CôngThương - “Xâm nhập” vùng biên
Lạng Sơn được coi là “điểm nóng” về hàng hóa Trung Quốc, người tiêu dùng địa phương quen dùng hàng Trung Quốc từ cả chục năm nay. Thị trường hàng Việt ở đây rất mỏng, doanh nghiệp Việt chưa sẵn sàng bám trụ… Thế nhưng từ khi có Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, chỉ trong thời gian ngắn, hàng Việt đã tìm được chỗ đứng nhất định ở “điểm nóng” hàng Trung Quốc này. Nhiều mặt hàng đã có những cú lội “ngược dòng” như sản phẩm nước xả vải Mỹ Hảo không chỉ tổ chức được mạng lưới phân phối để trụ được ở vùng biên giới bên đất Việt Nam, mà còn xuất ngược sang Trung Quốc.
Hàng may mặc bị cạnh tranh quyết liệt nhất, mặc dù đang ở thế yếu trong cuộc cạnh tranh với các sản phẩm giá rẻ của Trung Quốc, nhưng các công ty kinh doanh hàng thời trang Việt Nam vẫn quyết mang sản phẩm của mình đi Lạng Sơn. Theo Sở Công Thương tỉnh Lạng Sơn, Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” phát động trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn đã tác động sâu sắc, dần đẩy lùi nạn buôn lậu hàng hóa giá rẻ qua biên giới.
Tại các tỉnh Quảng Trị, Tây Ninh, An Giang - vốn là lãnh địa của hàng nhập lậu từ Trung Quốc, Thái Lan… cũng đã có những chuyển biến rõ rệt. Năm 2010, tỉnh An Giang đã tổ chức 2 chuỗi chương trình đưa hàng Việt về nông thôn giai đoạn 2 do Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao và Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và Hỗ trợ doanh nghiệp (BSA) phối hợp thực hiện. Trong đó, giai đoạn 2 đã thu hút số lượng doanh nghiệp tham gia nhiều nhất, gồm 59 đơn vị, mặc dù bước qua giai đoạn 2, các doanh nghiệp không còn nhận được sự hỗ trợ từ Chương trình Xúc tiến thương mại thị trường trong nước của Bộ Công Thương. Đặc biệt, phiên chợ có đến 1/3 các cơ sở sản xuất, làng nghề của địa phương tham gia.
60% người tiêu dùng quan tâm tới hàng Việt
Bộ Công Thương đã phối hợp cùng BSA chọn thị trường nông thôn làm điểm nhấn, nhằm đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa theo chương trình đưa hàng Việt về nông thôn và đã thu được thành công bất ngờ. Thành công của chương trình không chỉ là doanh số bán hàng mà còn là việc tổ chức hệ thống phân phối, cũng như giới thiệu hàng Việt về thị trường nông thôn, nhất là vùng biên giới. Thông qua các đợt bán hàng, doanh nghiệp đã xây dựng kế hoạch phát triển cùng phương pháp, kỹ năng và công cụ phát triển thị trường nông thôn; bên cạnh đó, nâng cao chất lượng kết nối giữa thị trường nông thôn và nguồn cung ứng từ các công ty sản xuất, hình thành mạng lưới phân phối lâu dài cho hàng Việt sau này, một thị trường nhiều tiềm năng mà trước đây DN vẫn chưa thực sự quan tâm và chú trọng.
Theo báo cáo của Bộ Công Thương, trong năm 2010 đã có 80 đợt bán hàng về nông thôn với 857 lượt doanh nghiệp tham gia và 1.124 gian hàng được Sở Công Thương các tỉnh, thành phố tổ chức, thu hút gần 4,8 triệu lượt khách tham quan, mua sắm. Doanh thu bán hàng đạt gần 1.500 tỷ đồng. Bên cạnh đó, các hoạt động như hội chợ, triển lãm nhằm quảng bá và đưa sản phẩm tới người tiêu dùng đã được tổ chức rộng rãi, phong phú và quy mô. Các hoạt động điều tra, khảo sát thị trường nội địa được thực hiện chu đáo và công bố công khai.
Hàng Việt Nam sản xuất trong nước ở nhiều ngành dần khẳng định được thương hiệu với lợi thế giá cả, chất lượng ổn định và mẫu mã tốt. Theo kết quả điều tra, hiện nay đã có trên 60% người tiêu dùng quan tâm đến hàng Việt, trong khi trước đây, con số này chỉ dừng ở mức khoảng trên 23% (thống kê của Tập đoàn Grey - Mỹ). Nhiều doanh nghiệp cho rằng, cuộc vận động đã tạo điều kiện thuận lợi cho nền sản xuất trong nước, cho hoạt động và phát triển của các doanh nghiệp Việt Nam. Các doanh nghiệp đã ý thức được ý nghĩa của chương trình “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” là “cơ hội vàng” để nâng cao uy tín thương hiệu đối với người tiêu dùng, đem lại cơ hội sản xuất kinh doanh tại thị trường nội địa.
