CôngThương - Theo thống kê của Sở Công Thương tỉnh Ninh Thuận, trên địa bàn tỉnh hiện có 4 hợp tác xã TTCN, 9 DN và 5.610 cơ sở sản xuất (CSSX) công nghiệp nông thôn tập trung vào các ngành nghề: chế biến thực phẩm, đồ uồng, sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn, hàng thủ công mỹ nghệ, dệt, da... Tổng nguồn vốn sản xuất kinh doanh của khu vực kinh tế này là 136,363 tỷ đồng. Còn ở khu vực làng nghề, trong tỉnh có một số làng nghề truyền thống khá nổi tiếng với doanh thu trung bình hàng năm của mỗi làng nghề đạt khoảng 10 tỷ đồng như: làng nghề dệt thổ cẩm Mỹ Nghiệp, Chung Mỹ, làng nghề gốm Bàu Trúc, làng nghề dệt chiếu cói An Thạnh... và một số nghề mới được du nhập như: chế biến nước mắm, chế biến cá hấp, sản xuất đũa gỗ... cũng phát triển khá mạnh. Các ngành nghề TTCN&LN của tỉnh được phân bố đồng đều và rộng khắp trên địa bàn, góp phần quan trọng vào sự phát triển nền kinh tế chung của tỉnh. Ngoài ra, ngành TTCN&LN còn tạo ra nhiều việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, rút ngắn khoảng cách phát triển giữa nông thôn và thành thị. Tuy nhiên, hoạt động sản xuất kinh doanh ở khu vực này chủ yếu là hình thức kinh tế hộ gia đình, quy mô nhỏ lẻ, năng suất thấp, khả năng cạnh tranh không cao...
Nhằm khắc phục những hạn chế này của ngành TTCN&LN, đồng thời khai thác những thế mạnh về nguồn nguyên liệu, tay nghề của người lao động và tiềm năng về du lịch, UBND tỉnh Ninh Thuận đã quyết định ban hành đề án “phát triển ngành nghề tiểu thủ công nghiệp và làng nghề đến năm 2020”. Theo đó, mục tiêu chung của đề án là phát triển ngành nghề TTCN&LN theo hướng hiện đại, sản xuất hàng hóa lớn, có năng suất và chất lượng sản phẩm, có khả năng cạnh tranh cao; Kết hợp du lịch làng nghề với sinh hoạt văn hóa - dân tộc, bảo tồn các lễ hội truyền thống, bản sắc văn hóa các dân tộc để từng bước phát triển làng nghề gắn với phát triển du lịch; Phấn đấu đến năm 2020 trên địa bàn mỗi huyện, thành phố hình thành từ 3-5 làng nghề, xây dựng từ 2-3 thương hiệu sản phẩm đặc thù; Giá trị sản xuất khu vực công nghiệp nông thôn đạt 1.400 tỷ đồng, tạo việc làm cho 12.000 lao động và thu nhập bình quân đạt 3 triệu đồng/người/tháng...
Để đảm bảo cho đề án được thực hiện một cách hiệu quả và hoàn thành những mục tiêu đã đề ra, UBND tỉnh Ninh Thuận sẽ dành nhiều ưu đãi cho các DN, nhà đầu tư đầu tư vào ngành TTCN&LN của tỉnh.
Về đầu tư, tín dụng, UBND tỉnh sẽ dùng ngân sách địa phương hoặc ngân sách nhà nước hỗ trợ một phần kinh phí xây dựng cơ sở hạ tầng, xử lý môi trường cho các làng nghề, cụm - điểm công nghiệp để đáp ứng nhu cầu phát triển nghành TTCN; hỗ trợ một phần kinh phí cho các CSSX hiện gây ô nhiễm môi trường di dời vào khu quy hoạch; hỗ trợ và khuyến khích các DN quản lý môi trường theo tiêu chuẩn ISO:14.000, sử dụng và sản xuất các loại sản phẩm thân thiện với môi trường...
Về mặt bằng sản xuất, UBND tỉnh sẽ hỗ trợ giải phóng mặt bằng, hỗ trợ diện tích đất phù hợp cho việc di dời các CSSX đòi hỏi mặt bằng sản xuất lớn, dễ gây ô nhiễm môi trường ra khỏi khu dân cư. UBND tỉnh cũng khuyến khích các tổ chức, cá nhân xây dựng kết cấu hạ tầng làng nghề, cụm - điểm công nghiệp để tạo quỹ đất đủ đảm bảo mặt bằng cho dự án đầu tư thuận lợi, sản xuất ổn định và bền vững cho phát triển ngành TTCN&LN.
UBND tỉnh cũng khuyến khích các DN, CSSX áp dụng tiến bộ khoa học, công nghệ hiện đại, công nghệ sạch vào sản xuất, xử lý môi trường... Đồng thời, tỉnh cũng chú trọng phân bổ nguồn ngân sách thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học của tỉnh để hỗ trợ ứng dụng công nghệ mới, hoàn thiện sản phẩm nghiên cứu có khả năng thương mại hóa... Hỗ trợ xây dựng các mô hình trình diễn kỹ thuật mới phục vụ cho sản xuất để hiện đại hóa công nghệ sản xuất truyền thống và tập trung vào những ngành nghề địa phương có lợi thế như: nghề cơ khí, chế biến nông – lâm - thủy sản, sơ chế nguyên liệu cho ngành TTCN...
Việc phát triển nguồn nhân lực cũng sẽ là một trong những vấn đề trọng tâm được UBND tỉnh chú trọng thực hiện để tạo điều kiện cho ngành TTCN&LN của tỉnh phát triển. Tỉnh sẽ thường xuyên thực hiện các đề án đào tạo nghề tại chỗ cho lao động khu vực nông thôn, đổi mới chương trình đào tạo cho phù hợp với ngành nghề và lứa tuổi lao động, đặc biệt chú trọng tới những ngành nghề truyền thống và ngành nghề địa phương có lợi thế... nhằm khuyến khích người dân khu vực nông thôn tham gia học nghề, cải thiện cuộc sống ...
Với nguồn vốn đầu tư cho đề án này là hơn 2.400 tỷ đồng, hy vọng thời gian tới các ngành nghề TTCN&LN của tỉnh Ninh Thuận sẽ có những bước phát triển vượt bậc, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội chung của tỉnh.