Bộ Công Thương gặp mặt, tri ân các thương binh và thân nhân gia đình liệt sỹ Doanh nghiệp ngành Công Thương: Uống nước nhớ nguồn |
Nhìn lại hành trình chiến đấu, bảo vệ và xây dựng đất nước kể từ khi nước nhà giành được độc lập vào năm 1945 cho đến nay, đã có hàng triệu người con đất Việt nằm xuống nơi chiến trường hoặc bỏ lại một phần thân thể của mình vì độc lập dân tộc, vì sự bình yên của Tổ quốc. Trong sự hy sinh đó có những cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của ngành Công Thương.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên và lãnh đạo Bộ dâng hương tưởng niệm khu di tích lịch sử Bộ Công Thương tại Tuyên Quang. |
Những chiến tích hào hùng trong quá khứ
Như chúng ta đã biết, 2 cuộc kháng chiến với 2 đế quốc hùng mạnh nhất thế giới là Pháp và Mỹ kéo dài tròn 30 năm (từ 1945-1975). Trong 30 năm khốc liệt ấy là máu và nước mắt của hàng triệu triệu con dân đất Việt. Hàng triệu thanh niên ưu tú đã nghe theo tiếng gọi của Tổ quốc để lại bạn bè, gia đình, người thân, cơ quan, công sở…lên đường chống lại quân thù, dành lại độc lập, thống nhất đất nước. Cùng với đó cũng có hàng triệu triệu người ở lại hậu phương vững tay búa, tay súng, vừa chiến đấu chống lại những đợt oanh kích, càn quét khốc liệt; vừa sản xuất chi viện cho tiền tuyến, đặc biệt là cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước từ 1954-1975.
Sau kháng chiến chống Pháp (1954), Việt Nam tập trung khôi phục kinh tế, hàn gắn vết thương chiến tranh. Từ năm 1958, Việt Nam tiến hành cải tạo xã hội chủ nghĩa để đưa miền Bắc đi lên chủ nghĩa xã hội.
Theo tư liệu lịch sử, tháng 9/1960, Đại hội III của Đảng chủ trương xây dựng miền Bắc trở thành hậu phương cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng miền Nam. Theo quan điểm đó, miền Bắc đã tăng cường xây dựng các phong trào: Gió Đại Phong, Sóng Duyên Hải, Cờ Ba nhất, “Mỗi người làm việc bằng hai vì miền Nam ruột thịt”, “Tất cả vì tiền tuyến lớn miền Nam”…
Về kinh tế, với tinh thần khẩn trương, đến năm 1957, miền Bắc hoàn thành kế hoạch khôi kinh tế, hàn gắn vết thương chiến tranh. Đến năm 1960, kinh tế miền Bắc có bước phát triển mới với sự xuất hiện nhiều khu công nghiệp lớn Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định, Vinh, Thái Nguyên, Việt Trì. Từ năm 1961 - 1965, miền Bắc thực hiện hàng loạt phong trào thi đua lao động sản xuất sôi nổi ở cả lĩnh vực công nghiệp và nông nghiệp.
Từ năm 1964-1972, đế quốc Mỹ gây chiến tranh phá hoại bằng hàng loạt các cuộc không kích mang tính huỷ diệt. Ngoài đường xá, cầu cống, làng mạc, bệnh viện, trường học, các cơ sở công nghiệp như nhà máy, xí nghiệp, cơ sở kinh doanh thương mại cũng bị tàn phá nặng nề.
Theo thống kê của Mỹ, đã có 225 xí nghiệp trong tổng số 345 xí nghiệp công nghiệp trung ương và địa phương bị đánh phá nhiều lần; hàng chục nghìn toà nhà cao tầng bị oanh kích; các trung tâm kinh tế, văn hóa lớn của đất nước đều bị đánh phá ác liệt và bị tổn thất nghiêm trọng. Thế nhưng bằng tinh thần, ý chí quật cường, sức mạnh đoàn kết cùng với lời kêu gọi của Đảng, của Chủ tịch Hồ Chí Minh với quyết tâm “Dù có phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập” …hay “Chiến tranh có thể kéo dài 5 năm, 10 năm, 20 năm hoặc lâu hơn nữa. Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố, xí nghiệp, có thể bị tàn phá, song nhân dân Việt Nam quyết không sợ! Không có gì quý hơn độc lập, tự do. Đến ngày thắng lợi nhân dân ta sẽ xây dựng lại đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”.
