CôngThương - Giá heo tăng chỉ là nhất thời
Những ngày qua, thị trường thịt heo có những biến động thất thường theo chiều hướng tăng mạnh tại các chợ. Tại các chợ ở Tp Mỹ Tho (Tiền Giang), giá thịt heo đã tăng vài ngàn đồng một kilogam trong khi thị trường heo tết vẫn chưa khởi động, sức tiêu thụ vẫn chưa tăng. Chị Lê Thị Hoa- chủ sạp bán thịt heo ở chợ Vòng Nhỏ (Tiền Giang) cho biết: “Hơn 1 tháng nay, giá thịt heo bán lẻ trong khu vực chợ Mỹ Tho tiếp tục tăng. Giá thịt ba rọi tăng từ 70.000 đồng lên trên 80.000 đồng/kg, sườn non tăng từ 75.000 đồng lên 85.000/kg, nạc lưng tăng từ 68.000 đồng lên 78.000 đồng/kg…
Ông Nguyễn Minh Châu- chủ trại nuôi heo ở xã An Thạnh Thủy, huyện Chợ Gạo (Tiền Giang) cho biết, cách đây gần 1 tháng, giá heo hơi tăng đột biến lên 3,7- 3,8 triệu đồng/tạ. Sau đó 3-4 ngày thì giá lại đột ngột giảm xuống chỉ còn khoảng 3,3-3,4 triệu đồng/tạ và đứng luôn đến bây giờ. Theo ông Châu, nguyên nhân là do thời điểm đó các thương lái từ Bắc vào Nam thu gom heo bán sang Trung Quốc nên giá bị đẩy lên. Sau đó, họ không còn thu mua nữa nên giá heo trở lại mức cũ.
Đối với thị trường tiêu thụ tại các tỉnh lân cận như TP. Hồ Chí Minh, Long An, Bến Tre… cũng không sôi động lắm. Anh Nguyễn Văn Rum- thị trấn Chợ Gạo, huyện Chợ Gạo (Tiền Giang), thương lái chuyên mua heo bán cho các chợ lớn ở các tỉnh lân cận- cho biết: Hiện lượng heo thu gom để bán cho các chợ giảm đáng kể vì mức tiêu thụ tại các chợ này khá chậm. “Do lượng heo thu gom mỗi chuyến chỉ khoảng hơn chục con, giảm 50% so với cùng thời điểm năm ngoái, do đó, chi phí vận chuyển rất cao nên lúc này tụi tui chỉ làm cầm chừng giữ mối chớ không có lời” – anh Rum chia sẻ.
Nguồn cung heo tết vẫn dồi dào
Trước những biến động mạnh của giá cả thị trường thịt heo theo chiều hướng tăng, cộng với tâm lý lo ngại thiếu thịt heo tết khi cầu tăng, nhưng nhiều tỉnh thành (trong đó có Tiền Giang) vừa bị dịch bệnh hoành hành. Tuy nhiên, ngành chăn nuôi cũng như nhiều trang trại nuôi heo lớn trong tỉnh đều cho rằng, lượng heo thịt cung ứng cho thị trường vẫn dồi dào và hoàn toàn đáp ứng đủ nhu cầu thị trường. Bởi theo các chủ trại chăn nuôi này, phần lớn các trang trại chăn nuôi lớn đều giữ được đàn heo qua đợt dịch vừa rồi nên nguồn cung thịt heo từ nay đến tết sẽ không bị ảnh hưởng. Ông Nguyễn Quang Cơ- xã Bình Ninh, huyện Chợ Gạo (Tiền Giang)- cho biết: “Tôi đã chuẩn bị sẵn 200 con heo thịt phục vụ thị trường tết. Các trại lớn xung quanh đây cũng đã sẵn sàng. Với những thông tin nắm được từ bạn bè và thị trường, tôi khẳng định lượng heo thịt phục vụ thị trường tết sẽ không thiếu”.
Theo thống kê của Trạm thú y huyện Chợ Gạo, trong đợt dịch heo tai xanh vừa qua, Chợ Gạo có khoảng 15.000 con heo bị bệnh tiêu hủy trên tổng đàn 110.000 con. Hiện nay, người nuôi tái đàn trở lại gần bằng lượng heo tiêu hủy, vì thế, tổng đàn heo của huyện xấp xỉ như trước khi xảy ra dịch. Còn thòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Châu Thành cho biết, tỷ lệ heo bị bệnh tai xanh bị tiêu hủy của huyện khoảng 7-8% nên tổng số đàn heo của huyện hiện nay còn trên 50.000 con.
Trao đổi vấn đề này, ông Lê Minh Khánh, Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh Tiền Giang cho biết, trong đợt bùng phát dịch tai xanh vừa qua, tỉ lệ heo tai xanh bị hủy trong toàn tỉnh chỉ chiếm 10%, chủ yếu ở các hộ nuôi nhỏ lẻ, còn phần lớn lượng heo ở các trang trại đều giữ được đàn. Mặt khác, thời điểm công bố dịch heo tai xanh trên toàn tỉnh tính đến nay đã hơn 2 tháng, vì thế người chăn nuôi có heo bị bệnh tai xanh có đủ thời gian nuôi trở lại và kịp xuất chuồng trong dịp tết Nguyên đán này. Ông Khánh khẳng định, nguồn cung thịt heo thị trường từ nay đến tết Nguyên đán này không hề khan hiếm.
Như vậy, nguồn cung heo tết không thiếu, tại sao giá thịt heo tăng trong thời gian qua? Lý giải điều này, các chuyên gia kinh tế cho rằng, do tâm lý lo ngại nguồn cung thịt heo thiếu hụt sau dịch heo tai xanh bùng phát, sự tác động của thông tin thương lái gom heo bán qua Trung Quốc, cộng với lượng thịt heo ở phía Nam có thời điểm bị hút ra Bắc đã đẩy giá thịt heo tăng lên. Trong khi đó, thị trường tiêu thụ thịt heo của Tiền Giang và các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, chủ yếu là TP. Hồ Chí Minh nhưng sức tiêu thụ tại những nơi này vẫn còn thấp so với trước đây. Từ đó, cho thấy sức ép tăng giá thịt heo không phải do nguồn cung không đủ cầu mà do ảnh hưởng giá cả leo thang của các nguyên liệu đầu vào, nhất là giá thức ăn chăn nuôi, lãi suất ngân hàng đã tác động đến giá thịt heo ở chợ. Ngoài ra, do chi phí vận chuyển tăng nên các thương lái phải tăng giá bán heo đầu ra để đảm bảo lợi nhuận.
Trí Quang