Nhiều giải pháp nâng cao hiệu quả ngành mía đường
Đầu tư vùng nguyên liệu với năng suất mía cao, chất lượng mía tốt nhằm tăng chất lượng đường |
Cũng trong niên vụ năm 2016- 2017, cả nước có 40 nhà máy hoạt động với tổng công suất thiết kế 155.300 tấn mía/ngày, dự kiến sản lượng ép mía đạt 15 triệu tấn, sản lượng đường kết tinh đạt trên 1,4 triệu tấn.
Để đạt được kế hoạch đề ra, VSSA đã đề ra một số giải pháp cụ thể nhằm giảm chi phí sản xuất, hạ giá thành sản phẩm như tiếp tục đầu tư vùng nguyên liệu, hình thành cánh đồng mía lớn, nâng dần tỷ lệ giống mía mới để đến năm 2020 không còn giống mía cũ năng suất thấp. Đồng thời đẩy mạnh cơ giới hóa, có chính sách hỗ trợ cho nông dân đầu tư đồng bộ trong khâu làm đất, trồng mía, thu hoạch để có năng suất mía cao, chất lượng mía tốt nhằm tăng chất lượng đường...
Bên cạnh đó, hiệp hội phối hợp với chính quyền địa phương, doanh nghiệp có biện pháp đầu tư thủy lợi phục vụ vùng mía nguyên liệu, có chính sách bao tiêu sản phẩm theo hợp đồng, đa dạng hóa các sản phẩm sau đường, quan tâm chính sách đào tạo nguồn nhân lực phục vụ ngành mía đường…
Ngoài ra, VSSA cũng đã kiến nghị với Bộ Tài chính tiếp tục duy trì mức thuế nhập khẩu đường 5% trong nội khối ASEAN đến sau năm 2018 để tăng khả năng cạnh tranh cho ngành mía đường trong nước. Theo VSSA, Bộ Tài chính đã đồng ý tiếp tục giữ mức thuế nhập khẩu đường 5% đến năm 2018, sau đó sẽ xem xét có tiếp tục duy trì chính sách bảo hộ này không.
Nguyên nhân VSSA đề xuất như trên là do từ cuối năm 2015, khi Cộng đồng Kinh tế ASEAN hình thành, thuế nhập khẩu đường trong nội khối giảm dần về 0% vào năm 2018. Điều này cũng đồng nghĩa với việc hàng rào bảo hộ đối với ngành mía đường Việt Nam gần như bị dỡ bỏ. Khi đó, các sản phẩm đường ngoại có thể tràn vào nước ta gây nên sự cạnh tranh khốc liệt ngay tại thị trường nội địa, gây nhiều khó khăn hơn đối với DN và người trồng mía trong nước.
Trên thực tế AEC được hình thành từ cuối năm 2015 và nhiều dòng thuế nhập khẩu nội khối đã về 0%. Riêng đối với ngành mía đường, đến năm 2016, trong nội khối, nhiều nước thuế nhập khẩu đã giảm về 0%, thì thuế nhập khẩu đường của Việt Nam vẫn duy trì ở mức 5% và có sự khác biệt với nhiều nước trong khối. Cụ thể, đối với đường thô, thuế suất áp dụng tại các nước Brunei, Thái Lan, Malaysia và Singapore trước và sau khi hình thành AEC đều là 0%; Philippines và Indonesia trước khi hình thành AEC đều là 10% và sau khi hình thành đều giảm xuống còn 5%...
Còn đối với đường tinh luyện, bốn quốc gia gồm Brunei, Thái Lan, Malaysia và Singapore đều áp dụng mức thuế là 0% cho cả trước và sau khi AEC hình thành; Philippines giảm từ 10 xuống còn 5%; Indonesia giảm từ 20% xuống còn 10%; Myanmar vẫn duy trì ở mức từ 0- 5% cho cả trước và sau khi AEC hình thành; Campuchia, Lào và Việt Nam vẫn duy trì mức thuế 5% cho cả trước và sau khi AEC hình thành.