Nhật Bản tính mua trái phiếu Trung Quốc
- Ông Azumi cho biết, việc Trung Quốc, Nhật Bản mua trái phiếu của nhau sẽ mang lại lợi ích cho cả đôi bên, góp phần tăng cường quan hệ song phương. Thời gian qua, Trung Quốc đã vào rất nhiều trái phiếu chính phủ của Nhật Bản. Với kế hoạch mua trái phiếu này, Nhật Bản hy vọng sẽ góp phần quốc tế hóa đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc. Dự kiến, Thủ tướng Nhật Bản sẽ bàn thảo vấn đề này với Chính phủ Trung Quốc nhân chuyến công du Bắc Kinh cuối tuần này. Thủ tướng Nhật Bản Yoshihiko Noda khi còn đảm nhận vai trò lãnh đạo Bộ Tài chính tháng 9/2010 từng phát đi tín hiệu cho thấy, nước này có khả năng sẽ đầu tư vào Trung Quốc, khi ông đề cập tới việc Trung Quốc đang mua nợ của Nhật. Trong báo cáo công bố hồi cuối tháng 11 vừa qua, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đã đưa ra khuyến cáo rằng, trái phiếu bằng nội tệ của các nền kinh tế mới nổi ở Đông Á vẫn đang được các nhà đầu tư trong và ngoài nước tìm kiếm. Đến cuối tháng 9/2011, tổng giá trị trái phiếu nội tệ đang lưu hành trong khu vực là 5.500 tỷ USD, tăng 5,5% so với cùng kỳ 2010. Nguyên nhân chủ yếu là sự phát triển mạnh của thị trường trái phiếu doanh nghiệp tăng tới 15,4%. Trung Quốc có thị trường trái phiếu nội tệ lớn nhất trong khu vực mới nổi châu Á với tổng giá trị trái phiếu lưu hành 3.200 tỷ USD đến cuối 9/2011, tăng 3,5% so với 2010 (trái phiếu doanh nghiệp tăng 20%, trái phiếu chính phủ tăng 0,7%). ADB nhận định, trái phiếu do địa phương phát hành có thể là tài sản mới hấp dẫn tại khu vực. Trung Quốc gần đây đã phê chuẩn phát hành trái phiếu của chính quyền Thượng Hải và Quảng Đông với giá trị 7,1 tỷ Nhân dân tệ và 6,9 tỷ Nhân dân tệ… Iwan J. Azis, Chánh Văn phòng hội nhập kinh tế khu vực của ADB nhận định: “Tỷ lệ nợ thấp, nền tảng kinh tế vững và lợi tức cao so với trái phiếu ở các thị trường phát triển đã khiến cho sự hấp dẫn của trái phiếu bằng đồng nội tệ tại châu Á gia tăng". Tuy nhiên, theo ông, thị trường này tiềm ẩn rủi ro, "bởi sự bất ổn của khu vực châu Âu có thể gây ra biến động cho kinh tế toàn cầu, hiện tượng dịch chuyển đầu tư vào những lĩnh vực an toàn hơn, tăng trưởng của các nền kinh tế châu Á vẫn giảm sút và khả năng rút vốn đột ngột vẫn có thể xảy ra”.
Theo Cafef