Nhà thầu giao thông đau đầu vì “bão giá” vật liệu xây dựng
Giá thành dự án vượt 18-30%
Chia sẻ tại Toạ đàm “Giải pháp giúp nhà thầu giao thông vượt "bão giá"” do Báo Giao thông tổ chức ngày 12/8, ông Nguyễn Lê Bách, Phó Giám đốc Ban Kế hoạch - kỹ thuật Tập đoàn Đèo Cả cho biết: Bão giá vật liệu xây dựng bắt đầu từ quý I/2021. Thời điểm đó, chúng tôi lập giá dự thầu của cao tốc Nghi Sơn - Diễn Châu giá thép chỉ khoảng 14.000 đồng/kg, đến tháng 4/2022 đã lên tới 20.000 đồng/kg. Hiện dù đã giảm nhẹ nhưng giá thép vẫn đứng ở mức 18.000 đồng/kg.
“Đáng nói, không chỉ thép, các vật liệu khác như đất đắp, xăng dầu, xi măng… đều tăng phi mã khiến giá thành các dự án đang bị vượt khoảng 18-30% so với hợp đồng gốc”, ông Nguyễn Lê Bách nói.
Đang tham gia thi công những dự án cao tốc lớn, Tập đoàn Cienco 4 cũng rất khó với tình trạng tăng giá chóng mặt của vật liệu xây dựng. Ông Lê Đức Thọ, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Cienco 4 bày tỏ: Hôm qua, đơn vị còn phải ký hợp đồng mua vật liệu với giá cao hơn. Nguyên do, vật liệu khan hiếm trong khi nhu cầu lớn, dự án bị ép tiếp độ thi công, lực lượng chức năng siết quy định tải trọng xe khiến các nhà cung cấp vật liệu không giảm giá.
Hơn nữa, thủ tục để được khai thác một mỏ vật liệu mất cả năm trời đã ảnh hưởng rất nhiều tới công tác thi công dự án.
Nhà thầu giao thông đau đầu vì “bão giá” vật liệu xây dựng |
Giá vật liệu tăng chóng mặt từ đầu năm 2021 tới nay gây ra nhiều hệ luỵ, đầu tiên là hình thành mặt bằng giá mới, tiếp đó ảnh hưởng tới tiến độ các dự án. Dù các nhà thầu đã rất cố gắng tuy nhiên 4 dự án Mai Sơn - QL45, Cam Lộ - La Sơn, Vĩnh Hảo - Phan Thiết và Phan Thiết - Dầu Giây thuộc tuyến cao tốc Bắc- Nam theo kế hoạch phải hoàn thành trong năm nay đều có nguy cơ bị chậm tiến độ.
Về chất lượng của dự án, theo ông Trần Chủng, Chủ tịch Hiệp hội các Nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam, vật liệu xây dựng là yếu tố mang tính quyết định. Nếu chất lượng không được lựa chọn, giá cả không thích hợp thì các nhà thầu không thể mang tiền nhà đi để bù giá. “Ở đâu có ép giá thì chắc chắn sẽ dẫn đến ép về chất lượng”, ông Trần Chủng nhấn mạnh
Giải pháp nào?
Trước những khó khăn của nhà thầu, chủ đầu tư các dự án giao thông, Chính phủ và các bộ, ngành chức năng đã ráo riết tìm giải pháp gỡ khó. Trong đó có việc đôn đốc các địa phương công bố giá vật liệu xây dựng và chỉ số giá. Theo thống kê, hiện đã có 44 địa phương công bố hàng tháng, 19 địa phương công bố hàng quý.
Dù vậy, theo phản ánh của các nhà thầu, việc ban hành giá và chỉ số giá đã không bù đắp được thực tế chi phí nhà thầu phải gánh do trượt giá. Đơn cử, đối với dự án Phan Thiết - Dầu Giây, nhà thầu tính toán trượt giá khoảng 23%, địa phương bù giá 11%; dự án Cam Lộ - Huế, bù giá 0,3% nhưng theo nhà thầu tính toán thì trượt giá gần 10%.
Nguyên nhân là do công thức điều chỉnh giá hiện nay dùng theo chỉ số giá mà chỉ số giá lại theo dạng tổng hợp (như đang thi công phần nền lại đưa vào điều chỉnh cả nhựa đường) nên không sát với công thức điều chỉnh giá, mức điều chỉnh giá không phù hợp. Chưa kể, các địa phương đang tổng hợp và đưa ra chỉ số giá dựa trên một số công trình chung trên địa bàn nhưng dự án cao tốc, tiêu chuẩn và nguồn vật liệu khác hẳn.
Việc chưa có định nghĩa cụ thể về "biến động giá bất thường" cũng là khó khăn khi áp dụng điều chỉnh giá cho các dự án.
Với rất nhiều vướng mắc vậy cách nào gỡ khó cho các nhà thầu, đồng thời đảm bảo tiến độ, chất lượng các dự án giao thông?
Về câu hỏi này, ông Trần Chủng đề xuất 3 ưu tiên: Tác động mạnh mẽ đến các địa phương để sớm có tiến độ, đừng có độ trễ lớn với việc công bố giá và chỉ số giá. Bộ Xây dựng và Bộ giao thông Vận tải sớm thống nhất xây dựng bộ chỉ số giá riêng cho hệ thống đường cao tốc, có thể toàn tuyến hoặc vùng miền.Cần “sẵn trong túi” những cơ chế đặc thù để ứng phó với từng tình huống khi “bão giá”, nhất là trong giai đoạn tới và cuối cùng đơn giá định mức cần cải tiến.
Ông Lê Quyết Tiến, Phó Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng - Bộ Giao thông Vận tải đồng tình: Cần xây dựng giá và chỉ số giá cho đường cao tốc và đây là hướng đi quan trọng.
Về nội dung liên quan đến mỏ vật liệu để đảm bảo vật liệu cho triển khai dự án cao tốc, đặc biệt là 12 dự án trong giai đoạn từ năm 2021 – 2025, ông Lê Quyết Tiến thông tin: Trong cơ chế đặc thù Quốc hội cho phép, có nội dung liên quan mỏ vật liệu. Cụ thể, 2 năm 2022 - 2023, nhà thầu thi công không phải thực hiện thủ tục cấp phép khai thác mỏ khoáng sản và vật liệu xây dựng thông thường nằm trong hồ sơ khảo sát vật liệu xây dựng phục vụ dự án.
Điều này đồng nghĩa với việc Quốc hội, Chính phủ cho áp dụng cơ chế đặc thù là cấp mỏ vật liệu cho nhà thầu, nhà đầu tư không phải thực hiện thủ tục cấp phép mỏ khoáng sản, vật liệu xây dựng.