Chủ tịch Hồ Chí Minh không có những tác phẩm kinh điển đồ sộ bàn riêng về vấn đề này, nhưng trong một số bài nói, bài viết Người sớm nhận thấy sự cần thiết phải thực hiện chiến lược “người Việt Nam dùng hàng Việt Nam” và cho rằng, người Việt Nam dùng hàng Việt Nam là yêu nước. Vì vậy, ngay từ những năm 1958, trong bài “Nói chuyện tại hội chợ triển lãm thủ công nghiệp và tiểu công nghiệp”, ngày 21/2/1958, Người khẳng định: “Đồng bào ta nồng nàn yêu nước nên rất muốn dùng hàng của ta sản xuất”.
Yêu nước là truyền thống cực kỳ quý báu, là thang giá trị cao nhất của con người Việt Nam trong suốt chiều dài lịch sử. Trong “thời đại Hồ Chí Minh”, yêu nước đã được nâng lên thành chủ nghĩa yêu nước và nội hàm của chủ nghĩa yêu nước được mở rộng: Yêu nước gắn liền với yêu chủ nghĩa xã hội; trong đó, “dùng hàng của ta sản xuất” cũng là biểu hiện của yêu nước.
Hàng Việt đã chiếm trên 80% hàng hoá tại hệ thống siêu thị trên cả nước |
Người còn chỉ rõ điều kiện tiên quyết để đồng bào thể hiện lòng yêu nước khi dùng hàng của ta là hàng hóa phải vừa tốt và rẻ. Do đó, Người yêu cầu đối với người sản xuất và trách nhiệm của Đảng, của Chính phủ phải: “Trước nhất người sản xuất phải làm hàng tốt và rẻ. Người sản xuất phải thực thà sản xuất hàng tốt cho đồng bào dùng, không nên làm hàng trưng bày thì tốt mà hàng bán thì xấu. Giá cả phải chăng, không lừa dối người mua. Sản xuất phải thiết thực và đúng hướng, đảm bảo làm nhiều loại hàng tốt và rẻ cần dùng cho đông đảo nhân dân”.
Về phương thức sản xuất ra hàng hóa tốt và rẻ, Người chỉ rõ phải đưa người sản xuất vào hợp tác xã để thay đổi tập quán sản xuất cũ của họ để sản xuất nhiều, nhanh, tốt, rẻ và chỉ rõ trách nhiệm của Đảng và Chính phủ: “Những người sản xuất phải tổ chức thành tập đoàn, hợp tác xã thì mới có thể sản xuất được nhiều, tốt, không lãng phí tài năng và thời giờ. Có làm được những điều trên thì sản xuất thủ công nghiệp và tiểu công nghiệp mới có tương lai, mới vẻ vang. Đảng và Chính phủ sẵn sàng giới thiệu hàng của ta sản xuất để đồng bào biết mà dùng”. Có như vậy, một mặt, tăng thu nhập để họ mua được nhiều hàng hóa do công thương nghiệp sản xuất và nâng cao đời sống cho nhân dân lao động; mặt khác, thúc đẩy nông nghiệp phát triển - nền tảng để phát triển công thương nghiệp nhằm tăng nguồn thu cho Nhà nước, đến lượt công thương nghiệp sản xuất ra nhiều hàng hóa tốt, rẻ phục vụ tiêu dùng người dân và cho phát triển nông nghiệp.
Về vấn đề này, trong Diễn văn khai mạc Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa II), đọc ngày 25/1/1953, Người nhấn mạnh: “Về kinh tế - tài chính, nông dân đủ ăn đủ mặc, tăng gia sản xuất được nhiều, thì nông nghiệp sẽ phát triển. Họ có tiền mua hàng hóa, thì thủ công nghiệp, thương nghiệp và công nghệ của giai cấp tiểu tư sản và tư sản dân tộc, cũng như công thương nghiệp quốc doanh sẽ được phát triển. Nông dân hăng hái đóng thuế nông nghiệp thì tài chính của Nhà nước được dồi dào”.
