Sâm nhung tố nữ Tuệ Linh “nổ” về công dụng, lừa dối người tiêu dùng ? Hàng loạt nghệ sĩ tiếp tay quảng cáo Sâm Tuệ Linh trái phép? |
Vừa qua, Báo điện tử Công Thương đã đăng tải 2 bài viết: “Sâm nhung tố nữ Tuệ Linh “nổ” về công dụng, lừa dối người tiêu dùng?” và “Hàng loạt nghệ sỹ tiếp tay quảng cáo Sâm Tuệ Linh trái phép?”, phản ánh sản phẩm Sâm nhung tố nữ Tuệ Linh của Công ty TNHH Tuệ Linh (địa chỉ tầng 5 tòa nhà 29T1 đường Hoàng Đạo Thúy, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, TP. Hà Nội) được quảng cáo thổi phồng công dụng như thuốc chữa bệnh dù là thực phẩm chức năng, cũng như hàng loạt lời nhận xét của các nghệ sỹ nổi tiếng “thổi phồng” công dụng sản phẩm.
PGS.TS Trần Văn Lộc (Viện Hóa học – Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) |
Chưa dừng lại ở đó, sản phẩm Sâm nhung tố nữ Tuệ Linh còn được quảng cáo bằng cách lấy hình ảnh của hàng loạt chuyên gia trong lĩnh vực y tế, bác sỹ, có dấu hiệu vi phạm các quy định của pháp luật.
Nhiều chuyên gia y tế xuất hiện trong clip quảng cáo trái phép
Theo tìm hiểu, trên nền tảng youtube, website… đang sử dụng hình ảnh nhiều chuyên gia y tế để quảng cáo trái phép sản phẩm Sâm nhung tố nữ Tuệ Linh.
Cụ thể, trên kênh người dùng có tên "Sâm nhung tố nữ Tuệ Linh" (), sử dụng hình ảnh của những người làm trong lĩnh vực y tế như ông Nguyễn Thượng Dong (nguyên Viện trưởng Viện Dược liệu Trung ương); PGS.TS Trần Văn Lộc (Viện Hóa học – Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam); Bác sĩ Nguyễn Thị Kim Dung (nguyên Phó Giám đốc Viện Sức khỏe sinh sản), PGS. TS. Bác sỹ Lê Thị Thanh Nhạn – nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện Tuệ Tĩnh; Dược sỹ Minh Thảo (nhà thuốc An Huy, số 8 Trần Kim Xuyến, quận Cầu Giấy, Hà Nội)… để quảng cáo trái phép cho sản phẩm Sâm nhung tố nữ Tuệ Linh.
Bác sỹ Nguyễn Thị Kim Dung (nguyên Phó Giám đốc Viện Sức khỏe sinh sản) |
Qua video trên kênh này, PGS.TS Trần Văn Lộc đánh giá quá trình nghiên cứu cho thấy hàm lượng Miroestrol và Deoxymiroestrol của sâm tố nữ Việt Nam cao hơn sâm tố nữ từ Thái Lan.
Còn bác sỹ Nguyễn Thị Kim Dung thì khẳng định hàm lượng trong sâm tố nữ cao gấp 10.000 lần so với mầm đậu nành, có thể sử dụng thay vì chuyển sang sản phẩm thực phẩm giống như đậu tương.
Trên video quảng cáo, hình ảnh của ông Nguyễn Thượng Dong được đơn vị truyền thông đưa ra nhằm tăng tính thuyết phục cho sản phẩm. Theo đó, ông Dong cho biết: “Công nghệ chiết xuất của Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam có ưu điểm là đã chiết được ra 2 hoạt chất là Miroestrol và Deoxymiroestrol. Người ta đã so sánh tác dụng hai hoạt chất này trong sâm tố nữ mạnh hơn mầm đậu nành từ 1.000 đến 10.000 lần”.
Điển hình như ở tên miền “roiloannoitiet.vn” dùng hình ảnh của PGS. TS. bác sỹ Lê Thị Thanh Nhạn quảng cáo: "Căn nguyên của sinh lý, sức khỏe và sắc đẹp của chị em phụ nữ đều do nội tiết tố nữ Estrogen quyết định. Theo thời gian, nồng độ nội tiết tố nữ Estrogen sẽ giảm dần khi phụ nữ bước vào độ tuổi tiền mãn kinh, mãn kinh. Nếu biết cách bổ sung nội tiết một cách tự nhiên và an toàn sẽ giúp phụ nữ luôn trẻ đẹp, nồng nàn kể cả khi bước sang độ tuổi tiền mãn kinh, mãn kinh". Sau đó, trang website này cũng điều hướng người dùng “chỉ có Sâm nhung Tố nữ Tuệ Linh mới có thể giúp bạn”.
