Nhiều dịch vụ y tế tăng giá với người không có thẻ bảo hiểm y tế
Khuyến khích 20% dân số còn lại nên mua BHYT. Ảnh minh họa |
Việc điều chỉnh này thực hiện theo quy định của Thông tư 02/2017/TT-BYT của Bộ Y tế về mức tối đa khung giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh không thuộc phạm vi thanh toán của Quỹ BHYT có hiệu lực thi hành từ ngày 1/6/2017.
Theo đó, Bộ Y tế sẽ quy định mức giá và thời điểm thực hiện cụ thể tại các bệnh viện thuộc Bộ này, bệnh viện hạng đặc biệt, hạng 1 thuộc các bộ, ngành quản lý; UBND cấp tỉnh trình HĐND cấp tỉnh quy định mức giá và thời điểm thực hiện đối với các bệnh viện thuộc địa phương quản lý và các bệnh viện do các bộ, ngành khác quản lý từ hạng 2 trở xuống.
Như vậy, sẽ có khoảng 50 bệnh viện hạng đặc biệt, hạng 1 thuộc Bộ Y tế và thuộc các bộ ngành điều chỉnh tăng giá dịch vụ. Đến tháng 8/2017 khoảng 30 tỉnh thực hiện viện phí mới; 15 tỉnh thành áp dụng vào tháng 10 và 18 tỉnh thành còn lại áp dụng vào tháng 12/2017.
Giá viện phí mới cho bệnh nhân không có thẻ BHYT có tính thêm chi phí tiền lương (bao gồm cả phụ cấp đặc thù theo Quyết định 73/QĐ-TTg). Do đó, sau khi tăng giá dịch vụ y tế thì tổng chi phí khi khám chữa bệnh với người tự chi trả ước tăng trung bình khoảng 10%.
Thống kê của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, hiện vẫn còn khoảng 20%, tương đương với gần 20 triệu người dân chưa tham gia BHYT, tập trung chủ yếu vào đối tượng người lao động trong các doanh nghiệp vừa và nhỏ; hộ gia đình nông, lâm, ngư, diêm nghiệp có mức sống trung bình và nhóm tham gia BHYT theo hộ gia đình.
Do vậy, việc điều chỉnh tăng viện phí, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam và Bộ Y tế đều tích cực khuyến khích gần 20% dân số còn lại nên mua BHYT để tránh những gánh nặng tài chính khi không may ốm đau.