Những tín hiệu tích cực của ngành bán hàng đa cấp – Góc nhìn từ cơ quan quản lý
Bán hàng đa cấp rất tiện lợi vì giúp người mua hàng có thể trực tiếp mua hàng mà không thông qua các cửa hàng bán lẻ hay đại lý trung gian, điều này giúp tiết kiệm chi phí cho doanh nghiệp và cho cả người tiêu dùng. Thêm vào đó, người mua hàng có thể trở thành kênh phân phối trực tiếp và thu được lợi nhuận thông qua việc giới thiệu sản phẩm cho người thân, bạn bè của mình và mọi người xung quanh. Hình thức kinh doanh này còn có một ưu điểm là tiết kiệm được một khoản chi phí khổng lồ vào việc quảng cáo trên báo, trên tivi hay các địa điểm công cộng.
Trong những năm gần đây, công tác quản lý nhà nước về hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp tại Việt Nam được đánh giá đã đạt nhiều kết quả tích cực. Từ diễn biến phức tạp gây ảnh hưởng tới trật tự xã hội vào những năm 2016 trở về trước, đến nay, hoạt động bán hàng đa cấp đã và đang từng bước ổn định, không còn các vụ việc gây hậu quả nghiêm trọng, doanh thu ngành tăng đều và các doanh nghiệp có những đóng góp nhất định vào ngân sách nhà nước. Các con số thống kê về số lượng doanh nghiệp bán hàng đa cấp, số lượng người tham gia bán hàng đa cấp, doanh thu ngành, mức hoa hồng, tiền thưởng của ngành, mức đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp bán hàng đa cấp vào ngân sách nhà nước, số lượng khiếu nại của người tham gia bán hàng đa cấp, các hành vi vi phạm bị xử lý… đã minh chứng cho kết quả này, cụ thể:
Một là, sự thanh lọc các doanh nghiệp yếu kém, vi phạm nghiêm trọng
Trong giai đoạn 2015-2019, số lượng doanh nghiệp bán hàng đa cấp tại Việt Nam có xu hướng giảm mạnh từ 67 doanh nghiệp vào thời điểm cuối năm 2015 xuống chỉ còn 26 doanh nghiệp vào cuối năm 2019. Trung bình mỗi năm trong giai đoạn này, số lượng doanh nghiệp bán hàng đa cấp giảm khoảng 23,7%. Đến nay, cả nước chỉ còn 21 doanh nghiệp bán hàng đa cấp đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp và đang hoạt động.
Hai là, doanh thu ngành bán hàng đa cấp tăng trưởng đều
Ngược lại với xu hướng giảm mạnh về số lượng doanh nghiệp, số liệu thống kê về doanh thu bán hàng đa cấp tại Việt Nam giai đoạn 2015 – 2019 lại cho thấy xu hướng tăng trưởng mạnh mẽ, với tốc độ tăng trưởng bình quân trong giai đoạn 16,9%, thuộc top 5 quốc gia có tốc độ tăng trưởng về doanh thu bán hàng đa cấp mạnh mẽ nhất thế giới. Tỷ lệ nghịch giữa tăng trưởng doanh thu bán hàng đa cấp và biến động số lượng doanh nghiệp bán hàng đa cấp trên thị trường đã phần nào phản ánh được sự phát triển dần đi vào chiều sâu và chất lượng của lĩnh vực bán hàng đa cấp tại Việt Nam trong thời gian vừa qua.
Có thể thấy, các quy định ngày càng chặt chẽ vừa giúp cơ quan nhà nước loại bỏ các doanh nghiệp bán hàng đa cấp bất chính nhưng cũng đồng thời giúp củng cố vị trí của các doanh nghiệp bán hàng đa cấp chân chính trên thị trường, qua đó tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển bền vững của ngành kinh doanh bán hàng đa cấp tại thị trường Việt Nam.
