CôngThương - Theo nhận định của nhiều chuyên gia kinh tế, mặc dù mức nhập siêu hai năm gần đây đã giảm xuống, nhưng thực tế khó có thể giảm một cách bền vững, mà ngược lại, "căn bệnh" có nguy cơ trầm trọng hơn khiến thị trường ngoại hối luôn trong trạng thái căng thẳng, tiền đồng luôn đối diện sức ép giảm giá, cán cân thanh toán không ổn định, tình trạng đô la hóa gia tăng… Điều này, cùng với một số diễn biến vĩ mô bất lợi khác, đã kích hoạt cho những bất ổn kinh tế vĩ mô kéo dài trong một vài năm gần đây.
Ngày 11/2/2010, Ngân hàng Nhà nước đã điều chỉnh tăng tỷ giá liên ngân hàng lên 9,3%, đồng thời hạ biên độ giao dịch của tỷ giá xuống còn 1%. Động thái này được cho là cần thiết và không quá bất ngờ khi chênh lệch tỷ giá thị trường chính thức và chợ đen ở mức cao 8 - 9% trong suốt nhiều tháng. Tuy nhiên, điều mà thị trường đang rất quan tâm là liệu việc điều chỉnh này có cải thiện được tình hình nhập siêu, vốn đã rất căng thẳng trong một số năm gần đây, như kỳ vọng của Ngân hàng Nhà nước? Theo tiến sĩ Tô Thành Trung (Đại học kinh tế Quốc dân Hà Nội), về lý thuyết, khi phá giá đồng nội tệ, giá hàng nhập khẩu sẽ giảm tính cạnh tranh dẫn đến giảm số lượng hàng nhập khẩu.
Tuy nhiên, phá giá còn dẫn đến "ảnh hưởng giá hàng nhập khẩu", nghĩa là giá mỗi đơn vị hàng nhập khẩu sẽ gia tăng. Do đó, chuyên gia này lo ngại việc điều chỉnh 9,3% tỷ giá lần này, tỷ lệ nhập khẩu trong năm 2011 có thể sẽ tăng nhẹ 0,6% chứ không giảm như kỳ vọng vì "ảnh hưởng giá hàng nhập khẩu" đã trung hòa và lấn át "ảnh hưởng sản lượng". Khi không thể "nhờ cậy" vào tỷ giá, biện pháp được xem là cốt lõi để "hãm" đà tăng nhập siêu là từng bước phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ. Ngoài ra, cần thúc đẩy các loại hình dịch vụ như du lịch, vận tải theo hướng chuyên môn hóa, từ đó làm giảm nhập siêu trong lĩnh vực này, vì thực tế giá trị xuất khẩu của loại hình dịch vụ vẫn chưa tương xứng với tiềm năng của nước ta. Để kiểm soát nhập siêu, Nhà nước cũng nên xem xét tăng các rào cản thuế quan và phi thuế quan hoặc các quy định nhằm hạn chế xuất khẩu các mặt hàng không thiết yếu…