Thống kê cho thấy, năm 1968, nhân dân miền Bắc đã chi viện cho miền Nam hơn 141 nghìn cán bộ, chiến sỹ quân đội, cán bộ dân - chính - Đảng và khoảng 72,5 nghìn tấn vật chất; năm 1969-1971 là 162,5 nghìn người và hơn 111 nghìn tấn vật chất; năm 1972 là 152.974 người; khối lượng vật chất tăng lên 1,7 lần so với 1971; năm 1973-1974, có 150 nghìn người, khoảng 379 nghìn tấn vật chất; đến giữa năm 1975 tiếp tục 110 nghìn cán bộ, chiến sỹ, với 230 tấn vật chất các loại được chuyển vào chiến trường.
Và năm 1975 bằng chiến dịch mùa Xuân lịch sử, đất nước, non sông thu về một mối.
Bộ trưởng Bộ Công Thương (thứ 2 bên trái) cùng Thủ tướng Chính phủ dâng hương tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ tại Nghĩa trang tỉnh Hậu Giang |
Đóng góp cho thắng lợi đó, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, ngoài những cán bộ, nhân viên của ngành Công Thương hoạt động trong các ngành công nghiệp như điện, dầu khí, xăng dầu, dệt may…hay thương mại ở trung ương hay địa phương… đã tình nguyện lên đường vào Nam chiến đấu, còn có những người ở lại hậu phương làm việc trên các công trình, các nhà máy, công xưởng, các cơ sở thương mại ở miền Bắc xã hội chủ nghĩa để vừa tham gia lao động sản xuất, cung ứng lương thực, thực phẩm cho tiền tuyến, vừa trực tiếp chiến đấu chống cuộc chiến tranh phá hoại của không quân Mỹ. Nhiều người đã kiên cường chiến đấu và anh dũng hy sinh ngay tại nơi làm việc.
Đơn cử như đối với ngành điện, Liệt sĩ Nguyễn Khắc Đạt – công nhân đường dây Nhà máy điện Vinh hi sinh ngay trên cột điện khi đang khắc phục sự cố do máy bay Mỹ đánh phá. Liệt sĩ Nguyễn Hồng Tý - người bảo vệ tại Nhà máy điện Uông Bí đã ôm bình cứu hỏa lao vào cứu kho dầu bị bom Mỹ đốt cháy. Liệt sĩ Hà Thị Tiến – nữ công nhân vận hành lò Nhà máy điện Thái Nguyên, dưới mưa bom, bão đạn vẫn không rời vị trí công tác...
Hay tại thành phố công nghiệp dệt may Nam Định thời đó, nhiều tấm gương chiến đấu dũng cảm, không sợ hy sinh, quyết tâm bảo vệ nhà máy, xí nghiệp. Điển hình như Phạm Sơn - công nhân vận chuyển, tự vệ Nhà máy sợi mới tình nguyện vào bộ đội thuộc Tiểu đoàn 75, nữ chiến sĩ cứu thương Nguyễn Thị Ca ...Và còn biết bao tấm gương của những người công nhân làm việc quên mình trong các nhà máy, xí nghiệp, công trường công nghiệp… đã anh dũng chiến đấu đánh trả máy bay Mỹ khi chúng xâm phạm bầu trời miền Bắc xã hội chủ nghĩa.
Theo lãnh đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam, vượt lên sự khốc liệt của chiến tranh, những người thợ điện Việt Nam không ngại hy sinh xương máu để bảo vệ dòng điện phục vụ chiến đấu và sản xuất, bám lò, bám máy đến hơi thở cuối cùng. Tinh thần ấy, ý chí ấy được hun đúc thành truyền thống và được kế thừa từ thế hệ này sang thế hệ khác, trở thành “di sản vô giá” của ngành Điện lực Việt Nam nói riêng và ngành Công Thương nói chung.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An thăm trung tâm nuôi dưỡng và phục hồi chức năng người có công tỉnh Thái Bình năm 2021 |
Đến những anh hùng thời bình
Là một ngành có vai trò chủ chốt thực hiện 2 nhiệm vụ trọng yếu là công nghiệp, thương mại, chiếm tới trên 60% GDP của đất nước, ngành Công Thương đã không từng bước vượt qua khó khăn để hoàn thành tốt nhất những nhiệm vụ mà Đảng và Nhân dân giao phó.
