CôngThương - Theo Fortune, đứng đầu là Giám đốc điều hành tập đoàn xe hơi Toyota của Nhật Bản, ông Akio Toyoda. Đây cũng là gương mặt doanh nhân Nhật Bản duy nhất trong top 10, trong khi có tới 5 doanh nhân Trung Quốc, 2 doanh nhân Ấn Độ và 2 đại gia thuộc xứ sở kim chi.
Bảng xếp hạng này được Fortune đưa ra trên cơ sở doanh thu, lợi nhuận và mức độ tăng trưởng của các doanh nghiệp mạnh nhất ở châu Á và đánh giá vai trò của các giám đốc điều hành những doanh nghiệp này trong sự thành công của hãng.
Fortune cũng nhấn mạnh tới yếu tố toàn cầu hóa. Và vì thế, doanh nhân người Ấn Độ, Ratan Tata, người đã đưa công ty kinh doanh sắt thép của gia đình thành một tập đoàn đa quốc gia với nhân viên ở 80 quốc gia, xứng đáng được xếp thứ hai trong danh sách.
Trong khi đó, lãnh đạo các công ty ở Trung Quốc, như ông Ren Zhengfei của tập đoàn Huawei và Terry Gou của Forconn từ lâu đã nổi tiếng thế giới. Trong bảng xếp hạng này, ông Ren Zhengfei và Terry Gou được xếp hạng 5 và 6.
Dưới đây là 10 gương mặt lãnh đạo doanh nghiệp quyền lực nhất ở châu Á:
1. Akio Toyoda
Công ty: Toyota Motor
Quốc gia: Nhật
Chức vụ: CEO
Tuổi: 55
Ông Toyoda nắm quyền tối cao tại công ty lớn nhất châu Á, và lẽ dĩ nhiên, ông được xem là doanh nhân có quyền lực nhất. Ông đảm nhiệm cương vị Giám đốc điều hành của Toyota được hai năm và đã thể hiện được quyền lực của mình. Ông đã vượt qua được vụ scandal thu hồi hàng triệu xe năm ngoái, bất chấp tin đồn rằng ông sẽ phải từ chức. Hiện các cổ đông hy vọng ông có thể đưa Toyota tăng trưởng mạnh hơn.
2. Ratan Tata
Công ty: Tata Sons
Quốc gia: Ấn Độ
Chức vụ: Chủ tịch
Tuổi: 73
Người được xem là đã mang văn hóa cafe tới Ấn Độ, quốc gia vốn ưa thích trà. Lĩnh vực kinh doanh của tập đoàn Tata được mở rộng từ ôtô cho tới thép, và thậm chí là viễn thông. Gần đây, Tata đã ký một thỏa thuận với Starbucks về việc đưa dây chuyền cafe từ Seattle này tới Ấn Độ. Đây là động thái mới nhất của Tata trong loạt kế hoạch liên kết nhằm đưa hãng từ một doanh nghiệp chủ yếu phục vụ nhu cầu nội địa trở thành một công ty đa quốc gia trị giá 67 tỷ USD.
3. Mukesh D. Ambani
Công ty: Reliance Industries
Quốc gia: Ấn Độ
Chức vụ: Chủ tịch kiêm CEO
Tuổi: 53
Ông chủ của tập đoàn Reliance Industries được đánh giá là người có uy tín trong thỏa thuận. Ông đã thu mua nhiều tài sản trong các lĩnh vực viễn thông, hóa dầu và năng lượng, một phần trong chiến lược trở thành tập đoàn đa lĩnh vực có giá trị vốn hóa thị trường 45 tỷ USD. Ambani hiện sở hữu khối tài sản trị giá 27 tỷ USD và gần đây, gia đình ông đã chuyển vào sống trong biệt thự trị giá 1 tỷ USD đầu tiên trên thế giới.
4. Kun-Hee Lee
Công ty: Samsung
Quốc gia: Hàn Quốc
Chức vụ: Chủ tịch kiểm CEO
Tuổi: 69
Chủ tịch Kun-Hee Lee đã đưa hãng điện tử Samsung trở thành một tập đoàn hàng đầu thế giới về điện thoại di động, tivi và vi xử lý máy tính. Hiện hãng điện tử trị giá 137 tỷ USD này thường được so sánh với tập đoàn máy tính HP của Mỹ. Nhưng ở nhiều góc độ, Samsung có thể coi là một Apple của Hàn Quốc, nổi tiếng về thiết kế và sáng tạo cũng như kết quả tài chính.
