Nhập siêu chưa thể giảm mạnh
- Theo số liệu mới công bố của Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), trong danh mục các mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu lớn trong quý I năm nay, số mặt hàng xuất khẩu sử dụng nguyên liệu “thuần nội địa” chỉ đếm trên đầu ngón tay. Đó là các mặt hàng cà phê (kim ngạch xuất khẩu 1,04 tỷ USD), gạo (kim ngạch xuất khẩu 849 triệu USD), sắn và sản phẩm của sắn (kim ngạch xuất khẩu 361 triệu USD)… Còn lại, phần lớn là các sản phẩm công nghiệp chế biến có sử dụng nguyên liệu nhập khẩu, với mức tăng khá mạnh so với cùng kỳ năm 2010. Chẳng hạn, với mặt hàng dệt may, kim ngạch xuất khẩu tăng 27,9% so với cùng kỳ năm 2010, song nhập khẩu nguyên liệu tăng từ 22,1% đến 126,7% (nhập khẩu bông đạt kim ngạch 339 triệu USD, tăng 126,7%; sợi dệt đạt kim ngạch 404 triệu USD, tăng 70,9%; vải nhập khẩu đạt kim ngạch 1,41 tỷ USD, tăng 40%...). Các mặt hàng công nghiệp khác như cao su, chất dẻo và sản phẩm chất dẻo cũng đạt mức tăng trưởng xuất khẩu rất cao trong quý I năm nay (tăng từ 24% đến 134%, tùy từng mặt hàng). Tuy nhiên, nhập khẩu nguyên liệu của các ngành này cũng tăng mạnh. Chẳng hạn, chất dẻo nhập khẩu 1,07 tỷ USD, tăng 40,1%; sản phẩm chất dẻo nhập khẩu 362 triệu USD, tăng 23,2% và mặt hàng cao su nhập khẩu 206 triệu USD, tăng 42,2% so với cùng kỳ năm 2010. Ngay như mặt hàng thủy sản, một trong những sản phẩm xuất khẩu có thế mạnh của Việt Nam, thì nhập khẩu nguyên liệu cũng tăng tới 33,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Theo Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Thành Biên, trong bối cảnh cơ cấu sản xuất hàng xuất khẩu như hiện nay của nước ta, việc nhập khẩu nguyên phụ liệu và các mặt hàng thiết yếu phục vụ sản xuất là rất cần thiết. Do đó, tại các cuộc họp giao ban về xuất nhập khẩu được tổ chức trong những tháng gần đây, lãnh đạo Bộ Công thương khẳng định rằng, tiết giảm nhập khẩu sẽ nhắm vào các mặt hàng xa xỉ. Và các chính sách được ban hành với mục tiêu kiềm chế nhập siêu cũng xoay quanh những mặt hàng này. Trong tuần tới, lãnh đạo Bộ Công thương sẽ tổ chức phiên họp điều hành xuất nhập khẩu thường kỳ. Con số nhập siêu của quý I/2011 ở mức 15,7% kim ngạch xuất khẩu sẽ được đưa ra phân tích. Tuy nhiên, điều đáng quan tâm là, theo thống kê của Tổng cục Thống kê, đa phần các mặt hàng nhập khẩu đều có kim ngạch tăng so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu do giá nguyên vật liệu trên thị trường thế giới tăng. Số liệu mới của Tổng cục Thống kê cho thấy, chỉ tính 11 mặt hàng có công bố về lượng nhập khẩu, phần giá tăng thêm trong quý I năm nay đã “đóng góp” tới 1,6 tỷ USD. Liên quan tới giải pháp giảm nhập siêu trong trung hạn, Bộ Công thương đã chỉ ra rằng, công nghiệp chế biến sẽ là nhóm hàng chính được “trông đợi” đưa kim ngạch xuất khẩu tăng mạnh. “Tuy nhiên, cho đến thời điểm này, việc đầu tư cho sản xuất nguyên phụ liệu của các ngành đều còn hết sức hạn chế. Với thực tế đó, tình trạng xuất khẩu càng nhiều thì nhập khẩu nguyên liệu càng lớn sẽ chưa thể chấm dứt. Do đó, nhập siêu vẫn sẽ là vấn đề kéo dài của nền kinh tế và chỉ có thể chấm dứt khi cơ cấu hàng hóa xuất khẩu có sự thay đổi về chất”, TS. Nguyễn Văn Nam, chuyên gia kinh tế cao cấp nhận xét. Vậy nên, việc hạn chế nhập siêu ở thời điểm hiện tại chỉ có thể thực hiện ở nhóm hàng hạn chế nhập khẩu, đặc biệt là các mặt hàng xa xỉ. Nói cách khác, nhìn từ cơ cấu hàng nhập khẩu trong quý I năm nay, chưa thể giảm mạnh nhập siêu.
VIR