Và trong những nhiệm vụ đó, đã có nhiều cán bộ, công chức, người lao động ngành Công Thương vẫn tiếp tục hy sinh vì sự an toàn, an ninh của Tổ quốc, bảo vệ tính mạng của Nhân dân. Trong đó phải kể đến tấm gương hy sinh của Phó Giám đốc Sở Công Thương Nghệ An - Nguyễn Tài Dũng đã hy sinh khi tham gia ứng cứu người dân thị xã Hoàng Mai bị lũ lụt vào năm 2013.
Hay trường hợp của đồng chí Nguyễn Kim Danh, cán bộ Đội 1 Quản lý thị trường tỉnh Long An đã hy sinh khi tham gia phòng chống buôn lậu năm 2016.
Và trong cuộc chiến với đại dịch Covid-19, đồng chí Nguyễn Thành Vang, Kiểm soát viên Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 8, Cục Quản lý Thị trường TP. Hồ Chí Minh đã hy hinh vì phơi nhiễm Covid-19 khi thực hiện công vụ tăng cường trực chốt phòng chống dịch.
Dù đến nay, vì nhiều lý do, vẫn chưa có thống kê chính xác và đầy đủ về những cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của ngành Công Thương đã anh dũng hy sinh hoặc để lại 1 phần thân thể trong 2 cuộc kháng chiến trường kỳ cũng như trong quá trình xây dựng và bảo vệ tổ quốc. Song lịch sử ngành Công Thương nói riêng dù ở bất kỳ ngành nghề nào như điện lực, xăng dầu, dệt may, quản lý thị trường… và đất nước nói chung sẽ mãi mãi ghi nhớ và tôn vinh những cán bộ, người lao động kiên trung, đã anh dũng chiến đấu, hy sinh hoặc đã có công để giành lại độc lập cho Tổ quốc, cho sự bình yên của đất nước hôm nay.
Thứ trưởng Trần Quốc Khánh tặng quà tri ân các đồng chí trong Ban Liên lạc Thương binh cơ quan Bộ |
Và nghĩa tình tri ân
Thực hiện truyền thống “uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ người trồng cây”, hàng năm, Bộ Công Thương luôn tổ chức các chuyến thăm hỏi, động viên, tri ân những thương bệnh binh, thân nhân gia đình liệt sỹ, mẹ Việt Nam anh hùng, người có công với cách mạng; Tổ chức dâng hương tại các nghĩa trang trên cả nước; Tổ chức Lễ gặp mặt, thăm hỏi, tặng quà Ban Liên lạc Thương binh cơ quan Bộ và thân nhân gia đình liệt sỹ hiện đang công tác tại các đơn vị trực thuộc Công đoàn Bộ.
Và cùng chung tay với các chủ trương của Đảng, Nhà nước, hàng năm, các doanh nghiệp của ngành Công Thương ở tất cả các lĩnh vực đã triển khai hàng loạt chương trình, hoạt động ý nghĩa ở tất cả các địa phương.
Các hoạt động này đã góp phần cùng cả nước thực hiện chính sách an sinh xã hội; góp một phần nhỏ chăm lo đời sống cho những gia đình chính sách khó khăn có cuộc sống tốt đẹp hơn và tiếp thêm động lực để phát triển kinh tế. Quan trọng hơn, sự quan tâm của lãnh đạo Bộ Công Thương và những hoạt động thực tế, ý nghĩa của toàn ngành đã góp phần giáo dục truyền thống cách mạng, lòng yêu nước, tự hào dân tộc, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, công nhân viên đối với sự cống hiến, hy sinh của các thế hệ cha anh - những người đã không tiếc xương máu, hiến dâng cả tuổi thanh xuân để đem lại nền độc lập, tự do cho dân tộc, hạnh phúc cho đất nước.
Chắc chắn rằng, với bề dày lịch sử và truyền thống vẻ vang của mình, ngành Công Thương sẽ tiếp tục nỗ lực, đoàn kết, chủ động, sáng tạo vượt qua mọi khó khăn, thách thức để hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, xứng đáng với niềm tin của Đảng và Nhân dân giao phó. Và cũng là một lời tri ân thiết thực nhất với các thế hệ cha anh đi trước vì một đất nước cường thịnh, sánh vai với các cường quốc năm châu như Bác Hồ mong muốn.