CôngThương - Giá trị sản xuất công nghiệp ngoài Nhà nước tăng từ 1.315,6 tỷ đồng (năm 2005) lên 4.373,2 tỷ đồng (năm 2009), riêng 9 tháng đầu năm 2010 đạt gần 4.388 tỷ đồng. Kim ngạch xuất khẩu địa phương tăng từ 13,26 triệu USD (năm 2005) lên 63,6 triệu USD (năm 2009), 9 tháng đầu năm 2010 đạt 53,4 triệu USD. Số cơ sở sản xuất công nghiệp từ 21.466 cơ sở (năm 2005) đến nay tăng lên khoảng trên 40.000 cơ sở. Ngành nghề chủ yếu sản xuất các mặt hàng về cói, thêu ren, chế tác đá mỹ nghệ và sản xuất vật liệu xây dựng nhằm phục vụ cho thị trường nội địa và xuất khẩu; sản xuất cơ khí nhỏ chủ yếu phục vụ cho nhu cầu tại chỗ. Để phát triển công nghiệp nông thôn, Tỉnh uỷ đã ban hành nghị Quyết số 04 về đẩy mạnh phát triển trồng, chế biến cói, thêu ren và chế tác đá mỹ nghệ, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết hàng năm trích 1 tỷ đồng từ nguồn ngân sách địa phương để thực hiện hoạt động khuyến công.
Tổng kinh phí dành cho hoạt động khuyến công giai đoạn 2005-2009 trên địa bàn là 9.046,8 triệu đồng, trong đó kinh phí khuyến công quốc gia là 5.077,5 triệu đồng, kinh phí khuyến công địa phương là 3.969,3 triệu đồng. Số đề án được hỗ trợ là 123 đề án, trong đó 87 đề án từ nguồn khuyến công địa phương và 36 đề án từ nguồn khuyến công quốc gia. Tổng số lao động được đào tạo từ hoạt động khuyến công là 10.029 người. Nguồn kinh phí khuyến công đã thực sự mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội rõ rệt, khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư vào phát triển công nghiệp nông thôn, giải quyết việc làm cho nhiều lao động, góp phần xoá đói, giảm nghèo. Các đơn vị được thụ hưởng từ nguồn kinh phí khuyến công đã thực hiện đầu tư đủ nguồn kinh phí để hoàn thành đề án. Giai đoạn 2005-2009, tổng nguồn kinh phí đối ứng của các đơn vị thụ hưởng nguồn kinh phí khuyến công là 46.321 triệu đồng. Nguồn kinh phí khuyến công có hiệu quả, đúng mục đích; các doanh nghiệp, hợp tác xã sau khi được hỗ trợ từ nguồn kinh phí khuyến công quy mô sản xuất được mở rộng, chất lượng, hình thức mẫu mã của sản phẩm được nâng cao, sản xuất kinh doanh phát triển.
Trong thời gian tới, hoạt động khuyến công Ninh Bình sẽ tiếp tục tập trung hỗ trợ, tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân thuộc mọi thành phần kinh tế đầu tư sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển sản xuất công nghiệp nông thôn một cách bền vững, góp phần vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở nông thôn theo hướng công nghiệp hoá. Trọng tâm là đẩy mạnh phát triển các ngành nghề thủ công mỹ nghệ như thêu ren, cói, chế tác đá mỹ nghệ; đồng thời hỗ trợ các cơ sở công nghiệp nông thôn đầu tư chuyển giao công nghệ mới, đầu tư sản xuất mặt hàng mới, sản xuất từ nguồn nguyên liệu của địa phương và thực hiện sản xuất gắn liền với bảo vệ môi trường.