Nhiều doanh nghiệp Philippines muốn “đổ bộ” vào thị trường Việt Nam
Tin hoạt động 20/06/2018 17:28
Tham dự Hội thảo là 20 doanh nghiệp (DN) Philippines và hơn 100 DN Việt Nam. Tại đây, Thứ trưởng Bộ Công Thương - Trần Quốc Khánh và Thứ trưởng Bộ Công Thương Philippines - Caferino Rodolfo đã tổ chức hội đàm song phương về quan hệ thương mại giữa hai nước và hai bên đều mong muốn mở rộng quan hệ giao thương trong tương lai.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh đánh giá cơ hội giao thương giữa Việt Nam và Philippines còn rất nhiều tiềm năng |
Tại hội thảo, 20 DN hàng đầu của Philippines hoạt động trong nhiều lĩnh vực như năng lượng, xe máy, chế biến thực phẩm, bán lẻ, sản phẩm chăm sóc cá nhân, nhượng quyền thời trang, nhà hàng ăn uống đã giới thiệu những thế mạnh và tiềm năng của mình với hơn 100 DN Việt Nam hoạt động về bán lẻ, chế biến thực phẩm, xuất khẩu như Co.opmart, Aeon Việt Nam, Lazada nhằm tìm kiếm cơ hội hợp tác kinh doanh, đối tác kinh doanh nhượng quyền...
Phát biểu chủ trì hội thảo, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cho biết, quan hệ kinh tế- thương mại- đầu tư giữa Việt Nam và Philippines không ngừng có những bước phát triển tốt đẹp trong thời gian qua. Thương mại song phương hai nước năm 2017 đạt 4 tỷ USD, tăng 22% so với năm 2016. Trong đó Việt Nam xuất khẩu 2, 8 tỷ USD, tăng 28% và nhập khẩu 1,2 tỷ USD, tăng 9,3% so với năm 2016. Năm tháng đầu năm 2018, kim ngạch thương mại song phương đạt 1,77 tỷ USD, tiếp tục tăng trưởng mạnh ở mức 15,5% so với cùng kỳ năm 2017.
Để tiếp tục dy trì và phát triển hơn nữa quan hệ thương mại song phương, Theo Thứ trưởng Trần Quốc Khánh, hai bên đã thảo luận và thống nhất một loạt các biện pháp quan trọng như tạo điều kiện thuận lợi cho thương mại gạo, mở cửa thị trường cho các mặt hàng rau quả, trái cây tươi, thịt heo, gia súc, gia cầm của Việt Nam nhập khẩu vào Philippines sau khi đăng ký và hoàn thành quá trình đánh giá rủi ro, hạn chế sử dụng các biện pháp phòng vệ thương mại đối với các sản phẩm xuất khẩu của nhau.
Trong số các mặt hàng xuất khẩu có thế mạnh của Việt Nam vào thị trường Philippines, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh đặc biệt nhấn mạnh mặt hàng gạo và xi măng, những mặt hàng Việt Nam có lợi thế. Đối với mặt hàng gạo, Thứ trưởng đề nghị Bộ Công Thương Philippines, với tư cách là thành viên Hội đồng cơ quan Lương thực quốc gia Philippines, ủng hộ sớm gia hạn hoặc ký mới bản thỏa thuận thương mại gạo cấp Chính phủ giữa Việt Nam và Philippines (hết hạn vào ngày 31/12/2018). Riêng mặt hàng xi măng, đề nghị Bộ Công Thương Philippines tạo điều kiện hơn nữa về thủ tục hải quan, rút ngắn thời gian kiểm định chất lượng cho các lô xi măng và clinker của Việt Nam nhập khẩu vào Philippines trong thời gian tới.
“Trong bối cảnh kinh tế thế giới và khu vực đang có nhiều thay đổi nhanh chóng, sâu sắc, cả hai nước Việt Nam và Philippines đang đứng trước nhiều cơ hội lớn để nâng cao hiệu quả, đưa các hoạt động hợp tác kinh tế, thương mại đi vào chiều sâu trong tương lai”, Thứ trưởngTrần Quốc Khánh nhấn mạnh.
Đại diện DN Philippines và Saigon Co.op (bên trái ảnh) trao đổi thông tin về hợp tác giao thương trong thời gian sắp tới |
Tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Công Thương Philippines - Caferino Rodolfo đã bày tỏ sự vui mừng khi các DN hàng đầu của Philippines có cơ hội tốt gặp gỡ đối tác, tìm kiếm giao thương với các DN Việt Nam. Ông Caferino Rodolfo mong muốn cơ hội hợp tác làm ăn giữa các DN của hai nước không chỉ có được từ hội thảo này mà sẽ mở ra nhiều cơ hội hợp tác giữa các DN trong thời gian tới.
Các DN đến từ Philippines tham gia hội thảo đánh giá, Việt Nam là quốc gia có nền kinh tế đang phát triển mạnh và có nhiều tiềm năng để hàng hóa của Philippines thâm nhập vào thị trường với hơn 94 triệu dân, nhất là các mặt hàng thực phẩm chế biến, mỹ phẩm, thời trang, máy móc sản xuất thực phẩm…
Chiều cùng ngày, các DN Philippines đã có buổi giao thương với đại diện của Saigon Co.op nhằm mục tiêu hợp tác, đưa hàng hóa tiêu dùng của Philippines vào hệ thống bán lẻ lớn nhất Việt Nam. Bà Phạm Thị Thanh Tuyền, Giám đốc Phòng giao dịch Nhà cung cấp của Saigon Co.op cho biết, các sản phẩm tiêu dùng của DN Philippines chào hàng như thực phẩm chế biến, nước chấm, bánh kẹo, mỹ phẩm… đều có mẫu mã đẹp nhưng chưa rõ về chất lượng và hầu hết đều mới mẻ đối với thị trường Việt Nam.
“Để hàng hóa tiêu dùng Philippines đứng được trên quầy kệ của siêu thị ở Việt Nam, hàng hóa phải là những mặt hàng có yếu tố khác biệt, chất lượng cao, an toàn cho người sử dụng so với sản phẩm cùng loại mà siêu thị đang kinh doanh, mặt khác giá phải cạnh tranh”, bà Tuyền đánh giá.