Còn nhiều rào cản
Sau hơn một năm thực hiện cuộc vận động, thị trường nông thôn được nhìn nhận chính là nơi tiêu thụ hàng hóa lớn nhất. Tuy nhiên, số lượng doanh nghiệp đưa hàng về nông thôn, nhất là khu vực vùng biên còn khá khiêm tốn. Nhiều doanh nghiệp cho rằng, việc đưa hàng về nông thôn tốn nhiều chi phí trong khi nguồn thu lại nhỏ. Bên cạnh đó, việc tiếp cận thị trường nông thôn vẫn còn nhiều hạn chế, đặc biệt là các văn bản pháp quy tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp. Cơ quan quản lý nhà nước cũng chưa có nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng sản xuất, cũng như mạng lưới phân phối về những vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa mà chủ yếu vẫn là doanh nghiệp tự xâm nhập thị trường trong bối cảnh sức cạnh tranh từ hàng lậu giá rẻ là quá mạnh.
Hệ thống doanh nghiệp tại các địa phương cũng đang đối diện với nhiều khó khăn trong việc tạo lòng tin với người tiêu dùng. Thực tế hiện nay, những thương hiệu được công nhận “Hàng Việt Nam chất lượng cao” còn quá ít ỏi (hơn 700 mặt hàng) so với hàng triệu sản phẩm, nhãn hiệu hàng nội có mặt trên thị trường. Ngoài ra, hệ thống phân phối chưa được coi trọng, mới chỉ ở bước khởi đầu, mạng lưới thị trường, hệ thống kết nối giữa sản xuất – phân phối – tiêu dùng chưa được hình thành, thậm chí chưa có mô hình một cách hoàn chỉnh và bền vững. Ở một số vùng nông thôn xa xôi, người dân khó tìm được các sản phẩm Việt Nam chất lượng cao. Hệ thống phân phối hàng hóa ở nông thôn vốn còn mỏng, không thể cung cấp cho nông dân nhiều sản phẩm có chất lượng, các chủng loại hàng hóa cũng không đa dạng như ở thành phố.
Cần một sự tương tác
Theo đánh giá của Bộ Công Thương, năm 2010 là năm thành công của hàng Việt trong việc tiếp cận thị trường nông thôn. Tuy nhiên, để tiếp tục phát huy hiệu quả cuộc vận động, giúp nông dân có cơ hội sử dụng nhiều mặt hàng Việt Nam, các doanh nghiệp cần phải tăng cường tuyên truyền sâu rộng và tích cực vận chuyển và phân phối hàng hóa về nông thôn. Đồng thời, cải thiện đáng kể về mẫu mã, chất lượng trên cơ sở ứng dụng công nghệ hiện đại, sản xuất theo các tiêu chuẩn quốc tế để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.
Để người dân có cơ hội dùng hàng Việt chất lượng cao, theo BSA, cần có những chính sách đối với người dân nông thôn. Cụ thể: để tăng mức tiêu thụ sản phẩm Việt Nam thì cần có sự tương tác giữa các doanh nghiệp và nông dân. Theo đó, muốn nông dân mua các sản phẩm Việt Nam thì trước hết doanh nghiệp phải hỗ trợ người nông dân tiêu thụ các sản phẩm do chính người nông dân làm ra như: nông sản, thủy sản … Khi hàng hóa nông sản được tiêu thụ ổn định, thì nông dân mới có đủ tiền mua sắm, chi tiêu. Bên cạnh đó, cần phải nâng cao đời sống người dân nông thôn, tăng khả năng và mức tiêu dùng của họ thì doanh nghiệp mới bán được nhiều hàng. Về lâu dài, Nhà nước cần có những thay đổi căn bản về hệ thống hạ tầng cho nông thôn, hỗ trợ nhiều hơn và dài hơi để doanh nghiệp thay đổi cách đối xử với thị trường này.
Nhiều doanh nghiệp cho rằng, cần đẩy mạnh công tác quản lý thị trường, chống buôn lậu, làm hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, chống gian lận thương mại, góp phần lành mạnh hóa thị trường cũng là một vấn đề tiên quyết. Nếu công tác này không đủ quyết liệt trong việc bảo hộ nhãn hàng, kiểm soát chất lượng sản phẩm, để cho hàng gian, hàng nhái, hàng giả tràn lan thì sẽ vô tình giết chết doanh nghiệp và hàng hóa trong nước.
Thúy Hà