Nhà ở công nhân: Nơi khát, nơi nhiều vẫn “ế”
Bắc Ninh đang “ế” 1.300 nhà ở công nhân
Mới đây, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Đào Quang Khải ký báo cáo số 108 gửi Bộ Xây dựng về việc tháo gỡ một số khó khăn, vướng mắc trong quá trình phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân.
Theo báo cáo này, tỉnh Bắc Ninh đã triển khai đầu tư 51 dự án nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, nhà ở cho công nhân khu công nghiệp, với tổng diện tích đất khoảng 157ha.
Các dự án khi hoàn thành sẽ cung ứng khoảng 3,9 triệu m2 sàn nhà ở, tương ứng hơn 46.500 căn hộ, đáp ứng chỗ ở cho khoảng 180.000 người.
Trong đó, số dự án nhà ở xã hội dành cho đối tượng thu nhập thấp là 29 dự án, quy mô xây dựng 15.500 căn hộ, đáp ứng chỗ ở cho 75.000 người, bao gồm: 21 dự án đã hoàn thành, 8 dự án đang chuẩn bị đầu tư xây dựng.
Bên cạnh đó, tỉnh Bắc Ninh cũng đang triển khai đầu tư 22 dự án nhà ở công nhân, quy mô xây dựng 31.000 căn hộ, đáp ứng chỗ ở cho khoảng 105.000 người, bao gồm: 7 dự án đã hoàn thành, 15 dự án đang chuẩn bị đầu tư xây dựng.
Dự án nhà ở xã hội Hoàng Gia tại thành phố Bắc Ninh do Công ty TNHH Hoàng Gia đầu tư xây dựng, gồm 2 tòa nhà 19 tầng với tổng số 540 căn hộ. Ảnh minh họa |
Tuy nhiên, thời gian qua, các chủ dự án đã rao bán 1.681 căn nhà ở công nhân nhưng số lượng bán được ít, hiện 7 dự án hoàn thành kể trên đang ế 1.324 căn nhà.
Nguyên nhân được cho là do đa số công nhân là người ngoại tỉnh, có tính chất cư trú không ổn định, thường xuyên di chuyển, thay đổi vị trí việc làm. Bên cạnh đó, thu nhập của công nhân còn thấp, vì thế việc bán, cho thuê, thuê mua nhà ở công nhân ở Bắc Ninh thời gian qua rất chậm.
Gói tín dụng 120.000 tỷ có thực sự phù hợp?
Một trong những nguyên nhân được cho là liên quan mật thiết đến việc khó tiếp cận được nhà ở xã hội, nhà ở công nhân đó là lãi suất cho vay vẫn quá cao. Cụ thể đối với gói tín dụng 120.000 tỷ đang được cho là vẫn quá cao so với thu nhập của đại đa số người lao động.
Theo Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, hiện nay, lãi suất với chủ đầu tư là 8,7%/năm và người mua là 8,2%/năm. Trong khi thời gian cho vay ưu đãi chỉ kéo dài 5 năm. Điều đó khiến chủ đầu tư và người mua gặp khó khăn trong việc chuẩn bị nguồn tiền. Chính vì vậy, Hiệp hội kiến nghị chủ đầu tư nhà ở xã hội được vay với lãi suất dưới mức 6%/năm và người mua nhà dưới 4,5%/năm như gói 30.000 tỉ đồng đang triển khai.
Một nghiên cứu của Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam cho biết, thu nhập của công nhân, người lao động rất thấp và với mức lãi suất cho vay như hiện nay đối với nhà ở xã hội 8,2%/năm thì đa số không có khả năng mua nhà ở xã hội, dù đúng đối tượng. Bởi, với người có thu nhập ổn định 12 triệu đồng/tháng phải mất tới 37 năm mới trả hết lãi vay ngân hàng. Trong trường hợp không phải vay với lãi suất 8,2%/năm mà được vay mức 4,5%/năm, họ sẽ trả hết nợ sau khoảng 19 năm.
Không chỉ lãi suất cao, mà thời gian ưu đãi 5 năm là quá ngắn, không phù hợp với bản chất của chính sách tín dụng cho nhà ở xã hội. Do đó, sau thời gian ưu đãi, người dân phải thỏa thuận mức lãi suất sẽ dẫn đến rủi ro cho bên vay. Nếu phải trả lãi theo lãi suất thương mại bình thường, đây thực sự là gánh nặng đối với bên vay khi đều là người có thu nhập thấp.
