Thực phẩm bảo vệ sức khỏe Hạ Khiết Vương quảng cáo sai sự thật |
Khó xử phạt vì sao?
Theo danh sách công bố công khai cơ sở vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm của Cục An toàn thực phẩm, hầu như tháng nào cũng có sản phẩm vi phạm. Những vi phạm cũng đa dạng, từ vi phạm quy định của pháp luật về quảng cáo đến điều kiện an toàn thực phẩm, chất lượng và ghi nhãn… số tiền phạt dao động từ vài chục đến vài trăm triệu đồng.
Nhiều thực phẩm bảo vệ sức khỏe bị “tuýt còi” nhưng vẫn tái phạm |
Thời gian gần đây nhất có thể kể đến những thực phẩm vi phạm như: Thực phẩm bảo vệ sức khỏe Tân Tam Đại Nhất Lương (Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm 10001/2021/ĐKSP ngày 28/10/2021); thực phẩm bảo vệ sức khỏe Res-1000, Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm số 10018/2019/ĐKSP ngày 23/8/2019; thực phẩm bảo vệ sức khỏe: Dạ dày STOMACHP (số lô 1110622, NSX: 21/06/22, HSD: 20/6/2025, số ĐKSP: 10934/2021/ĐKSP); thực phẩm bảo vệ sức khỏe Liver Protect (lô SX: 2001, NSX: 16/6/2022, HSD: 15/6/2025), Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố số 3846/2018/ĐKSP ngày 28/6/2018; thực phẩm bảo vệ sức khỏe Galilee Extra (lô SX: 2001, NSX: 15/4/2022, HSD: 14/4/2025), Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố số 11968/2017/ĐKSP ngày 24/4/2017)…
Đáng chú ý, trong danh sách này có thực phẩm bảo vệ sức khỏe Tân Tam Đại Nhất Lương (Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm 10001/2021/ĐKSP ngày 28/10/2021) đã nằm trong danh sách công bố công khai cơ sở vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm cập nhật trước đó từ ngày 12/4 - 23/5 vi phạm quy định của pháp luật về quảng cáo, với mức phạt 25 triệu đồng thì tiếp tục có tên công khai trong danh sách cập nhật từ ngày 15/7 - 19/9/2022, cũng vẫn vi phạm quy định của pháp luật về quảng cáo, với mức phạt 95 triệu đồng.
Thực phẩm bảo vệ sức khỏe Tân Tam Đại Nhất Lương chỉ là ví dụ vi phạm gần đây nhất, trên thực tế chắc chắn còn rất nhiều sản phẩm tái diễn vi phạm.
Vậy nhưng qua rà soát trên các báo, đài, website, mạng xã hội cũng như nhận được thông tin từ phóng viên, người tiêu dùng qua email của Cục An toàn thực phẩm phản ánh về các sản phẩm vi phạm quy định về quảng cáo năm 2020 - 2021 chỉ có 197 trường hợp. Cục An toàn thực phẩm đã xử phạt vi phạm về quảng cáo 76 cơ sở, tổng số tiền phạt hơn 3,7 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Thanh Phong - Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm thông tin: Nhiều doanh nghiệp là chủ sở hữu bản công bố sản phẩm nhưng không thừa nhận và không đứng tên thực hiện các quảng cáo vi phạm, do vậy cơ quan chức năng không xác định được đối tượng vi phạm, nên không thể xử lý. Với các trường hợp này, Cục An toàn thực phẩm đã cảnh báo trên website của Cục và thông báo để các báo đăng tin.
Vi phạm quảng cáo chiếm số lượng lớn
Những vi phạm chủ yếu trong quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe hiện nay là quảng cáo sai sự thật, quảng cáo quá công dụng của sản phẩm, gây hiểu lầm với thuốc chữa bệnh. Sử dụng hình ảnh, uy tín, thư tín của các cơ sở y tế, bác sỹ; quảng cáo thực phẩm kèm theo ý kiến phản hồi của người tiêu dùng có tác dụng điều trị bệnh hoặc có tác dụng như thuốc chữa bệnh. Giả danh Đài truyền hình Việt Nam, Đài truyền hình Công an, Quốc phòng, sử dụng hình ảnh người của công chúng, nhà khoa học đã nghỉ hưu để quảng cáo thực phẩm như thuốc chữa bệnh, đặc biệt quảng cáo trên mạng xã hội, đài truyền hình địa phương.
