Ninh Thuận cần xác định rõ trụ cột để phát triển, trong đó có năng lượng tái tạo
Cùng tham dự cuộc làm việc có các đồng chí: Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn; Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên; Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng; Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà; Thượng tướng Võ Minh Lương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng; Bí thư Tỉnh ủy Ninh Thuận Nguyễn Đức Thanh; đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành, cơ quan Trung ương.
Xây dựng Ninh Thuận trở thành trung tâm năng lượng tái tạo của cả nước
Năm 2021, trong bối cảnh khó khăn chung của cả nước, theo báo cáo của tỉnh Ninh Thuận, một số lĩnh vực của tỉnh đã có chuyển biến tích cực, đưa Ninh Thuận trở thành điểm sáng trong khu vực.
Nổi bật là GRDP tăng 9%, đứng thứ tư cả nước, đứng đầu vùng Bắc Trung Bộ và Duyên Hải Miền Trung, quy mô nền kinh tế gấp 1,15 lần so với năm 2020. Sản xuất nông nghiệp tăng 5,98% thể hiện vai trò bệ đỡ của nền kinh tế.
Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu tỉnh Ninh Thuận cần tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả của nền kinh tế. |
Đặc biệt, chỉ số sản xuất công nghiệp IIP tăng 24,6% của Ninh Thuận đứng đầu cả nước, năng lượng tái tạo tăng trưởng cao, tăng 59,8% tiếp tục làm đầu tàu tăng trưởng cho toàn ngành, đóng góp 6,84% tăng trưởng chung.
Nhiều dự án động lực quy mô lớn được Ninh Thuận đẩy nhanh tiến độ như Cảng Cà Ná có thể tiếp nhận tàu 100.000 tấn; các dự án du lịch; 11 dự án năng lượng tái tạo hoàn thành với tổng công suất hòa lưới 447,7MW.
Đến cuối năm 2021, tỉnh Ninh Thuận có 49 dự án năng lượng tái tạo với tổng công suất khoảng 3.035 MW vận hành thương mại với quy mô nguồn điện năng lượng tái tạo lớn nhất cả nước, phát điện trên 4,7 tỷ kWh, đóng góp lớn cho tăng trưởng kinh tế của tỉnh.
Riêng trong quý I năm 2022, kết cấu hạ tầng thiết yếu tiếp tục được Ninh Thuận tập trung đầu tư, nhất là hoàn thành bến 1A Cảng tổng hợp Cà Ná đưa vào khai thác trong Quý II/2022, sẽ tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội tỉnh trong giai đoạn tới…
Bên cạnh đó, việc thực hiện Nghị quyết số 115/NQ-CP ngày 31/8/2018 của Chính phủ về một số cơ chế, chính sách đặc thù hỗ trợ tỉnh Ninh Thuận đã góp phần biến những khó khăn, thách thức của tỉnh thành tiềm năng, lợi thế cạnh tranh, thu hút mạnh mẽ nguồn lực đầu tư, nhất là chủ trương xây dựng Ninh Thuận trở thành trung tâm năng lượng tái tạo của cả nước đã thu hút được nhiều nhà đầu tư lớn, chiến lược, tạo sức lan tỏa trong việc thu hút đầu tư vào các lĩnh vực trọng điểm, đột phá như cảng biển, du lịch, công nghiệp, hạ tầng đô thị.
Xác định rõ trụ cột để phát triển
Ghi nhận, biểu dương, đánh giá cao những thành tựu, kết quả của tỉnh trong năm 2021 và quý I năm 2022, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, dự báo tình hình thời gian tới sẽ có khó khăn, thách thức nhiều hơn thời cơ và thuận lợi, tỉnh Ninh Thuận cần chuẩn bị để sẵn sàng thích ứng với mọi hoàn cảnh.
Đồng thời, Thủ tướng nhấn mạnh thêm, tư tưởng chỉ đạo là phải tiếp tục đổi mới với tư duy đột phá, tầm nhìn chiến lược, tạo động lực mới, cảm hứng mới, không gian mới để phát triển. Cùng với việc phát huy những thành quả, tiềm năng đã có, phát huy tối đa tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh, cần phải chủ động tạo ra những cơ hội phát triển mới từ khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo.
Trong quá trình phát triển, dứt khoát không hy sinh tiến bộ, công bằng xã hội để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần, lấy con người là trung tâm và là chủ thể, là mục tiêu, là động lực phát triển, không để ai bị bỏ lại phía sau.
Về các nhiệm vụ cụ thể, trong đó, Thủ tướng yêu cầu tỉnh Ninh Thuận cần tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả của nền kinh tế. Coi trọng công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức Đảng và đảng viên.
Đặc biệt, xác định rõ trụ cột để phát triển như năng lượng tái tạo, dịch vụ, du lịch, công nghiệp phụ trợ cho năng lượng tái tạo, công nghiệp hóa chất. Tiếp tục xây dựng, bổ sung quy hoạch với tư duy đột phá, tầm nhìn chiến lược, phát huy các tiềm năng, lợi thế sẵn có, hóa giải các thách thức, khắc phục các hạn chế, yếu kém.
Thủ tướng yêu cầu Ninh Thuận sử dụng hiệu quả nguồn lực nhà nước, đẩy mạnh giải ngân đầu tư công, lấy nguồn lực Nhà nước dẫn dắt và kích hoạt mọi nguồn lực xã hội, đẩy mạnh hợp tác công tư, huy động hiệu quả mọi nguồn lực để phát triển, mạnh dạn cắt bỏ những dự án chưa cần thiết, tránh dàn trải, chia cắt, manh mún gây kéo dài, chậm tiến độ, dồn nguồn vốn tập trung cho các dự án lớn, trọng tâm, trọng điểm, có tác động lan tỏa, lâu dài, tạo sự chuyển biến rõ nét về hạ tầng kinh tế - xã hội.
Ngoài ra, Thủ tướng cũng lưu ý tỉnh Ninh Thuận phát triển kinh tế biển toàn diện hơn, đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục ngư dân tiếp tục góp phần bảo vệ độc lập, chủ quyền, không đánh bắt thủy sản bất hợp pháp.
Ninh Thuận có diện tích (cả biển và đất liền) rộng, dân thưa, nắng và gió đặc biệt với tốc độ gió lớn nhất cả nước (trung bình 7,5m/s), số giờ nắng trung bình trong ngày cao nhất cả nước (7,7 giờ mỗi ngày) với cường độ lớn. Tỉnh còn có tiềm năng lớn về du lịch, nằm ở ngã ba vùng trọng điểm du lịch quốc gia (Đà Lạt - Phan Rang - Nha Trang); giàu truyền thống văn hóa, lịch sử, cách mạng, có nhiều bãi tắm đẹp, nổi tiếng (Ninh Chữ, Cà Ná, Vĩnh Hy, Bình Tiên, Mũi Dinh và Nam Cương) gắn với các vùng sinh thái đặc thù. Vườn quốc gia Núi Chúa. |