CôngThương - Hiệu quả từ các chương trình khuyến công
Năm 2010, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã chú trọng hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư mở rộng sản xuất, đổi mới và ứng dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại vào sản xuất.
Cụ thể, trung tâm đã hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật chế biến hạt điều tại Công ty TNHH Thanh Sơn, xã Bàu Lâm, huyện Xuyên Mộc. Đây là hệ thống máy bóc tách vỏ lụa hạt điều có tổng vốn đầu tư 11.060,750 triệu đồng, nguồn kinh phí khuyến công quốc gia hỗ trợ 225 triệu đồng. Hệ thống máy này có công suất 250-300kg/1 giờ, tương đương với 2.000-2.400 kg/ca sản xuất (8 tiếng) đã giúp công ty tăng sản lượng sản xuất, đảm bảo được thời gian giao hàng cho đối tác, đáp ứng yêu cầu của những đơn hàng gấp, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm hơn phương pháp thủ công.
Bên cạnh đó, trung tâm đã hỗ trợ kinh phí xây dựng hệ thống xử lý nước thải cụm công nghiệp Hắc Dịch 1 cho Công ty Cổ phần Phú Mỹ. Hệ thống này có tổng vốn đầu tư là 10.604.373.651 đồng, nguồn kinh phí khuyến công quốc gia hỗ trợ là 1.200 triệu đồng. Đồng thời, hỗ trợ đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải trong sản xuất tiêu trắng, với công suất 10m3/ngày/hệ thống cho 2 cơ sở là DNTN Bảy Khanh và DNTN Tấn Phúc, tại huyện Châu Đức; tổng kinh phí hỗ trợ là 94,4 triệu đồng từ nguồn kinh phí khuyến công địa phương. Kết quả vận hành hệ thống xử lý nước thải sau khi đi vào hoạt động đạt hiệu quả cao, nước thải trong quá trình sản xuất tiêu trắng sau khi được xử lý đủ điều kiện thải ra môi trường, giúp doanh nghiệp cải thiện được tình hình ô nhiễm môi trường, ổn định sản xuất, góp phần phát triển công nghiệp tại địa phương.
Năm 2010, trung tâm đã hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân Hiệp Hòa đầu tư hệ thống sấy sản phẩm đan lát công suất 30.000- 40.000 sản phẩm/tháng, giúp cho doanh nghiệp đảm bảo được việc làm thường xuyên, không bị giảm sản lượng vào mùa mưa, tạo ra những sản phẩm chất lượng, nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường. Ngoài ra, trung tâm còn hỗ trợ doanh nghiệp giới thiệu, quảng bá sản phẩm thông qua việc tổ chức Hội chợ Triển lãm hàng công nghiệp nông thôn tiêu biểu khu vực phía Nam lần thứ II. 25 cơ sở, doanh nghiệp của tỉnh tham gia, trong đó 7 cơ sở, doanh nghiệp có sản phẩm được bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu. Qua hội chợ, nhiều doanh nghiệp tìm kiếm được đối tác làm ăn mới.
Đào tạo nghề gắn với tạo việc làm cho người lao động
Đào tạo nghề cho lao động nông thôn cũng là một trong những nội dung chủ yếu của chương trình khuyến công. Với mục tiêu đào tạo nghề gắn với tạo việc làm cho người lao động, khi thực hiện các đề án đào tạo nghề, Trung tâm đã khảo sát nhu cầu về lao động thực tế tại các cơ sở, doanh nghiệp sản xuất CN - TTCN trên địa bàn tỉnh và khả năng đảm bảo đầu ra cho sản phẩm. Theo bà Trần Thị Kim Thu, đề án đào tạo nghề, truyền nghề luôn là một trong những nội dung ưu tiên thực hiện hàng đầu của trung tâm. Mặc dù kinh phí hỗ trợ còn hạn hẹp, nhưng những đề án đào tạo nghề đã mang lại hiệu quả vô cùng to lớn, với hơn 80% số lao động sau đào tạo có việc làm ổn định, thu nhập bình quân đạt từ 1,2-1,5 triệu đồng/người/tháng. Đời sống của người lao động khu vực nông thôn được cải thiện, vấn đề an sinh xã hội được đảm bảo…
Năm 2010, trung tâm đã phối hợp với DNTN Hiệp Hòa đào tạo nghề mây tre đan cho 200 lao động xã Long Sơn, thành phố Vũng Tàu. Sau khi học nghề, người lao động được doanh nghiệp Hiệp Hòa cung cấp nguyên liệu tại chỗ để gia công và nhận thu mua sản phẩm. Sau khi khảo sát về nhu cầu lao động thực tế ở các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, trung tâm khuyến công đã phối hợp với các trung tâm dạy nghề, nghệ nhân ở các làng nghề trong tỉ#nh triển khai 10 đề án đào tạo nghề để đào tạo cho 700 lao động khu vực nông thôn các nghề mây tre đan, sò ốc mỹ nghệ, may công nghiệp, đúc đồng, làm đá…
Nhằm phát huy hiệu quả của hoạt động khuyến công, năm 2011 trung tâm đã xây dựng 22 đề án khuyến công, với tổng kinh phí xin hỗ trợ là 9.185 triệu đồng, trong đó, tiếp tục có nhiều đề án hỗ trợ phát triển doanh nghiệp công nghiệp nông thôn và đề án đào tạo nâng cao tay nghề cho người lao động. Theo kế hoạch, thời gian tới, trung tâm tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền về hoạt động khuyến công; vận động nguồn vốn hỗ trợ của các tổ chức nước ngoài, các tổ chức khác ngoài nguồn vốn ngân sách để tập trung phát triển công nghiệp ở địa phương; hỗ trợ các sơ sở sản xuất đổi mới và ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và sản xuất; chú trọng đào tạo nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác khuyến công, hình thành mạng lưới khuyến công cấp xã, huyện, từng bước nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động khuyến công.