Quảng cáo thực phẩm khi chưa được cơ quan có thẩm quyền thẩm định nội dung quảng cáo. Quảng cáo các sản phẩm thực phẩm có nội dung không đúng với nội dung đã được cơ quan có thẩm quyền xác nhận.
Mới đây, Cục An toàn thực phẩm đã đưa ra cảnh báo sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Siro tiêu hóa Fibo Kidy và Siro tiêu hóa Gấu em quảng cáo vi phạm quy định của pháp luật về quảng cáo.
Cụ thể, trên webste có địa chỉ, //www.zalora.vn/siro-tieu-hoa-fibo-kidy-giup-be-nti177974705.html, siro tiêu hóa Fibo Kidy và siro Gấu em được quảng cáo giúp bé ăn ngon tăng cân, giải quyết dứt diểm khó tiêu, táo bón. Cung cấp giải pháp số 1 trị dứt điểm tiêu hóa cho trẻ.
Còn tại webste có địa chỉ //tiki.vn/siro-tieu-hoa-gau-em-giup-tang-cuong-suc-de-khang-chong-tao-bon-p177971959.html?spid=177971960, sản phẩm siro tiêu hóa Gấu em cũng được quảng cáo giúp tăng cường sức đề kháng - chống táo bón. Hiện giá bán sản phẩm này là 250.000đ/hộp.
Bộ Y tế cho biết, qua công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra và xử cho thấy, đa số các doanh nghiệp thực hiện nghiêm túc các quy định về quảng cáo. Tuy nhiên vẫn còn nhiều doanh nghiệp vì lợi nhuận đã phát hành nội dung quảng cáo không đúng quy định.
Ngoài các vi phạm của doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân có sản phẩm, còn có trách nhiệm của cơ quan, đơn vị phát hành quảng cáo. Đặc biệt những năm gần đây, khi mạng xã hội phát triển thì việc lợi dụng mạng xã hội để đưa ra nội dung quảng cáo không đúng sự thật đã gây bức xúc dư luận xã hội. Các cơ quan chức năng, trong đó có bộ Y tế, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an đã tích cực xử lý vi phạm và đã có nhiều quy định chặt chẽ hơn để kiên quyết xử lý, tuy nhiên tình trạng này vẫn không giảm.
Để xử lý, hạn chế tối đa các hành vi vi phạm này các bộ, ngành, cơ quan quản lý theo chức năng nhiệm vụ cần thực hiện nghiêm túc trách nhiệm phối hợp chặt chẽ trong quản lý quảng cáo hàng hóa dịch vụ nói chung, đặc biệt quản lý hàng hóa thực phẩm bảo vệ sức khỏe nói riêng.
Tăng cường quản lý các sàn giao dịch thương mại điện tử, quản lý các công ty bán hàng đa cấp là thực phẩm bảo vệ sức khỏe, có biện pháp giám sát các hoạt động đa cấp, nhất là các buổi hội thảo phát triển thành viên của các công ty để tránh việc quảng cáo truyền miệng sai sự thật.
Hiện nay, Cục An toàn thực phẩm tiếp tục phối hợp với cơ quan chức năng xác minh, xử lý theo quy định hiện hành. Kết quả xử lý, Cục An toàn thực phẩm sẽ công khai trên website của Cục và cổng công khai y tế.
Năm 2020, Cục An toàn thực phẩm xử phạt vi phạm về quảng cáo 48 cơ sở, với 54 hành vi vi phạm, tổng số tiền phạt là 2.265.000.000 đồng. Năm 2021, xử phạt vi phạm về quảng cáo 28 cơ sở, với 40 hành vi vi phạm, tổng số tiền phạt 1.544.500.000 đồng. |