Theo số liệu của đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, tính đến quý I năm 2019 có gần 14.000 HTX nông nghiệp chiếm 64% HTX trong cả nước với 3,75 triệu thành viên. Các đại biểu tham dự Hội thảo đã đặt ra nhiều vấn đề về hướng phát triển cho các HTX hiện nay trong đó có không ít những cơ hội.
Ông Lê Đức Thịnh- Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển- Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho hay, cơ hội phát tiển HTX là mô hình khách quan trong phát triển và có kinh nghiệm của các nước trên thế giới, phát triển HTX làm tăng khả năng cạnh tranh giá trị nông sản, giảm giá thành và tăng chất lượng sản phẩm. Đã có rất nhiều mô hình thành công trong phát triển HTX ở Hưng Yên, Đồng Tháp, Sơn La, Quảng Nam là các mô hình HTX mới hiệu quả, xóa bỏ mô hình HTX cũ.
Hội thảo được các đại biểu đưa ra nhiều giải pháp xây dựng và phát triển HTX kiểu mới |
Phát biểu tại Hội thảo ông Võ Bảy- Chủ tịch Liên minh HTX Quảng Nam nói: “ Toàn tỉnh Quảng Nam hiện có 329 HTX với 123 HTX nông nghiệp giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động đóng góp những lợi ích thiết thực cho sự phát triển kinh tế xã hội tỉnh Quảng Nam.
Cơ hội được đặt ra cho khi Chính phủ và các địa phương đang rất quan tâm kinh tế tập thể cụ thể là HTX, trong đó tổ chức lại sản xuất phát triển HTX là 01 trong 3 hướng giải pháp tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng Nông thôn mới”. Tại hội thảo nhiều đại biểu đã đưa ra các thách thức cho sự phát triển của ngành nông nghiệp cả nước nói chung và Quảng Nam nói riêng như: Tư duy vẫn nghĩ là HTX kiểu cũ; sản xuất manh mún, quy mô hộ nông nghiệp nhỏ lẻ; nguồn lực hỗ trợ từ bên ngoài còn rất hạn chế; thiếu đội ngũ tư vấn và hỗ trợ; công tác quản lý nhà nước chưa thực sự tốt và có rất nhiều thủ tục pháp lý phức tạp.
Theo đánh giá, các HTX nông nghiệp hiện nay quy mô thành viên và cả quy mô kinh doanh còn rất nhỏ lẻ đồng thời công tác quản lý của cấp lãnh đạo còn nhiều hạn chế và thiếu minh bạch, không có phương án sản xuất cụ thể và không áp dụng quy trình sản xuất an toàn hiệu quả. Ngoài ra, vấn đề nguồn lực về tri thức trẻ, vốn sản xuất, mặt bằng sản xuất cũng là những hạn chế lớn cho các HTX hiện nay.
Gian hàng trừng bày sản phẩm nông nghiệp và dược liệu của HTX Nông nghiệp Nông Dược Xanh- Quảng Nam |
Ông Lê Đức Thịnh cho rằng cần có những chính sách hỗ trợ cho HTX nông nghiệp trong thời gian tới như: Khuyến khích thành lập mới các HTX tại từng địa phương tùy thuộc vào từng đặc điểm của địa phương đó, hỗ trợ đào tạo, tập huấn nguồn nhân lực nhất là các cán bộ trẻ, Ông Thịnh cho biết thêm hiện nhà nước có chính sách hỗ trợ hạ tầng cho việc phát triển sản xuất với 9 loại hạ tầng gồm: nhà kho, sân phơi, xưởng sơ chế…ngoài ra còn hỗ trợ đến 80% không quá 10 tỷ đồng một dự án HTX. Đặc biệt theo Nghị định 98 của Chính phủ về hỗ trợ tham gia chuỗi liên kết của giá trị trong đó có tư vấn hoàn thiện chuỗi hoặc giá trị sản xuất kinh doanh, hỗ trợ hạ tầng sản xuất và chế biến nông sản, tập huấn và đào tạo công việc liên quan, công tác xúc tiến thương mại. Trong tín dụng có thế vay không thế chấp 1 tỷ đồng và có thể thế chấp tài sản hình thành từ vốn vay hoặc hợp đồng nông sản.
Riêng đối với tỉnh Quảng Nam các đại biểu đã đưa ra những kế hoạch về việc phát triển HTX trong thời gian tới trong đó nhà lập định và thực hiện chính sách các ban ngành trong tỉnh Quảng Nam gồm: Liên minh HTX, Sở NN và PTNT, Sở KH và ĐT, Sở Công Thương…Tiếp đến là nông dân, các HTX và thương lái, cuối cùng là Trung tâm Tư vấn hỗ trợ HTX các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Trong đó có các phương pháp cụ thể như: tăng cường các doanh nghiệp HTX do thành viên lãnh đạo; thành lập và nâng cao năng lực các HTX trên địa bàn; hỗ trợ lập kế hoạch cho cơ sở sản xuất cung cấp dịch vụ tại nông thôn; thúc đẩy huy động vốn nội bộ; liên kết với Chính phủ và cá nhà cung cấp dịch vụ, các bên cung cấp công nghệ; chuyển giao kiến thức hàng đầu về kỹ thuật quản lý và tổ chức trong nông nghiệp.