Nguy hiểm nhiễm ký sinh trùng từ thú cưng
Hiện nay, nhu cầu nuôi các loại thú cưng ngày càng phát triển và trở thành trào lưu, sở thích của nhiều người, nhiều gia đình.
Thế nhưng, ít ai ngờ rằng, chính việc tiếp xúc quá gần gũi với thú cưng lại là nguyên nhân làm gia tăng bệnh nhân nhiễm giun đũa chó, mèo trong thời gian gần đây. Thậm chí, ký sinh trùng này có thể đi khắp cơ thể, trong đó nguy hiểm nhất là gây tổn thương ở não, gan, phổi và mắt.
Nhiều người nuôi thú cưng, ôm ấp và ngủ cùng chúng… là nguy cơ rất lớn để bệnh giun đũa chó, mèo lây lan và phát triển. Ảnh VOV |
Quá trình điều trị, có người đáp ứng nhanh, nhưng có người phải dùng 2-3 liệu trình mới khỏi. Khi nuôi thú cưng, nếu phân của chúng không được xử lý đúng sẽ làm cho giun đũa chó, mèo lây lan qua tiếp xúc trực tiếp, lây nhiễm vào nước uống, đồ ăn, thậm chí có thể lây nhiễm qua đường hít thở.
Đặc biệt, chó nhỏ nhiễm giun đũa rất nhiều. Mỗi ngày, thú cưng này có thể thải ra hàng nghìn trứng giun. Điều đáng lo ngại là, số lượng bệnh nhân nhiễm ấu trùng này đang gia tăng trong thời gian gần đây và dù có uống thuốc tẩy giun định kỳ 2 lần/năm cũng không tẩy được giun đũa chó, mèo mà phải thực hiện theo lộ trình cụ thể.
Hiện nay, nhiều người nuôi thú cưng, chơi, ôm ấp và ngủ cùng chúng… là nguy cơ rất lớn để bệnh giun đũa chó, mèo lây lan và phát triển.
Năm 2023, theo thống kê của Viện Sốt rét - ký sinh trùng - côn trùng trung ương, đã ghi nhận nhiều trường hợp đến khám do nhiễm ký sinh trùng như: Giun, sán, ấu trùng giun đũa chó, mèo... tăng đột biến. Có thời điểm, mỗi ngày, Viện tiếp nhận từ 300 đến 400 người đến khám; trong khi trước đó chỉ có trung bình gần 200 người/ngày.
Nếu trước đó, các ca nhiễm giun sán chủ yếu là các loại giun đũa, giun tóc, giun kim… thì hiện nay, các bệnh nhân đến khám do nhiễm ký sinh trùng, có thời điểm đến 70% bị nhiễm ấu trùng giun đũa chó, mèo.
Khi nhiễm ấu trùng này, tùy vị trí khác nhau mà biểu hiện khác nhau, trong đó có một số biểu hiện rõ rệt là ngứa kéo dài, nổi mề đay, nốt ban… do ấu trùng di chuyển dưới da. Ngoài ra, có thể bị đau bụng, đau đầu, sốt, tổn thương da…
Để không bị nhiễm ấu trùng giun đũa từ chó mèo, bác sĩ đưa ra khuyến cáo: không nên ăn ngủ chung, ôm hôn chó mèo.
Nên vệ sinh sạch sẽ cho có mèo, bát đựng thức ăn, chất thải của chó, mèo nên xử lý và vệ sinh sạch sẽ. Nên tẩy giun định kỳ cho chó, mèo sẽ giảm nguy cơ truyền bệnh ấu trùng giun đũa chó mèo sang người. Vì chó, mèo cũng có nguy cơ nhiễm các bệnh ký sinh trùng rất cao.
Theo đó, không nên ăn, ngủ chung, ôm hôn chó, mèo. Những gia đình có trẻ em nên tạm dừng nuôi chó, mèo, vì con trẻ thường hay lê la, đưa vào miệng những vật dụng trên nền nhà. Tuyệt đối không cho trẻ ôm, hôn chó mèo, nhất là phần đuôi của chó mèo. Bởi vì đuôi và lông là khu vực dính rất nhiều chất thải.
Đặc biệt, khi nghi ngờ nhiễm bệnh về ký sinh trùng người bệnh cần tới các cơ sở chuyên khoa điều trị về bệnh ký sinh trùng trên toàn quốc để được thăm khám và điều trị kịp thời.