CôngThương - Sau TV, laptop, máy chơi game 3D, smartphone là sản phẩm điện tử tiếp theo gia nhập trào lưu công nghệ màn hình nổi 3 chiều. Trên kích thước màn hình khoảng 4 inch, người dùng có thể bằng mắt thường (không cần kính) thưởng lãm các đoạn phim, ảnh, ứng dụng game 3D. Cùng với điện thoại hai nhân, đầu năm nay, smartphone 3D được chờ đợi sẽ tạo nên xu hướng mới.
LG tháng này đã đưa mẫu Optimus 3D lên kệ với giá 13,8 triệu đồng, HTC cũng sửa soạn trình làng EVO 3D trong mức giá dự kiến từ 14 đến 15 triệu đồng. Đây là hai mẫu điện thoại chính hãng đầu tiên góp mặt ở thị trường trong nước, còn trước đó, trên phân khúc xách tay, các model từ Nhật Bản cũng rải rác xuất hiện.
Đang chọn mua smartphone tại siêu thị Viễn Thông A trên đường 3/2, TP HCM, anh Thiện Viễn, ngụ tại quận 10, được nhân viên cho thử nghiệm mẫu 3D của LG. "Máy thiết kế tốt, màn hình rộng, 3D khá thú vị, nhưng theo mình công nghệ này dành cho smartphone vẫn chưa thực tiễn lắm", anh Viễn nhận định. "Màn hình nhỏ dễ gây nhức mắt, 3D không cần kính, nhưng chỉ cần lệch một chút là khả năng hiển thị kém ngay". Một nhân viên bán hàng tại đây cho hay, di động 3D gây tò mò, nhưng doanh số không mạnh như các sản phẩm smartphone thông thường khác.
Theo ông Trần Mạnh Cường, Phụ trách phân tích sản phẩm của LG Việt Nam, hiện 3D cho smartphone vẫn còn nhiều hạn chế, dựa trên việc đưa hình ảnh đi vào hai mắt riêng biệt để tạo độ sâu, người dùng phải nhìn đúng một góc nhất định, đây là điểm yếu so với TV hay các thiết bị màn hình lớn khác.
Ông Cường cũng cho rằng, quá sớm để nói 3D là một xu hướng trong năm nay. Có thể phải tới cuối quý I, đầu quý II năm sau, các nhà sản xuất mới giới thiệu các thiết bị kế tiếp, cải thiện hơn góc nhìn. Cùng nhận định, ông Nguyễn Hồng Châu, Trưởng đại diện HTC Việt Nam cho rằng, việc HTC ra mắt EVO 3D nằm trong xu thế tiên phong các công nghệ mới, 3D phát triển hay không phụ thuộc vào sự tiện lợi với người dùng. Ông Châu không coi 3D là xu hướng của làng smartphone năm nay.
Việc người dùng có thể tạo các nội dung 3D và lưu trữ được các nhà sản xuất kỳ vọng sẽ gây sự chú ý. |
Một trong những hạn chế khác là các nội dung giải trí kèm theo. Hiện các nhà sản xuất bán máy có kèm một số phim demo, như sản phẩm của HTC có 3 game 3D cài đặt sẵn, trong khi thiết bị LG có 10 game. Tuy nhiên, nhiều người sử dụng cho rằng, chơi game 3D trên smartphone nhanh nhức mắt. Trong thiết bị của mình, nhà sản xuất Hàn Quốc trang bị tính năng chuyển từ 2D sang 3D, nhưng trải nghiệm về hình ảnh chưa thật sự sống động như phim 3D "xịn".
Các đại diện của HTC và LG đều cho rằng, một trong những lý do họ giới thiệu smartphone 3D là không chỉ muốn người dùng trải nghiệm màn hình, mà còn cho khách hàng tự tạo nội dung. Cả EVO 3D và Optimus 3D đều có hai camera mặt sau, hỗ trợ chụp ảnh, quay video 3D chuẩn HD 720p. LG cũng cho phép người dùng upload lên YouTube 3D để lưu trữ.
Theo anh Vũ Hải, quản lý một cửa hàng di động trên đường 3/2, TP HCM, mức giá cao của các mẫu smartphone 3D cũng là rào cản để công nghệ này trở nên phổ biến hơn. "3D cần một cấu hình mạnh, từ lõi kép trở lên mới xử lý được, điều này sẽ khó để trang bị tính năng này cho các dòng cấp thấp".
Sau EVO 3D và Optimus 3D, cả HTC lẫn LG vẫn chưa có lộ trình cho sản phẩm tiếp theo. Dòng máy "kén khách" này được chờ đợi là gia vị mới cho thị trường điện thoại thông minh nửa cuối năm 2011. Theo nhận định của anh Vũ Hải, "3D vẫn là một tính năng để các hãng làm thương hiệu, quảng bá nhiều hơn", trong khi ông Trần Mạnh Cường chờ đợi sự tham gia của các tên tuổi như Samsung, Nokia, Sony Ericsson trong thời gian tới và những cải tiến về 3D sẽ giúp công nghệ này được chú ý hơn.