Nhiệt điện Phả Lại: Tích cực tuyên truyền về chủ quyền biển đảo
Nâng cao nhận thức cho người lao động
Nhiệt điện Phả Lại luôn xác định, tuyên truyền về biển, đảo Việt Nam là nhiệm vụ đặc biệt, vừa cơ bản, lâu dài, vừa mang tính thường xuyên, cấp bách, phức tạp, có ý nghĩa quan trọng đối với chính trị, kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của đất nước. Hoạt động này góp phần nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên, người dân; tạo sự đồng thuận trong toàn xã hội để thực hiện có hiệu quả các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc và Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam.
Theo đó, thực hiện Quyết định số 729/QĐ-TTg ngày 11/6/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình truyền thông về biển và đại dương đến năm 2030, Văn bản số 4836/EVN-TT ngày 26/8/2022 của Tập đoàn Điện lực Việt Nam về việc tổ chức triển khai Chương trình truyền thông về biển và đại dương đến năm 2030, Văn bản số 2664/EVNGENCO2-VP về việc tổ chức triển khai Chương trình truyền thông về biển và đại dương đến năm 2030, Công ty CP Nhiệt điện Phả Lại đã triển khai nhiều hoạt động.
Các cán bộ, công nhân viên công ty hưởng ứng tích cực việc tham gia tuyên truyền, nâng cao nhận thức về biển đảo |
Cụ thể, nghiên cứu Quyết định số 729/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Thực hiện triển khai công tác truyền thông phù hợp với tình hình và điều kiện của đơn vị: Tập trung nội dung truyền thông chính sách và pháp luật; vị trí, vai trò, tầm quan trọng của biển và đại dương; quyền và lợi ích của Việt Nam trên Biển Đông; tài nguyên, môi trường biển, hải đảo; phát triển kinh tế biển…
Theo Quyết định này, một số quy định liên quan đến chính sách và pháp luật; quyền và lợi ích của Việt Nam trên Biển Đông cụ thể như sau:
Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 khẳng định: “Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là một nước độc lập, có chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, bao gồm đất liền, hải đảo, vùng biển và vùng trời” (Điều 1). Đất đai, tài nguyên nước, tài nguyên khoáng sản, nguồn lợi ở vùng biển, vùng trời, tài nguyên thiên nhiên khác và các tài sản do Nhà nước đầu tư, quản lý là tài sản công thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý (Điều 53).
Luật Biển Việt Nam năm 2012 quy định về đường cơ sở, nội thủy, lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa, các đảo, quầnđảo Hoàng Sa, quần đảo Trường Sa và quần đảo khác thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia của Việt Nam.
Luật Dầu khí năm 1993; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dầu khí số 19/2000/QH10 ngày 28/6/2000; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dầu khí số 10/2008/QH12 ngày 03/6/2008; Luật số 35/2018/QH14 ngày 20 tháng 11 năm 2018 của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 luật có liên quan đến quy hoạch. Theo đó, toàn bộ tài nguyên dầu khí trong lòng đất thuộc đất liền, hải đảo, nội thủy, lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam thuộc sở hữu toàn dân, do Nhà nước Việt Nam thống nhất quản lý.
Cán bộ, công nhân viên công ty tham gia đoàn công tác của Tập đoàn Điện Lực Việt Nam thăm Trường Sa |
Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật biển năm 1982 xác lập rõ ràng quy chế pháp lý của các vùng biển khác nhau thuộc chủ quyền và quyền chủ quyền của các quốc gia ven biển, quy định quyền và nghĩa vụ của các quốc gia khi tiến hành các hoạt động liên quan đến biển và thành lập một loạt cơ chế quốc tế quan trọng liên quan đến thực hiện Công ước và giải quyết tranh chấp biển như Tòa án Luật Biển quốc tế, Hội nghị các quốc gia thành viên của Công ước, Cơ quan Quyền lực quốc tế về Đáy Đại dương và Ủy ban Thềm lục địa.
Đa dạng giải pháp tuyên truyền
Bên cạnh các giải pháp kể trên, Công ty CP Nhiệt điện Phả Lại còn tham gia tuyên truyền về biển và đại dương; bảo vệ tài nguyên, môi trường biển, hải đảo; phát triển bền vững kinh tế biển; bảo vệ chủ quyền biển, đảo Tổ quốc; hưởng ứng Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam, Ngày Đại dương Thế giới thông qua các hoạt động như treo băng rôn, khẩu hiệu, viết bài đăng trên trang thông tin điện tử tại đơn vị…
Thời gian tới, công tác tuyên truyền biển, đảo tại công ty sẽ tiếp tục được triển khai và đổi mới để đáp ứng yêu cầu của tình hình mới, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã đề ra: “kiên quyết, kiên trì bảo vệ vững chắc chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, biển, đảo; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước”.