Nhu cầu vàng của Việt Nam tiếp tục giảm 17%
Nhu cầu vàng đang giảm.
- Hội đồng Vàng thế giới (WGC) vừa ra báo cáo về nhu cầu vàng toàn cầu trong quý I. Đây là một phần trong khảo sát hàng năm của WGC và các số liệu đưa ra là dự tính, chứ không phải căn cứ vào lượng vàng nhập khẩu thực tế của mỗi nước.
Với Việt Nam, tổng nhu cầu vàng được báo cáo ước tính trong quý I đạt 18,6 tấn, giảm tới 17% so với cùng kỳ. Đây là mức giảm mạnh nhất so với các nước khu vực Nam Á được WGC theo dõi, gồm Indonesia, Hàn Quốc, Thái Lan và Việt Nam. Tổ chức này cho rằng đó là do các quy định kiểm soát vàng của Chính phủ và lạm phát hạ nhiệt thời gian gần đây.
Trong số này, WGC tính toán nhu cầu vàng trang sức của người Việt Nam đạt 4,4 tấn, tương đương 229 triệu USD; còn vàng miếng và xu vào khoảng 14,2 tấn, tương đương 745 triệu USD; lần lượt giảm 12 - 18% về khối lượng và 15 - 21% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.
Tính chung trong vòng một năm qua, nhu cầu vàng tại Việt Nam đạt 73 tấn (3,8 tỷ USD), giảm tới gần 30% so với cùng kỳ. Trong đó, nhu cầu vàng thỏi và vàng xu để đầu tư chiếm tới 85%. Nhu cầu trong quý I của thị trường cũng gần tương đương với khối lượng vàng được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tung ra thị trường kể trong vòng vài tháng qua (482.200 lượng, tương đương 18,5 tấn), thông qua 18 phiên đấu thầu để bình ổn thị trường.
Tình chung trên toàn cầu, quý I chứng kiến sự phục hồi mạnh trong nhu cầu vàng trang sức, vàng miếng và vàng xu với tổng khối lượng đạt 963 tấn. Tuy nhiên, số liệu này vẫn giảm 13% so với cùng kỳ và ở mức thấp nhất trong vòng 9 năm. Lực bán tháo của các quỹ tín thác vàng là nguyên nhân chính cho sự sụt giảm này.
Nhu cầu vàng trang sức tăng mạnh trong quý I, lên 28,9 tỷ USD. Kinh tế, chính trị, dân số là các yếu tố quan trọng thúc đẩy người tiêu dùng trên thế giới. Trung Quốc cũng vượt qua Ấn Độ để trở thành nước tiêu thụ vàng nhiều nhất thế giới, nhờ sức mua dịp Tết Nguyên Đán. 2 thị trường này đóng góp tới 62% nhu cầu vàng trang sức quý I.
Tại Mỹ, nhu cầu vàng trang sức tăng 22% nhờ tình hình kinh tế cải thiện. Đây cũng là lần đầu tiên trong 7 năm nhu cầu vàng nước này tăng mạnh hơn cùng kỳ. Tính riêng tại 4 quốc gia Nam Á được theo dõi, nhu cầu giảm tổng cộng 3%.
Theo Jason Toussaint, CEO World Gold Trust Services thuộc WGC, việc này "cho thấy độ nhạy cảm của người tiêu dùng đã bớt đi, thu nhập bắt đầu tăng khi nền kinh tế dần phục hồi và giá trị nội tại của vàng cũng được công nhận".
Báo cáo của WGC cũng cho thấy các nhà đầu tư ở cấp độ bán lẻ đã tăng mua vàng thỏi và vàng xu khi giá vàng thấp hơn so với quý cuối năm ngoái. Trong khi đó, nhà đầu tư tổ chức lại tập trung đầu cơ, kiếm lời trong ngắn hạn. Hệ quả là các quỹ tín thác vàng đã bán tháo gần 177 tỷ tấn trong quý I, tương đương 7% lượng vàng nắm giữ. Hiện các quỹ này chỉ còn sở hữu gần 1% tổng dự trữ vàng toàn cầu.
Các ngân hàng trung ương cũng mua thêm gần 110 tấn vàng quý I. Đây là quý thứ 7 liên tiếp con số này đạt trên 100 tấn. Marcus Grubb, Giám đốc điều hành bộ phận nghiên cứu đầu tư tại WGC dự đoán lượng mua có thể đạt 450 - 550 tấn năm nay. Trong khi đó, nhu cầu về công nghệ lại thu hẹp khi lượng vàng cần trong điện tử và nha khoa giảm mạnh.
Grubb dự đoán: "Trong quý I, nhu cầu vàng vật chất tại châu Á tăng mạnh. Nhưng kể từ tháng 4, nhu cầu này sẽ tăng trên toàn thế giới".
Theo VNE