Nỗ lực hoàn thành nhiều mục tiêu ngay trong tháng đầu năm
Tin hoạt động 01/02/2016 17:13
Đảm bảo đủ hàng, không sốt giá
Ông Võ Văn Quyền - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước - chia sẻ, để chuẩn bị hàng hóa cho dịp Tết Bính Thân, trong tháng 1/2016, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ban hành Chỉ thị số 18 về việc thực hiện các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường cuối năm 2015 và dịp Tết Nguyên đán Bính Thân 2016. Bộ Công Thương cũng triển khai hàng loạt giải pháp chỉ đạo điều hành các địa phương thực hiện mục tiêu đảm bảo hàng hóa cho dịp Tết.
Theo dự báo của Bộ Công Thương, do đặc thù dịp Tết Bính Thân được nghỉ 9 ngày, sức mua tăng lên nên hầu hết các địa phương đã có phương án dự trữ, chuẩn bị hàng hóa cho dịp Tết.
Đảm bảo hàng hóa cho dịp Tết (Ảnh: Cấn Dũng) |
Theo bà Lê Ngọc Đào - Phó giám đốc Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh, để đảm bảo hàng hóa cho dịp Tết, Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh đã thực hiện chương trình bình ổn thị trường có gắn kết với các tỉnh, thành khu vực Đông và Tây Nam Bộ. Đây cũng là năm thứ 3 TP. Hồ Chí Minh không ứng vốn ngân sách cho công tác bình ổn thị trường. Lượng hàng bình ổn hiện chiếm khoảng 30-40% thị trường. Trong đó, hàng từ các tỉnh về chợ đầu mối chiếm khoảng 60%. Việc siêu thị trên địa bàn luân phiên thực hiện khuyến mãi từ 5-49% giúp sức mua tăng đến 30-40% so với ngày thường.
Để hàng hóa đến với người dân khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa và công nhân các khu công nghiệp, khu chế xuất, Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh đã tổ chức 490 chuyến bán hàng lưu động. Trong đó, có hơn 48 loại giỏ quà Tết với giá từ 70.000-200.000 đồng phục vụ công nhân ngày Tết. Cũng trong tháng 1, Sở đã công bố trên 300 điểm bán hàng đạt tiêu chuẩn VietGap cung cấp hàng an toàn cho người dân.
Tại Cần Thơ, ông Huỳnh Trung Tín - Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Cần Thơ - chia sẻ, thực hiện Chỉ thị của Bộ Công Thương về bình ổn thị trường dịp Tết Nguyên đán, Sở Công Thương tỉnh Cần Thơ đã xây dựng 23 điểm bán lẻ bình ổn thị trường với lượng hàng hóa lên đến 460 tỷ đồng, tăng 110 tỷ đồng so với năm 2015. Tất cả các DN tham gia điểm bán hàng đều đảm bảo giá thấp hơn 5 - 10% so với giá thị trường. Tổng lượng hàng hóa dự trữ cho dịp Tết Nguyên đán Bính Thân đạt trên 5.200 tỷ đồng, đảm bảo không sốt hàng, tăng giá.
Sở Công Thương tỉnh Cần Thơ cũng phối hợp với Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh thực hiện liên kết, cung ứng hàng hóa trên địa bàn. Ngoài 14 siêu thị và trung tâm thương mại trên toàn tỉnh, Cần Thơ đã bố trí 2.300 lô bán hàng ở các quận, huyện phục vụ tết cho bà con vùng nông thôn và công nhân tại các khu công nghiệp, khu chế xuất. Sở Công Thương còn phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức 8 điểm bán hàng nông sản có nguồn gốc để đảm bảo hàng hóa cho bà con trong dịp Tết.
Nỗ lực hoàn thành mục tiêu xuất khẩu
Trong tháng 1, kim ngạch xuất khẩu (XK) cả nước ước đạt 13,8 tỷ USD, tăng 2,2% so với cùng kỳ năm 2015. Trong đó, một số mặt hàng có kim ngạch XK tăng so với cùng kỳ năm trước như gạo tăng 62,2%; thủy sản tăng 10,3%; giày dép tăng 7,5%; dệt may tăng 5,8%; gỗ và sản phẩm gỗ tăng 3,4%; điện thoại và linh kiện tăng 2,4%...