Ông Nguyễn Thượng Dong – nguyên Viện trưởng Viện Dược liệu Trung ương |
Theo tìm hiểu, các clip quảng quảng cáo sử dụng hình ảnh các chuyên gia tại Hội thảo khoa học vào ngày 8/11/2018. Đó là hội thảo: "Công bố kết quả nghiên cứu dược liệu Sâm tố nữ trong chăm sóc sắc đẹp và sinh lý nữ. Chuyển giao độc quyền đề tài chiết xuất hoạt chất quý trong Sâm tố nữ cho Tuệ Linh".
Đơn vị truyền thông, bán hàng đã cắt ghép hình ảnh của các chuyên gia phát biểu tại hội thảo, gắn logo, hình ảnh sản phẩm, số hotline bán hàng… rồi quảng cáo trái phép trên các trang website, mạng xã hội, khiến cho người tiêu dùng hiểu sai bản chất của thực phẩm chức năng. Những clip cắt ghép này khiến cho người tiêu dùng lầm tưởng Sâm nhung tố nữ Tuệ Linh có công dụng thần kỳ như thuốc chữa bệnh nên mới quyết định mua sản phẩm.
Biết sai phạm vẫn quảng cáo?
Theo tìm hiểu, hình ảnh của người làm trong ngành y xuất hiện trên các website có tiên miền như , “roiloannoitiet.vn”, “eva.samtonu.com” và kênh youtube “Sâm nhung tố nữ Tuệ Linh". Hoạt động quảng cáo trên những kênh trên đều được “thổi” công dụng sản phẩm Sâm nhung tố nữ Tuệ Linh như thuốc chữa bệnh, liệt kê công dụng của từng thành phần sản phẩm và sử dụng hình ảnh chuyên gia để quảng cáo trái phép. Điều đáng nói, những trang quảng cáo sai phép đều có số hotline trùng với số 1800 1190 của Công ty TNHH Tuệ Linh.
Người tự xưng “dược sỹ Minh Thảo” quảng cáo Sâm nhung tố nữ Tuệ Linh như thuốc chữa bệnh |
Câu hỏi được đặt ra là không biết những vị chuyên gia này có biết hình ảnh của bản thân được đơn vị truyền thông lôi ra để làm quảng cáo trái pháp luật hay không; và nếu biết, thì đã yêu cầu Công ty TNHH Tuệ Linh cũng như đơn vị truyền thông gỡ hình ảnh của mình đi chưa?
Điều đáng nói, có những dược sỹ là người bán thuốc nên hiểu rất rõ Sâm nhung tố nữ Tuệ Linh là thực phẩm chức năng nhưng vẫn ngang nhiên quảng cáo như thuốc chữa bệnh, lừa dối người tiêu dùng.
Cụ thể, đó là dược sỹ Minh Thảo (nhà thuốc An Huy, số 8 Trần Kim Xuyến, quận Cầu Giấy, Hà Nội) khẳng định Sâm nhung tố nữ Tuệ Linh có thể “điều trị dứt điểm tình trạng giảm nội tiết tố ở phụ nữ sau sinh, mãn kinh và tiền mãn kinh”. Đây là dấu hiệu tiếp tay cho quảng cáo trái phép, lừa đảo người tiêu dùng và coi thường pháp luật.
Trong khi đó, tại Khoản 2 Điều 27 Nghị định 15/2018/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật An toàn thực phẩm quy định: Nội dung quảng cáo phải phù hợp với công dụng, tác dụng của sản phẩm đã được công bố trong bản công bố sản phẩm. Không sử dụng hình ảnh, thiết bị, trang phục, tên, thư tín của các đơn vị, cơ sở y tế, bác sỹ, dược sỹ, nhân viên y tế, thư cảm ơn của người bệnh, bài viết của bác sỹ, dược sỹ, nhân viên y tế để quảng cáo thực phẩm.
Cũng theo giấy xác nhận nội dung quảng cáo của sản phẩm Sâm nhung tố nữ Tuệ Linh số 00711/2019/ATTP-XNQC do Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) Trần Việt Nga ký ngày 25/4/2019, Công ty TNHH Tuệ Linh có trách nhiệm quảng cáo đúng nội dung được xác nhận. Theo đó, từ phần nội dung - hình ảnh cho đến âm thanh - lời thoại không hề quy định được phép đưa hình ảnh bác sỹ, người làm trong ngành y để quảng cáo.
Vuasanca sẽ tiếp tục thông tin về sự việc.