Người cũng chỉ ra tính chất của sản xuất hàng hóa tốt và rẻ trong chế độ mới - chế độ xã hội chủ nghĩa ưu việt hơn và giải thích cặn kẽ: “Thói thường, nhanh thì khó tốt, tốt thì khó rẻ! Nhưng đó chỉ là “thói thường” khi người lao động còn phải bán sức mình như một món hàng để kiếm sống. Đối với chúng ta, những người lao động đang làm chủ và xây dựng cuộc sống mới, thì NHIỀU, NHANH, TỐT, RẺ lại gắn bó với nhau như da với thịt. Nếu làm nhiều, làm nhanh, làm tốt nhưng lại không rẻ - nghĩa là nếu phải dùng quá nhiều sức người, sức của - thì rốt cuộc vẫn không đạt được mục đích tăng nhanh mức sống của nhân dân và tăng nhanh tích luỹ để xây dựng công nghiệp, mở mang kinh tế. Cho nên, chúng ta phải hết sức tiết kiệm sức người, sức của trong sản xuất và xây dựng…Tăng năng suất lao động, tiết kiệm vốn, tiết kiệm nguyên liệu, vật liệu, không những giảm được giá thành, mà còn dôi ra một số khá lớn sức người, sức của để sản xuất thêm nhiều hàng hoá, xây dựng thêm nhiều xí nghiệp mới. Thế là đã nhiều, nhanh lại rẻ. Và do rẻ, nên càng nhiều, nhanh”.
Những chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” ra đời ở giai đoạn lịch sử đặc biệt - toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta đang thực hiện đồng thời hai nhiệm vụ chiến lược cách mạng: Xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam trong điều kiện rất khó khăn. Do đó, việc khơi dậy lòng yêu nước của nhân dân bằng việc khuyến khích nhân dân ưu tiên tiêu dùng hàng hóa trong nước là chủ trương đạt “nhiều mục tiêu” cùng một lúc, không chỉ giải quyết những khó khăn trước mắt mà giải quyết được những vấn đề chiến lược lâu dài; thực chất là khơi dậy và phát huy động lực để xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Những chỉ dẫn đó của Người, chẳng những có giá trị to lớn đối với cách mạng nước ta lúc bấy giờ mà còn giữ nguyên giá trị trong điều kiện hiện nay.
Thấu triệt và vận dụng sáng tạo chỉ dẫn quý báu của Chủ tịch Hồ Chí Minh về “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, Đảng ta - trong những giai đoạn khó khăn của đất nước đã kịp thời đề ra chủ trương và phát động cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Sau khủng hoảng kinh tế toàn cầu 2007 - 2008 đã có tác động tiêu cực đến tất cả các nền kinh tế, trong đó có Việt Nam, để phát huy nội lực vượt qua khó khăn, Bộ Chính trị ra Thông báo Số 264-TB/TW, ngày 31/7/2009 về tổ chức cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trong đó chỉ rõ: “Trước yêu cầu đưa nền kinh tế đất nước vượt qua khó khăn, thách thức, phát triển nhanh, bền vững, giải quyết tốt an sinh xã hội, Bộ Chính trị đồng ý chủ trương tổ chức cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam. Mục đích cuộc vận động: Phát huy mạnh mẽ lòng yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, tự tôn dân tộc, xây dựng văn hóa tiêu dùng của người Việt Nam và sản xuất ra nhiều hàng Việt Nam có chất lượng, sức cạnh tranh cao, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu”.
Hơn 10 năm sau, trước ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch Covid-19, đúng dịp Kỷ niệm 131 năm Ngày sinh nhật Bác Hồ kính yêu, Ban Bí thư đã ra Chỉ thị 03-CT/TW ngày 19/5/2021 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trong tình hình mới, trong đó đã tổng kết hơn 10 năm thực hiện Thông báo số 264-TB/TW, ngày 31/7/2009 về tổ chức cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” và khẳng định những kết quả đạt được và những hạn chế đó là: Qua hơn 10 năm tổ chức thực hiện, Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần khơi dậy tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc của người tiêu dùng Việt Nam trong sử dụng hàng Việt Nam; góp phần thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô và an sinh xã hội... Tuy nhiên, kết quả Cuộc vận động chưa thực sự toàn diện; chất lượng, mẫu mã và giá cả của nhiều hàng hoá Việt Nam chưa hấp dẫn người tiêu dùng; tình trạng hàng giả, kém chất lượng, không bảo đảm an toàn gây bức xúc và ảnh hưởng tiêu cực tới đời sống người dân, hoạt động sản xuất, kinh doanh trong nước; việc xây dựng, phát hiện, nhân rộng, biểu dương, tôn vinh các điển hình tốt trong thực hiện Cuộc vận động còn hạn chế…; đồng thời, tiếp tục khẳng định: “Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” là một giải pháp cần thiết, quan trọng trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội đất nước giai đoạn hiện nay”.
Như vậy, Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” là chủ trương nhất quán của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Để Cuộc vận động này đi vào cuộc sống, điều kiện tiên quyết và không thể khác là chúng ta phải quán triệt và vận dụng sáng tạo những chỉ dẫn quý báu của Chủ tịch Hồ Chí Minh về “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” và thực hiện tốt Chỉ thị 03-CT/TW ngày 19/5/2021 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trong tình hình mới của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XIII.