Những doanh nhân trên tuổi 70
Bà Nguyễn Bạch Tuyết, Chủ tịch Công ty Khử trùng Việt Nam, sinh năm 1942.
- Bà Nguyễn Bạch Tuyết là nữ doanh nhân duy nhất trong danh sách những chủ tịch HĐQT của công ty niêm yết trên tuổi 70. Sinh năm 1942 tại Quảng Ngãi, bà Tuyết là kỹ sư nông nghiệp, giữ vị trí Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Khử trùng Việt Nam (Mã CK: VFG) từ năm 2001 khi bà gần 60 tuổi.
Trước khi giữ vị trí cao nhất tại Khử Trùng Việt Nam, bà Tuyết đã kinh qua nhiều vị trí công tác tại các cơ quan nhà nước thuộc Bộ Nông nghiệp. Trong đó, 9 năm liên tục, từ năm 1976, bà là Chi cục phó Chi cục Kiểm dịch thực vật, Cục bảo vệ thực vật. Đến tháng 10 năm 1985, bà được điều chuyển sang làm Giám đốc Công ty khử Trùng II cũng thuộc cục này. Ngoài chức vụ hiện tại, bà Tuyết còn Tổng giám đốc Công ty TNHH Hải Yến.
Niêm yết trên sàn TP HCM từ cuối năm 2009, cổ phiếu VFG từng có giá 68.000 đồng. Tuy nhiên song song với sự sụt giảm mạnh của thị trường chứng khoán, VFG có thời điểm rơi xuống giá thấp nhất, dưới 30.000 đồng.
Khử trùng Việt Nam lấy niên độ báo cáo tài chính bắt đầu từ 1/10 và kết thúc vào 30/9 hàng năm. Theo báo cáo tài chính hợp nhất 6 tháng, công ty có mức tăng doanh thu khoảng 15%, đạt trên 860 tỷ đồng. Lãi sau thuế theo đó cũng tăng thêm hơn 4 tỷ đồng, đạt khoảng 57 tỷ, bằng 60% kế hoạch năm 2013.
Cùng với mức tăng trưởng về kinh doanh, cổ phiếu VFG so với thời điểm đầu năm đã tăng thêm khoảng 30%, lên 51.000 đồng. Tuy nhiên, VFG không phải mã có lượng giao dịch cao. Mười phiên gần nhất, mỗi phiên, mã này chỉ khớp trung bình 680 cổ phiếu.
Ngoài bà Tuyết, ông Trần Duy Hải - Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Xây dựng và Phát triển Cơ sở hạ tầng (Cinde, Mã CK: CID) cũng là doanh nhân đã qua tuổi 70.
Ông Hải là kỹ sư xây dựng, làm việc tại Sở xây dựng Hải Phòng từ năm 1969, sau đó chuyển sang làm Phó giám đốc Công ty Xây dựng số 4 năm 1974, rồi Giám đốc Công ty Xây dựng và Phát triển cơ sở hạ tầng. Sau khi đơn vị này cổ phần hóa, ông làm Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc điều hành từ năm 2003 đến nay. Hiện, ông Hải nắm trên 51% vốn tại Cinde, tương đương gần 553.000 cổ phiếu.
Cổ phiếu CID chính thức giao dịch trên sàn chứng khoán Hà Nội từ tháng 7 năm 2005, đóng cửa phiên đầu tiên có giá 17.800 đồng, nhưng sau đó giá trồi sụt liên tục cho tới đầu năm 2007. Trong khoảng 7 năm niêm yết, giá cổ phiếu CID cao nhất đạt trên 33.000 đồng, trùng thời điểm thi trường chứng khoán bùng nổ vào năm 2007, khi VN-Index luôn đạt trên mốc 1.000 điểm. Đóng cửa phiên giao dịch 5/6, CID đứng giá ở 5.800 đồng.
Cinde không phải là doanh nghiệp lớn, với số vốn tính tới 31/3 chỉ trên 27 tỷ đồng, trong đó, vốn chủ sở hữu chiếm một nửa, nửa còn lại đa phần là nợ ngắn hạn. Quý I, mặc dù mức lãi sau thuế của công ty tăng gấp 5 lần cùng kỳ, nhưng chỉ đạt hơn 10 triệu đồng.
Ông Lê Văn Tam - Chủ tịch HĐQT Mía đường Lam Sơn - doanh nhân nhiều tuổi nhất lãnh đạo một công ty niêm yết. Ảnh: PV |
Doanh nhân nhiều tuổi nhất lãnh đạo một công ty niêm yết là ông Lê Văn Tam - Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Mía đường Lam Sơn (Mã CK: LSS). Ông Tam sinh năm 1937, tại Thanh Hóa, đưa cổ phiếu LSS niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán TP HCM từ năm 2008.
Cá nhân ông Lê Văn Tam hiện có khoảng một triệu cổ phiếu LSS, tương ứng 2% vốn điều lệ. Còn Hiệp hội Mía đường Lam Sơn - nơi ông cũng làm Chủ tịch HĐQT - nắm hơn 19%, tương đương khoảng 9,6 triệu cổ phiếu LSS. Quý đầu năm, kết quả kinh doanh của Mía đường Lam Sơn có phần sụt giảm. Dù vẫn đạt doanh thu trên 577 tỷ đồng, tăng khoảng 43% so với cùng kỳ năm 2012, nhưng giá vốn hàng bán, chi phí tài chính tăng mạnh, khiến lãi sau thuế của công ty còn trên 14,5 tỷ đồng, giảm hơn 60% so với ba tháng đầu năm ngoái.
Theo VnExpress