên, nếu khách hàng trả xuống thấp hơn chị vẫn sẵn sàng bán. Riêng nho đỏ, loại tròn, to như nho Mỹ có giá 60.000 đồng một kg. "Nho đỏ có giá cao là vì đây là loại nho tuyển chọn đặc biệt ở Ninh Thuận, khách hàng có thể để trong tủ lạnh một tuần mà không sợ bị hư hỏng" chị Hoa giải thích. Tuy nhiên, khi ăn thử sản phẩm này, cả 2 loại đều ngọt sắc và không hạt. Theo chị Hằng - chủ cửa hàng đặc sản Hà Nội - đó là hàng Trung Quốc, bởi hàng Việt mẫu mã rất kém.
Ông Nguyễn Văn Mọi - chủ thương hiệu nho "Ba Mọi" cũng thừa nhận hàng Trung Quốc đang tràn lan trên thị trường. Ngay cả tại Ninh Thuận, nơi được xem là thủ phủ của nho vẫn tràn ngập hàng Trung Quốc. Do vậy, để mua được sản phẩm đúng nguồn gốc, người tiêu dùng nên tìm đến những cửa hàng, siêu thị uy tín. Nhất là đối với loại nho xanh, ông Mọi cho biết người tiêu dùng rất khó phân biệt đâu là hàng Trung Quốc, đâu là hàng Việt.
Riêng với nho đỏ dễ phát hiện hơn. Theo kinh nghiệm của ông, nho đỏ Ninh Thuận hình cầu, trái to khoảng đầu ngón tay cái, vỏ nho rất mỏng, quả chín có màu đỏ tươi đến đỏ đậm, có vị ngọt và chua nhẹ. Chùm nho thon dài và các trái gần như khít nhau. Trong khi đó, nho Trung Quốc có trái to gấp đôi, quả chín có màu đỏ nhạt, có lốm đốm trắng trên vỏ, vị ngọt gắt. Đặc biệt, cả hai loại nho xanh và đỏ của Ninh Thuận đều có hạt chứ chưa có nơi nào trồng được loại không hạt.