Du lịch Việt Nam thiếu trầm trọng đội ngũ hướng dẫn viên ngoại ngữ hiếm
CôngThương - Không đáp ứng nhu cầu
Tại Hội nghị giao ban toàn quốc về du lịch mới đây, đại diện Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết, một dự án du lịch 5 sao của Canada đầu tư tại đây cần tuyển dụng 2.000 lao động ở các vị trí. Dù tỉnh có một trường cao đẳng du lịch, tích cực giới thiệu, liên kết với nhiều trung tâm đào tạo khác, nhưng vẫn không đáp ứng yêu cầu của nhà tuyển dụng cả về số lượng lẫn chất lượng.
Không riêng gì tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, ngay cả trung tâm du lịch lớn nhất nước như TP.Hồ Chí Minh, đội ngũ nhân lực vẫn chưa đáp ứng được đòi hỏi phát triển lâu dài của du lịch thành phố. “TP.HCM có khoảng 14.000 sinh viên đang tham gia lớp đào tạo chính quy về hoạt động du lịch. Tuy nhiên, số sinh viên này khi ra trường chưa thể hoạt động có hiệu quả ngay mà cần một thời gian được rèn luyện qua thực tế” - bà Nguyễn Thị Hồng - Phó chủ tịch UBND thành phố - nói.
Tổng cục Du lịch sẽ có chiến lược đào tạo đồng bộ đội ngũ lao động trong ngành từ nhân viên tiếp tân đến bảo vệ, lái xe taxi - những lao động thường xuyên tiếp xúc trực tiếp với du khách - nhằm tạo ra hình ảnh mới có tính chuyên nghiệp cao. |
Đại diện nhiều địa phương cho rằng, tình trạng thiếu đội ngũ hướng dẫn viên (HDV) và thuyết minh viên (TMV) ngoại ngữ hiếm, đang trở nên hết sức bức bách. Tại Đà Nẵng, hàng tuần có 2 chuyến bay tới Hàn Quốc, mỗi tháng đón từ 5-10 chuyến khách Nga, nhưng thiếu trầm trọng HDV, lễ tân khách sạn, tiếp viên thạo 2 ngoại ngữ này.
Nâng chất cho nhân lực
Ông Nguyễn Văn Tuấn thừa nhận, đội ngũ HDV du lịch đã được quản lý bài bản theo hệ thống từ trung ương tới địa phương. Tuy nhiên, hiện 5 tỉnh (Điện Biên, Sơn La, Đăk Nông, Bình Phước và Bạc Liêu) vẫn chưa có HDV đăng ký cấp thẻ hành nghề. Bên cạnh đó, việc đào tạo, cập nhật kiến thức và cấp thẻ cho TMV tại các điểm du lịch chưa được triển khai đồng bộ, còn tùy thuộc vào khả năng của từng địa phương. “Sắp tới, Tổng cục Du lịch sẽ hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực du lịch tại địa phương. Trước mắt, sẽ tăng cường đào tạo chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ quản lý du lịch và hỗ trợ triển khai đào tạo đội ngũ TMV” - ông Tuấn chia sẻ. Với sự hỗ trợ của Cộng đồng châu Âu thông qua Dự án Phát triển nguồn nhân lực du lịch, Việt Nam đã xây dựng bộ tiêu chuẩn kỹ năng nghề du lịch Việt Nam (VTOS) cho 13 nghề, nhưng tiêu chuẩn kỹ năng nghề TMV chưa có. Vì thế, thời gian tới, Tổng cục Du lịch sẽ phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội xây dựng tiêu chuẩn kỹ năng nghề cho TMV.
Theo đại diện Sở VH-TT&DL Thanh Hóa, đối với nhân lực ngành du lịch, phải quan tâm một cách toàn diện. Bên cạnh đào tạo, nâng cao nghiệp vụ cho nhân lực làm việc trực tiếp trong ngành du lịch, điều quan trọng là nâng cao kiến thức của nhân dân ở những vùng di sản, ở vùng có điểm, trung tâm du lịch. Bởi nếu nhận thức của người dân ở nhiều vùng, điểm du lịch còn hạn chế thì chắc chắn việc triển khai các hoạt động du lịch, dịch vụ rất khó khăn.