5. Ren Zhengfei
Công ty: Huawei Technologies
Quốc gia: Trung Quốc
Chức vụ: CEO
Tuổi: 67
Không mấy người biết về nhân vật từng là cựu quan chức quân đội này. Tuy nhiên, Huawei hiện là hãng sản xuất thiết bị viễn thông lớn nhất ở Trung Quốc, và việc thiếu thông tin về Ren Zhengfei không cản trở việc ông xây dựng một đế chế toàn cầu hiện đang đóng một vai trò quan trọng trong mạng dưới di động và Internet trên thế giới.
6. Terry Gou
Công ty: Foxconn Technology
Vùng lãnh thổ: Đài Loan, Trung Quốc
Chức vụ: Chủ tịch kiêm CEO
Tuổi: 60
Tập đoàn Foxconn của Gou là một trong những nhà sản xuất điện tử lớn nhất thế giới, nơi gia công các thiết bị điện tử theo hợp đồng lớn nhất thế giới. Các khách hàng của Foxconn bao gồm cả Apple, HP, Dell, Sony và nhiều doanh nghiệp khác. Năm ngoái, Foxconn bị chỉ trích mạnh về những vụ tự sát của công nhân ở các nhà máy của hãng tại Trung Quốc, Gou đã khôn khéo xử lý, nâng lương và chuyển dịch công nhân về gần gia đình họ.
7. Gao Xiqing
Công ty: China Investment Corp
Quốc gia: Trung Quốc
Chức vụ: Chủ tịch kiêm giám đốc đầu tư
Tuổi: 57
Gao hiện là nhà quản lý tập đoàn đầu tư nhà nước Trung Quốc. Ông quản lý 332 tỷ USD tài sản của CIC. Được thành lập từ năm 2007, CIC có mục tiêu kiếm được lợi nhuận cao cho một phần tiền trong dự trữ ngoại hối khổng lồ của Trung Quốc. Tính tới hết tháng 3/2011, dự trữ ngoại hối của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này đã chính thức vượt 3.000 tỷ USD.
8. Wang Xiaochu
Công ty: China Telecom Corp
Quốc gia: Trung Quốc
Chức vụ: Chủ tịch kiêm CEO
Tuổi: 53
Wang Xiaochu tốt nghiệp Học viện Bưu chính Viễn thông Bắc Kinh năm 1989 và đã nhận được bằng tiến sỹ về quản trị kinh doanh của trường Đại học Bách khoa Hồng Kông năm 2005. Wang hiện là Chủ tịch của China Telecom. Cũng giống như các đồng nghiệp ở Mỹ và châu Âu, ông Wang nhìn thấy tương lai tươi sáng của dịch vụ di động. Công ty này đã đầu tư hàng chục tỷ USD vào mạng 3G, nâng doanh thu lên 32,5 tỷ USD.
9. Jiang Jiemin
Công ty: PetroChina
Quốc gia: Trung Quốc
Chức vụ: Chủ tịch
Tuổi: 55
Chủ tịch PetroChina, ông Jiang Jiemin, đã báo cáo lợi nhuận tăng mạnh trong năm tài khóa 2010, với tăng trưởng doanh thu đạt 44% lên 216,5 tỷ USD, lợi nhuận tăng trưởng 35% lên 20,7 tỷ USD. Ông Jiang tốt nghiệp trường Đại học Sơn Đông, kinh qua nhiều chức vụ trước khi trở thành lãnh đạo của tập đoàn dầu khí Trung Quốc. Theo xếp hạng mới nhất của CNBC, PetroChina hiện là doanh nghiệp lớn nhất châu Á về giá trị vốn hóa thị trường.
10. Mong-Koo Chung
Công ty: Hyundai Motor
Quốc gia: Hàn Quốc
Chức vụ: Chủ tịch kiêm CEO
Tuổi: 73
Năm ngoái, với lợi nhuận tăng 78% lên 4,5 tỷ USD trên doanh thu 31,8 tỷ USD, Hyundai đã trở thành nhà sản xuất xe hơi lớn thứ 5 trên thế giới về doanh số bán. Chi tiêu mạnh tay của ông Chung vào cả hai lĩnh vực, gồm sáng kiến chất lượng và tiếp thị sáng tạo, trong giai đoạn ngành công nghiệp ôtô đang đối mặt với sự suy giảm tồi tệ đã mang lại ích lợi cho Hyundai.