Ba là, công tác truyền thông đã phát huy hiệu quả
Bên cạnh các con số thống kê ấn tượng, không thể không nhắc đến nỗ lực của Bộ Công Thương trong công tác tuyên truyền tới người dân về pháp luật quản lý hoạt động bán hàng đa cấp, các dấu hiệu nhận biết bán hàng đa cấp trái phép, các hành vi bán hàng đa cấp bất chính, cảnh báo kịp thời các mô hình kinh doanh mới xuất hiện trên thị trường có dấu hiệu lợi dụng phương thức kinh doanh đa cấp để trục lợi, lừa đảo người dân… Đặc biệt việc cảnh báo 8 dấu hiệu để nhận diện một đa cấp lừa đảo gồm: Người bán hàng thường yêu cầu người tham gia đặt cọc và phải mua lượng hàng hóa ban đầu hoặc trả tiền để tham gia vào mạng lưới của DN bán hàng đa cấp; Không cam kết mua lại hàng hóa trong thời gian luật định và không cam kết mua lại với giá tối thiểu 90% mức đã bán; Cho hưởng lợi ích kinh tế chủ yếu từ việc dụ dỗ người khác tham gia mạng lưới; Cung cấp các thông tin sai lệch về lợi ích tham gia mạng lưới và hàng hóa để dụ dỗ người khác bán hàng đa cấp; Lợi nhuận không phát sinh từ việc bán hàng mà chủ yếu từ việc tuyển dụng người tham gia; Khuyến khích, dạy người khác tuyển người bằng việc hứa trả tiền thưởng; Bảy Không quan tâm tới hàng hóa, hàng hóa chỉ để tượng trưng, không có giá trị sử dụng và khó tìm thấy để so sánh trên thị trường; Buộc và hối thúc người tham gia mua hàng mặc dù biết hàng có nhiều khả năng không bán được. Những dấu hiệu đã được tuyên truyền sâu rộng trong các văn bản pháp luật để đảm bảo cho lợi ích của người dân được bảo vệ tốt nhất.
Các hình thức tuyên truyền được thực hiện đa dạng cả về nội dung, hình thức, đối tượng hướng tới. Thời gian qua, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng – Bộ Công Thương đã triển khai một loạt các hoạt động tuyên truyền có ý nghĩa: phối hợp với các báo điện tử, báo giấy, báo hình, kênh truyền thông như VTV, VOV, tổ chức tọa đàm trực tuyến để cung cấp đến người dân những thay đổi liên quan đến công tác quản lý và môi trường pháp lý trong lĩnh vực bán hàng đa cấp, cảnh báo người dân thận trọng trước khi quyết định tham gia bán hàng đa cấp; xây dựng video clip nhận diện hoạt động bán hàng đa cấp bất chính dành cho đối tượng người tham gia bán hàng đa cấp và video clip phổ biến kiến thức pháp luật dành cho đối tượng doanh nghiệp bán hang đa cấp; xây dựng cuốn Sổ tay Hỏi đáp pháp luật về kinh doanh theo phương thức đa cấp; xây dựng mới trang thông tin quản lý hoạt động bán hàng đa cấp theo hướng cung cấp minh bạch, đầy đủ thông tin về quản lý hoạt động bán hàng đa cấp tại Việt Nam cho mọi đối tượng, tăng tối đa tương tác trong quản lý bán hàng đa cấp giữa cấp TW và địa phương; xây dựng ứng dụng cung cấp thông tin về quản lý bán hàng đa cấp trên nền tảng android; xây dựng trang thông tin quản lý hoạt động bán hàng đa cấp trên mạng xã hội facebook…
Nhờ đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, cảnh báo, nhận thức của người dân về hoạt động bán hàng đa cấp trong thời gian qua đã được cải thiện đáng kể. Đến nay, nhiều người dân đã ý thực được các rủi ro khi tham gia vào các hoạt động bán hàng đa cấp biến tướng, từ đó có tâm lý đề phòng trước các lời dụ dỗ. Nhiều người dân cũng đã ý thức được bán hàng đa cấp không phải là một hình thức đầu tư hay một phương thức làm giàu dễ dàng.
Những kết quả đạt được phần nào khẳng định hiệu quả của các biện pháp đồng bộ mà Bộ Công Thương đã thực hiện trong thời gian qua. Nhằm tạo lập và duy trì môi trường kinh doanh bán hàng đa cấp lành mạnh, phát triển ổn định, trong thời gian tới, Bộ Công Thương vẫn phải tiếp tục duy trì và đẩy mạnh các biện pháp quản lý đã thực hiện hiệu quả trong thời gian vừa qua như hoàn thiện pháp luật điều chỉnh lĩnh vực, nâng cao hiệu quả kiểm tra, xử lý vi phạm, đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, cảnh báo nâng cao nhận thức và ý thức của người dân. Công tác quản lý bán hàng đa cấp cần sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ, thống nhất của các Bộ, ngành, các cơ quan đơn vị liên quan từ Trung ương đến địa phương.
Đồng thời, quan điểm quản lý cũng phải đảm bảo phù hợp với chủ trương chung của Chính phủ về tăng cường thu hút đầu tư, tạo điều kiện tối đa cho các doanh nghiệp bán hàng đa cấp chân chính hoạt động sản xuất kinh doanh, tháo gỡ các rào cản về pháp lý nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp tối đa hiệu quả sản xuất kinh doanh, đóng góp chung vào sự phát triển của nền kinh tế đất nước.