Niềm vui từ những chuyến hàng Việt
Phiên chợ Việt tại Khu công nghiệp Bắc Thăng Long, Hà Nội tạo sức hút lớn với công nhân KCN |
Rộn ràng mua sắm
Không khí tấp nập, nhộn nhịp người mua kẻ bán, tiếng nói, tiếng cười hỏi han nhau ríu rít tại những phiên chợ Việt, chuyến bán hàng Việt tổ chức tại các huyện ngoại thành Hà Nội như: Đan Phượng, Ba Vì, Quốc Oai, Mỹ Đức… dễ khiến mọi người liên tưởng đến các phiên chợ quê ngày Tết. Có trực tiếp đến những chương trình này, tận mắt thấy người dân háo hức mua sắm, lượng khách đến mua hàng từ sáng tới tối rất đông, mới thấy sức lan tỏa của hàng Việt đến với các làng quê ngoại thành mạnh mẽ đến thế nào.
Cũng nhộn nhịp tấp nập người mua bán như những phiên chợ Việt trước đó, nhưng phiên chợ Việt tại Khu công nghiệp Bắc Thăng Long, Hà Nội còn đông vui hơn và trở thành sự kiện nổi bật thu hút người lao động trên địa bàn và vùng lân cận, mang đến cho người lao động, người dân không khí vui tươi nhân dịp lễ Giáng sinh 2016. Chia sẻ với chúng tôi, nhiều công nhân tỏ ra phấn khởi và mong muốn, sẽ có nhiều hơn những phiên chợ Việt. Bởi theo họ, những nơi này vẫn còn ít siêu thị, trung tâm thương mại, nên thường ngày, người dân toàn phải mua đồ tại các đại lý, hàng hóa không thể phong phú và bảo đảm như mua tại những phiên chợ Việt.
Cơ hội quảng bá hàng Việt
Theo Phó giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan, Hà Nội triển khai Chương trình Phiên chợ Việt tại các khu công nghiệp nhằm phục vụ tốt và đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của công nhân, người lao động. Đây cũng là dịp để người tiêu dùng tiếp cận và sử dụng hàng hóa Việt, góp phần bình ổn thị trường, an sinh xã hội trên địa bàn; đồng thời, tạo sợi dây kết nối giữa doanh nghiệp (DN) Việt với người tiêu dùng tại khu vực ngoại thành, khu công nghiệp, khu chế xuất được bền chặt.
Đại diện các DN đều cho rằng, những phiên chợ Việt đã giúp họ tiếp cận người lao động tại khu công nghiệp. Việc bán lẻ sản phẩm đến tận tay bà con, người lao động tại phiên chợ Việt giúp quảng bá sản phẩm hiệu quả, từ đó điều chỉnh sản phẩm phù hợp với người tiêu dùng. Đây cũng là dịp để DN tìm hiểu, thăm dò, điều chỉnh kênh phân phối, mở rộng hệ thống đại lý, phân phối sản phẩm.
Theo bà Trần Thị Phương Lan, những phiên chợ Việt đã chứng tỏ hiệu quả trong việc hỗ trợ DN tăng doanh thu, giúp người sản xuất có đầu ra ổn định. Quan trọng hơn, hoạt động này tạo cơ hội cho sản phẩm Việt chiếm được tình cảm và sự tin cậy của người tiêu dùng, đồng thời giúp DN điều chỉnh sản xuất kinh doanh phù hợp với thị hiếu tiêu dùng của người dân. Tuy nhiên, để hàng Việt chiếm lĩnh sâu hơn thị trường nội địa, bên cạnh sự nỗ lực của ngành Công Thương, bản thân DN cần đẩy mạnh hơn việc phát triển hệ thống phân phối tại các khu công nghiệp, khu chế xuất.
Trong năm 2016, Sở Công Thương Hà Nội đã tổ chức 6 Tuần hàng Việt, 22 phiên chợ Việt và trên 350 chuyến bán hàng lưu động trên địa bàn các huyện ngoại thành, khu công nghiệp, khu chế xuất, tạo điều kiện cho bà con nông dân, công nhân lao động tiếp cận với hàng Việt với chủng loại đa dạng, chất lượng bảo đảm, giá hợp lý. |