Lựa chọn tăng vốn sẽ được áp dụng cho từng trường hợp khác nhau chứ không có chuẩn chung trên toàn cầu.
Lãnh đạo của nhóm nền kinh tế lớn nhất thế giới, không thể thống nhất về biện pháp hạn chế các ngân hàng lớn tham gia hoạt động kinh doanh mang tính rủi ro cao, sẽ khó có được sự đồng thuận cuối cùng về mức vốn cần tăng thêm.
Thay vào đó, Ban ổn định tài chính (FSB), vốn đang cân nhắc về biện pháp để ngăn các tổ chức tạo ra thêm cuộc khủng hoảng kinh tế mới, sẽ đưa ra nhiều lựa chọn khác nhau chứ không đặt ra mức vốn cụ thể để áp dụng trên toàn cầu. FSB sẽ nhóm họp tại Seoul – Hàn Quốc trong tuần này.
Sự bất đồng trong nhóm thành viên về ý tưởng này cũng giống như sự thiếu thống nhất trong nhóm thành viên thuộc Ủy ban Basel về giám sát ngành ngân hàng khi họ muốn đưa ra yêu cầu vốn chặt chẽ hơn cho các ngân hàng trong năm nay.
Đức, Pháp và Nhật phản đối việc các ngân hàng lớn phải tăng vốn thêm và tiến hành hoạt động vận động hành lang cho ý kiến của nhóm nước đó; trong khi đó Anh, Mỹ và Thụy Sỹ ủng hộ việc tăng vốn. Quy tắc của ủy ban Basel đưa ra vì thế chắc chắn sẽ bớt cứng rắn hơn.
Ông Richard Spillenkothen, cựu thành viên của Ủy ban Basel và nay giữ chức vụ giám đốc Deloitte & Touche LLP ở Washington, cho rằng vấn đề tồn tại xung quanh các ngân hàng có quy mô “quá lớn để sụp đổ” căng thẳng hơn so với trước đó. Chính phủ Mỹ, Anh và Thụy Sỹ đã phải chi quá nhiều tiền để cứu nhóm ngân hàng lớn nhất vì thế họ chịu áp lực không được để điều đó tái diễn.
Đề xuất của FSB, nhiều khả năng sẽ được đưa ra trong hội nghị các nhà lãnh đạo G20 vào tháng trước, nhiều khả năng sẽ tính đến nghiên cứu về tổ chức tài chính tiềm ẩn rủi ro hệ thống tại từng nước và yêu cầu tăng vốn thêm (nếu có).
Ngoài ra, FSB sẽ tính đến khả năng chấp thuận nguyên tắc vốn tùy nghi, nợ sẽ chuyển thành cổ phiếu trong điều kiện khó khăn vì thế các trái chủ sẽ chịu thiệt hại khi ngân hàng cho vay đó sụp đổ.
Theo CafeF