Tạo động lực mới cho sản xuất công nghiệp Dự án 1.000 tỷ sản xuất linh kiện bán dẫn chọn Ninh Bình đặt nhà máy |
Thành quả từ những nỗ lực
Ninh Bình là một trong số ít địa phương trên cả nước đạt kết quả tăng trưởng sản xuất công nghiệp dương năm 2023. Số liệu từ Sở Công Thương Ninh Bình cho thấy, giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh năm 2023 ước đạt 102.893,2 tỷ đồng, tăng 3,4% so với năm trước.
Trong đó, công nghiệp khai khoáng đạt 575,8 tỷ đồng, tăng 10,0%; công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 100.867,1 tỷ đồng, tăng 3,4%; sản xuất, phân phối điện đạt 1.121,4 tỷ đồng, tăng 4,8%; cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải đạt 328,9 tỷ đồng, tăng 8,6%.
Các sản phẩm công nghiệp có mức sản xuất tăng khá, gồm: Đá các loại 3,6 triệu m3, tăng 8,6%; thép cán các loại 264,4 nghìn tấn, tăng 9,9%; linh kiện điện tử 109,4 triệu cái, tăng 9,6%; kính máy ảnh 2,4 triệu cái, gấp 2,1 lần...
Dây chuyền sản xuất sản phẩm kính tại Nhà máy kính tiết kiệm năng lượng chất lượng cao CFG Ninh Bình (KCN Khánh Cư, Yên Khánh). Ảnh: Anh Tuấn |
Nhìn nhận về kết quả đạt được trong năm qua, lãnh đạo Sở Công Thương Ninh Bình cho hay là nhờ sự chỉ đạo sát sao của các cấp chính quyền địa phương. Năm 2023, Sở Công Thương đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Đề án cơ cấu lại ngành công nghiệp tỉnh Ninh Bình đến năm 2030, định hướng đến năm 2035, Quy chế quản lý cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Ninh Bình. Xây dựng kế hoạch và tổ chức thành công Hội nghị thu hút đầu tư lĩnh vực công nghiệp trên địa bàn tỉnh Ninh Bình năm 2023.
Thường xuyên, kịp thời phối hợp với Ban quản lý các khu công nghiệp, UBND các huyện, thành phố nắm bắt tình hình đầu tư xây dựng hạ tầng, hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp và ngoài khu, cụm công nghiệp để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, phục hồi và phát triển sản xuất.
Cùng đó, kịp thời triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ khu vực khu công nghiệp, cụm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp phát triển.
Dù vậy, phát triển công nghiệp năm vừa qua, theo đại diện Sở Công Thương Ninh Bình còn nhiều điểm hạn chế. Trong đó, việc triển khai một số dự án trong cụm công nghiệp còn chậm so với tiến độ được cấp có thẩm quyền phê duyệt; có cụm công nghiệp chưa chấp hành đầy đủ quy định về bảo vệ môi trường bị xử lý.
Một số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh lượng hàng tồn kho tăng, nhu cầu nhập khẩu của các thị trường lớn suy giảm, doanh nghiệp không có đơn hàng mới dẫn đến hoạt động xuất khẩu trên địa bàn tỉnh gặp nhiều khó khăn, nhiều mặt hàng xuất khẩu của tỉnh sụt giảm so với cùng kỳ năm 2022 và không đạt kế hoạch năm 2023.
Chưa hoàn thành việc tham mưu xác định hướng tuyến đường dây 220kV Gia Viễn - Nam Định phục vụ cho việc di dời trạm biến áp 220KV Ninh Bình.
Quyết liệt triển khai các giải pháp, hoàn thành mục tiêu lớn
Với những điểm hạn chế đã chỉ ra, năm 2024 ngành Công Thương Ninh Bình quyết tâm khắc phục, đồng thời đặt ra những mục tiêu lớn cho ngành. Riêng với công nghiệp, Ninh Bình đặt mục tiêu giá trị sản xuất công nghiệp phấn đấu đạt 111.816 tỷ đồng, tăng 8,7% so với ước thực hiện năm 2023.
Bên cạnh đó, Ninh Bình cũng đặt ra những nhiệm vụ cũng là giải pháp quan trọng nhằm hoàn thành mục tiêu đề ra.
Theo đó, địa phương tham mưu UBND tỉnh ban hành Đề án “Phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao, thân thiện môi trường dựa trên năng lực kết nối doanh nghiệp nước ngoài với doanh nghiệp trong nước, đồng bộ hóa giữa phát triển công nghiệp, dịch vụ và đô thị”.
Tiếp tục phối hợp với các Sở, ngành và UBND các huyện, thành phố triển khai các biện pháp giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng đối với các dự án: Đầu tư xây dựng hạ tầng Cụm công nghiệp Khánh Hải I, Khánh Hải II, CCN Trung Sơn,…Tăng cường theo dõi, thường xuyên cập nhật thông tin, tình hình tiến độ, các khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện các dự án thứ trong các cụm công nghiệp. Chủ động làm việc với các nhà đầu tư thứ cấp và nhà đầu tư hạ tầng để làm rõ nguyên nhân khách quan, nguyên nhân chủ quan, đề xuất cụ thể phương án giải quyết và báo cáo UBND tỉnh biện pháp xử lý.
Tăng cường công tác xúc tiến đầu tư, tập trung vào các ngành, lĩnh vực công nghiệp then chốt theo định hướng thu hút đầu tư của tỉnh như dự án đầu tư sản xuất, lắp ráp ô tô, điện tử và sản phẩm phụ trợ ngành sản xuất, lắp ráp ô tô, điện tử, chế biến nông sản thực phẩm…
Tham mưu làm tốt công tác cung ứng, tiết kiệm điện và an toàn điện,... đảm bảo đáp ứng tốt nhu cầu sản xuất, đời sống sinh hoạt của nhân dân, các sự kiện chính trị của tỉnh.
Tiếp tục triển khai thực hiện tốt Chương trình khuyến công quốc gia và địa phương, Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ, Chương trình xúc tiến thương mại quốc gia và địa phương trong năm 2024.
Tiếp tục rà soát, cắt giảm thủ tục hành chính, đẩy mạnh thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, tổ chức và doanh nghiệp. Triển khai thực hiện các giải pháp nhằm nâng cao chỉ số cải cách hành chính của Sở năm 2024…