Chính vì thế, đến nay, sau thời gian dài công bố gói tín dụng 120.000 tỉ đồng cho doanh nghiệp và người dân vay để xây dựng dự án, mua nhà ở xã hội nhưng với lãi suất quá cao không ai dám vay.
Theo báo cáo từ Bộ Xây dựng, tính đến đầu tháng 8/2023, có 24 dự án từ 11 địa phương báo cáo đủ điều kiện vay trong gói tín dụng 120.000 tỉ đồng, với tổng nhu cầu vay vốn là 12.442 tỉ đồng.
Giải pháp nào “chống ế”?
Quay trở lại câu chuyện “ế” hơn 1.300 căn nhà ở xã hội ở một tỉnh được coi là “thủ phủ công nghiệp” với số lượng người lao động đi thuê nhà gần như cao nhất nước, tỉnh Bắc Ninh cho rằng, nhà ở công nhân bị ế là do giá bán cao, trong khi người lao động không tiếp cận được gói vay ưu đãi 120.000 tỷ đồng.
Hiện Bắc Ninh là địa phương được Chính phủ giao chỉ tiêu phát triển nhà ở xã hội cao thứ 3 toàn quốc, sau Bình Dương, Bắc Giang. Đến năm 2025, tỉnh này phải có ít nhất 30.700 căn nhà ở xã hội và thêm 41.500 căn đến năm 2030.
Hiện Nhà nước đã và đang đẩy mạnh chính sách phát triển nhà ở cho công nhân. Tuy nhiên, thực tế triển khai lại cho thấy, có những nơi đang “khát”, có những nơi đang “ế”, nhưng người lao động có nhu cầu vẫn không tiếp cận được. Vậy làm thế nào để giải nghịch lý này?
Trao đổi về vấn đề này, TS. Trần Xuân Lượng, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, đề xuất 4 nhóm giải pháp: Thứ nhất, cần có quỹ đất sạch bố trí cho nhà đầu tư. Thứ hai, giảm các thủ tục hành chính đối với dự án nhà ở xã hội; ưu tiên về pháp lý, thủ tục thẩm tra, thẩm định. Thứ ba, tháo gỡ các vấn đề về nguồn vốn, ngoài nguồn vốn từ bán nhà ở hình thành trong tương lai, huy động vốn từ các tổ chức nước ngoài, từ nguồn kiều hối… Thứ tư, giảm lãi suất ưu đãi xuống thấp hơn.
Cũng tại báo cáo vừa gửi Bộ Xây dựng, Bắc Ninh cũng đưa ra loạt đề xuất để tháo gỡ. Trong đó, tỉnh kiến nghị Bộ nghiên cứu, bổ sung các cơ chế ưu đãi đặc biệt hơn nữa đối với nhà lưu trú công nhân, nhà ở xã hội dành cho công nhân.
Tỉnh Bắc Ninh kiến nghị Bộ Xây dựng nghiên cứu, bổ sung các cơ chế ưu đãi đặc biệt hơn nữa đối với nhà lưu trú công nhân, nhà ở xã hội dành cho công nhân. Đi kèm với đó là hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn, các quy định, hướng dẫn cụ thể về quản lý, phát triển đồng bộ loại hình nhà ở này.
Đề nghị Bộ Xây dựng nghiên cứu, sửa đổi các quy định, cơ chế chính sách liên quan đến đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ trong các dự án nhà ở xã hội có quy mô lớn, đảm bảo mục tiêu giảm giá nhà ở xã hội, phù hợp với thu nhập, khả năng chi trả của các đối tượng xã hội. Đồng thời, quy định cụ thể phương pháp xác định giá bán, cho thuê, cho thuê mua với trường hợp khu nhà ở xã hội quy mô lớn, có đầy đủ hạ tầng.
Bên cạnh đó, đề nghị Bộ Xây dựng sửa quy định về thẩm định giá bán, cho thuê, thuê mua nhà ở xã hội cho phù hợp với thực tế. Có thể giao cho địa phương ban hành giá trần bán, cho thuê, thuê mua nhà ở xã hội phù hợp với từng thời kỳ hoặc cho phép chủ đầu tư tính giá bán, cho thuê, thuê mua nhà ở xã hội theo quyết toán dự án.