Mực nước sông dâng cao, Quảng Bình lên kế hoạch sơ tán gần 20.000 dân |
Nhà an toàn chống bão – niềm hi vọng của hộ nghèo vùng lũ
Đã hơn 60 tuổi, ở cái tuổi mà nhiều người đã thanh thơi không phải lo toan thì bà Phạm Thị Nao (SN 1949, thôn Bắc Cổ Hiền, xã Hiền Ninh, tỉnh Quảng Bình) cứ mỗi năm đến mùa mưa lại lo lắng thấp thỏm. Ở vùng rốn lũ, những gia đình có điều kiện nhà cửa kiên cố cũng phải lo lụt, huống gì gia đình bà chỉ là một hộ nghèo.
Trận mưa lũ lịch sử kéo dài từ ngày 16 – 22/10/2020 cuốn trôi hàng nghìn tỷ đồng tài sản của người dân tỉnh Quảng Bình, đặc biệt là ở vùng rốn lũ Quảng Ninh, trong đó, có gia đình bà Nao.
Nhà đã khó khăn, lại trắng tay sau lũ dù liên tục nhận được sự hỗ trợ về vật chất (nhu yếu phẩm, đồ dùng…) cũng như sự động viên của chính quyền cũng như các mạnh thường quân, tuy nhiên, bà Nao vẫn canh cánh nỗi lo những trận mưa lũ tương tự.
Bà Phạm Thị Nao và ngôi nhà nhà an toàn chống bão. |
Vì vậy, khi biết mình có tên trong danh sách những hộ gia đình được hưởng lợi từ dự án “ứng phó với thiên tai tại Việt Nam giai đoạn 2” do Chương trình Phát triển Liên hiệp quốc (UNDP) tài trợ cho tỉnh Quảng Bình bà Nao đã không giấu được xúc động. “Cả đời lam lũ, cứ đến mùa lụt lại phải chạy, phải lo. Nhưng giờ thì tôi yên tâm rồi, đến mùa mưa lũ không lo nhà bị cuốn trôi nữa, đồ đạc cũng có nơi cất lên cao để đảm bảo an toàn. Còn nước lên thì cũng chịu thôi, vì quê tôi là rốn lũ mà, biết sao được”, bà Nao chia sẻ.
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Bình – đơn vị được giao thực hiện dự án “Ứng phó với thiên tai tại Việt Nam giai đoạn 2”, dự án do UNDP tài trợ với tổng kinh phí hơn 5,633 tỷ đồng nhằm xây dựng 73 căn nhà an toàn chống bão lũ cho người dân tại các xã Thanh Thủy, Phú Thủy (huyện Lệ Thủy) và xã Hiền Ninh, Tây Ninh, Hàm Ninh, Gia Ninh (huyện Quảng Ninh), tỉnh Quảng Bình, giúp người dân từng bước phục hồi sau thiên tai thích ứng với biến đổi khí hậu và phòng chống thiên tai.
Ông Phan Phong Phú- Giám đốc sở Kế hoạch và Đầu tư Quảng Bình (bên trái) trao quà và bàn giao nhà cho một hộ dân trong dự án |
Tết đoàn viên trong những ngôi nhà “3 cứng”
Ngoài bà Nao, nhiều hộ gia đình khó khăn tại tỉnh Quảng Bình ở các xã vùng lũ thuộc huyện Quảng Ninh, Lệ Thủy cũng đã được hưởng lợi từ dự án “ứng phó với thiên tai tại Việt Nam”.
Trong trận mưa lũ lịch sử hồi năm 2020, hàng trăm nghìn ngôi nhà tại tỉnh Quảng Bình bị ngập nước, trong đó, hơn 42.000 ngôi nhà ở huyện Quảng Ninh và huyện Lệ Thủy chìm sâu dưới nước.
Với thực trạng đáng báo động vì ảnh hưởng của thiên tai, việc huy động các nguồn viện trợ không hoàn lại để xây dựng các nhà an toàn chống bão lũ giúp người dân ổn định cuộc sống, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu và phòng chống thiên tai là vô cùng cần thiết. Điều đó cũng khiến dự án “ứng phó với thiên tai tại Việt Nam” của UNDP dành cho tỉnh Quảng Bình có ý nghĩa hơn.
Sau hơn 2 năm triển khai, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Bình đã hoàn thành xây dựng 112 căn nhà an toàn chống bão lũ (bao gồm cả giai đoạn 1 và 2) theo kế hoạch của dự án, giải ngân đạt 100%.
Lễ bàn giao nhà cho một hộ dân trong dự án |
Các ngôi nhà được xây dựng đảm bảo 3 cứng (móng cứng, khung cứng và mái cứng) theo tiêu chuẩn do Bộ Xây dựng, Sở Xây dựng tỉnh Quảng Bình phối hợp thiết kế mẫu đảm bảo chắc chắn, an toàn và đủ sức chống chịu trong mùa mưa lũ.
“Dự án góp phần đảm bảo an toàn cho người dân, đặc biệt là hộ nghèo vùng lũ tại tỉnh Quảng Bình trong mùa mưa lũ. Các hộ dân hưởng lợi sẽ được đón cái Tết đoàn viên trong ngôi nhà khang trang, an toàn và ấm áp”, ông Hoàng Đức Thiện – PGĐ Sở Kế hoạch và Đầu tư nói và cho biết với mô hình nhà chống chịu bão lũ này có thể nhân rộng, áp dụng để phòng chống thiên tai tốt hơn.
Dự án Ứng phó với Thiên tai tại Việt Nam hoàn toàn phù hợp với định hướng của tỉnh Quảng Bình. Ngoài sự vào cuộc tích cực của chính quyền thì dự án nhận được sự ủng hộ và đánh giá cao, sự hài lòng của người dân trong hiệu qua tránh lỹ, nhất là các hộ dân thường xuyên bị ngập lụt, đang ở trong khu vực nguy cơ cao về thiên tai. Mở ra những hi vọng về cuộc sống an toàn hơn, tốt đẹp hơn cho các hộ nghèo vùng “rốn lũ” Quảng Bình.