Nhiều nhà đầu tư lớn sẵn sàng đầu tư sang Việt Nam trong lĩnh vực chip bán dẫn
Điểm đến của nhiều hãng sản xuất bán dẫn
Lĩnh vực bán dẫn Việt Nam đang nổi lên như một điểm đến của nhiều hãng sản xuất bán dẫn, đặc biệt, thu hút sự quan tâm, hiện diện của những “ông lớn” hàng đầu thế giới của Mỹ và Hàn Quốc như Intel, Samsung… với những dự án từ hàng trăm triệu đến cả tỷ USD đầu tư xây dựng nhà máy, mở rộng sản xuất, lắp ráp…
Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Hoàng Giang |
Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Hoàng Giang cho biết, nhiều nhà đầu tư lớn của các quốc gia phát triển đang sẵn sàng đầu tư sang Việt Nam trong lĩnh vực chip bán dẫn. Trong quy trình sản xuất chip có 3 khâu: Thiết kế, chế tạo và đóng gói - thử nghiệm.
Theo đánh giá của chúng tôi, Việt Nam đang làm tốt được khâu đóng gói thử nghiệm, đúng hơn là công nghiệp phụ trợ cho đóng gói thử nghiệm. Vì thế, với những cơ hội mở ra thì tới đây Việt Nam sẽ tập trung vào khâu nào? Nhiều chuyên gia cho rằng, chúng ta chỉ cần tập trung khâu thiết kế, nhưng cũng có ý kiến cho rằng chúng ta nên mạnh dạn đầu tư vào sản xuất.
Thực hiện chủ trương thúc đẩy ngành /chu-de/cong-nghiep-ban-dan.topic, Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ có các chương trình khoa học và công nghệ, chùm nhiệm vụ liên quan đến chip bán dẫn. Thông qua việc nghiên cứu, Bộ sẽ tham mưu cho Chính phủ về ngành công nghiệp này sẽ nên tập trung vào phần nào, trên cơ sở nguồn lực, thực tiễn của Việt Nam để chúng ta có thể đi ngắn nhất, nhanh nhất, thành công nhất.
“Như vậy, rõ ràng đòi hỏi các nhiệm vụ khoa học và công nghệ, chùm nhiệm vụ này phải được triển khai sớm, có kết quả nhanh, chứ để kéo dài nhiều năm mới có kết quả thì không thể tham mưu kịp thời” - Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Giang nói.
Ông Đàm Bạch Dương, Vụ trưởng Vụ Công nghệ cao, Bộ Khoa học và Công nghệ |
Ông Đàm Bạch Dương, Vụ trưởng Vụ Công nghệ cao, Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết, hiện nay, Chính phủ, các bộ, ngành rất quan tâm đến việc đẩy mạnh ngành công nghiệp chip bán dẫn. Tuy nhiên, để phát triển được ngành này phải hội tụ nhiều yếu tố về nghiên cứu, nhân lực…
Chính phủ đã phân công rõ nhiệm vụ của từng bộ ngành đối với việc xây dựng chiến lược, phát triển nhân lực. Ở góc độ Bộ Khoa học và Công nghệ, với thế mạnh cơ quan quản lý nhà nước về nghiên cứu, Bộ sẽ tập trung vào việc nghiên cứu.
Sẽ đề xuất những chính sách đặc biệt
Theo ông Đàm Bạch Dương, từ năm 2010, sản phẩm chip bán dẫn đã được Thủ tướng Chính phủ đưa vào danh mục là một trong các sản phẩm quốc gia, tuy nhiên, chúng ta chưa triển khai được một cách triệt để. Hiện nay, Bộ Khoa học và Công nghệ đang tích cực triển khai các nhiệm vụ liên quan đến nghiên cứu, thiết kế chế tạo các chip bán dẫn.
Tại buổi tổng kết chương trình phối hợp giữa Bộ Khoa học và Công nghệ và Bộ Quốc phòng mới đây, đại diện Viettel cho biết, đơn vị này đang có dự án liên quan đến chip bán dẫn, đề nghị Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp.
Do đó, Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ làm việc với Viettel để xây dựng, đề xuất những chính sách đặc biệt để tháo gỡ đến ngành chip bán dẫn. “Đây là ngành rất đặc biệt và đặc thù, do đó, nếu sử dụng các chính sách thông thường sẽ rất khó phát triển” - ông Đàm Bạch Dương nói.
Hiện nay, các chính sách cho ngành này nằm rải rác ở nhiều nơi. Ví dụ, chip bán dẫn nằm trong danh mục công nghệ cao và sản phẩm công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển, vì thế sẽ có một số ưu đãi về đầu tư. Đối với hoạt động nghiên cứu, chip bán dẫn cũng nằm trong danh mục các sản phẩm quốc gia thì lại có một số ưu đãi với hoạt dộng nghiên cứu...
Phát triển công nghiệp bán dẫn cũng là cơ hội để Việt Nam dựng lại ngành công nghiệp điện tử nước nhà (Ảnh: Quỳnh Nga) |
Chính vì thế, Chính phủ đã giao cho các bộ, ngành nghiên cứu chính sách đồng bộ, đặc thù tạo điều kiện tốt nhất cho các doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân tham gia vào nghiên cứu, chế tạo, phát triển và sản xuất chip bán dẫn.
Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, công nghiệp bán dẫn là ngành công nghiệp nền tảng, và không chỉ có vậy, nó còn là ngành công nghiệp trọng yếu quốc gia trong 30-50 năm tới. Một khi loài người còn phát triển dựa trên thông tin, dựa trên dữ liệu như một yếu tố đầu vào của sản xuất, thì việc xử lý dữ liệu, tức là chip bán dẫn, sẽ tiếp tục là trọng yếu.
Lợi thế căn bản nhất của chúng ta là người Việt Nam có gien về STEM (toán, kỹ thuật, công nghệ và khoa học). Mà STEM là căn bản của công nghệ bán dẫn, của thiết kế chip. Từ lợi thế nhân lực sẽ ra các lợi thế khác. Từ trung tâm toàn cầu về nhân lực bán dẫn sẽ dẫn tới trung tâm toàn cầu về công nghiệp bán dẫn.
Phát triển công nghiệp bán dẫn cũng là cơ hội để Việt Nam dựng lại ngành công nghiệp điện tử nước nhà (như thiết điện tử tiêu dùng, thiết bị điện tử y tế, thiết bị điện tử công nghiệp...), nhất là khi ngành này đang bước vào giai đoạn chuyển đổi sang thiết bị điện tử AI, thiết bị IoT.
Công nghiệp bán dẫn cũng là cốt lõi của công nghiệp chuyển đổi số. Công nghiệp chuyển đổi số là thị trường lớn nhất của chip bán dẫn. Việt Nam có tới 100 triệu dân, là một thị trường lớn, lại đang ở giai đoạn phát triển nhanh, công nghiệp hoá nhanh, chuyển đổi số nhanh, tiêu dùng điện tử nhiều, nên sẽ là một bối cảnh thuận lợi cho ngành công nghiệp bán dẫn nước nhà...