Tính trên toàn bộ nhóm hàng thực phẩm thì chỉ có nhập khẩu ngũ cốc và thịt là giảm nhẹ. Cụ thể, kim ngạch nhập khẩu ngũ cốc (lúa mì cứng, mềm), bột mì chỉ ở mức 2,11 tỷ USD, giảm 0,72%.
Liên quan đến sữa và sản phẩm sữa, kim ngạch nhập khẩu đạt 1,15 tỷ USD, tăng 58,23%, đường và sản phẩm đường đạt 827,96 triệu USD, tăng 22,06%.
Kim ngạch nhập khẩu cà phê và chè đạt 323,54 triệu USD, tăng 8,86%, rau khô đạt 264,34 triệu USD, tăng 27,8%. Ngược lại, nhập khẩu thịt chỉ đạt 168,23 triệu USD, giảm 9,2%.
Kim ngạch nhập khẩu dầu ăn phục vụ ngành công nghiệp thực phẩm tăng lên 612,2 triệu USD, tăng 13,4%. Nếu tính cả dầu ăn thì tổng kim ngạch nhập khẩu của nhóm hàng thực phẩm lên tới 7,11 tỷ USD (so với 6,64 tỷ USD cùng kỳ năm 2016).
Mới đây, Bộ trưởng Thương mại Algeria, ông Mohamed Benmeradi, đã tuyên bố Algeria sẽ quyết tâm giảm kim ngạch nhập khẩu từ 41 tỷ USD năm 2017 xuống còn 30 tỷ USD năm 2018 để bảo vệ nguồn dự trữ ngoại tệ cũng như nền sản xuất trong nước. Theo Bộ trưởng,một số mặt hàng sẽ phải tạm ngừng nhập khẩu hoặc cấm nhập vĩnh viễn.
Dự thảo Luật tài chính năm 2018 đang được Quốc hội nước này xem xét có nội dung áp dụng thuế hải quan đối với 32 sản phẩm và thuế tiêu thụ trong nước đối với những sản phẩm khác. Hiện nay, có khoảng 20 mặt hàng chiếm tới 51% hóa đơn nhập khẩu của Algeria. Ông Mohamed Benmeradi khẳng định một số mặt hàng không thiết yếu sẽ bị cấm nhập khẩu giống như hạt hướng dương (hiện nhập khẩu 25 triệu USD mỗi năm), sốt mayonnaise (20 triệu USD/năm) và kẹo cao su (25 triệu USD/năm).
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam, trong 9 tháng đầu năm 2017, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Algeria đã đạt 240,88 triệu USD, tăng 17% so với cùng kỳ năm trước trong đó xuất khẩu cà phê đạt kim ngạch 91,72 triệu USD, tăng 3%, gạo đạt 13,34 triệu USD, tăng 145%.Algeria hiện thị trường xuất khẩu lớn thứ 3 của Việt Nam tại Châu Phi sau Nam Phi và Ai Cập.