Mục tiêu năm 2016 là kim ngạch XK tăng trưởng 10% (Ảnh: Cấn Dũng) |
Xét về thị trường, trong tháng 1, Việt Nam XK vào Hoa Kỳ ước đạt 3,1 tỷ USD, tăng 17,3% so với cùng kỳ năm 2015. Tiếp đến là Liên minh châu Âu (EU) đạt 2,7 tỷ USD, tăng 1,8%; Trung Quốc đạt 1,7 tỷ USD, tăng 24,3%; ASEAN đạt 1,5 tỷ USD, giảm 12,4%... so với cùng kỳ năm trước...
Điều đáng lưu ý là kim ngạch XK của nhóm hàng công nghiệp chế biến chỉ tăng trưởng khoảng 2,8% và là mức tăng trưởng khá thấp của lĩnh vực này. Nguyên nhân là do XK của nhóm điện thoại, linh kiện và máy tính, linh kiện điện tử có xu hướng tăng trưởng chậm lại.
Đánh giá về bức tranh chung của XK, theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, việc sụt giảm XK một phần là do giá của nhóm mặt hàng quặng và khoáng sản giảm mạnh, với mức giảm lên tới 69,8%. Bên cạnh đó, XK điện thoại và linh kiện năm nay chỉ tăng khoảng 2,4% so với cùng kỳ năm ngoái đã tác động đến bức tranh chung của ngành.
Trước thực tế trên, để hoàn thành kế hoạch năm 2016 với mức tăng trưởng XK 10% so với năm 2015 và nhập siêu dưới 5% kim ngạch XK, Thứ trưởng Trần Tuấn Anh đã yêu cầu các đơn vị chức năng của Bộ Công Thương phải xây dựng giải pháp, tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Trong đó, tập trung hoàn thiện hơn nữa môi trường pháp lý theo hướng thực hiện tốt các cam kết quốc tế về hội nhập cũng như đơn giản hóa thủ tục hành chính cho doanh nghiệp có thể tiết giảm chi phí phát triển sản xuất kinh doanh, đầu tư mở rộng XK.
Tháo gỡ khó khăn cho ngành dầu khí
Giá dầu thô liên tục giảm sâu đã gây ảnh hưởng lớn đến ngành dầu khí. Theo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), tổng sản lượng dầu quy đổi tháng 1 đạt 2,56 triệu tấn, bằng 109,7% kế hoạch tháng, trong đó, sản lượng khai thác dầu 1,57 triệu tấn, bằng 107% kế hoạch tháng và sản lượng khai thác khí đạt 0,99 tỷ mét khối, bằng 113,4% kế hoạch tháng. Sản xuất điện đạt 1,73 tỷ kWh, bằng 89,2% kế hoạch tháng và sản xuất xăng dầu đạt 565,6 nghìn tấn, bằng 114% kế hoạch tháng.
Ngành dầu khí gặp nhiều khó khăn do giá dầu suy giảm |
Tuy nhiên, do giá dầu thô dầu trung bình tháng 1 chỉ đạt 32,4 USD/thùng, giảm 9,6 USD so với mức giá trung bình của tháng 12/2015 và giảm 17,8 USD/thùng (tương đương giảm 35,4%) nên doanh thu của toàn bộ tập đoàn chỉ đạt 81,1 nghìn tỷ đồng, bằng 74% kế hoạch tháng. PVN nộp ngân sách đạt 6,2 nghìn tỷ đồng, bằng 72% kế hoạch tháng.
Theo ông Đỗ Chí Thanh, Phó Tổng Giám đốc PVN, do giá dầu giảm, chỉ bằng 54% giá kế hoạch nên doanh thu của nhiều đơn vị trong PVN cũng bị ảnh hưởng nhất là các doanh nghiệp chuyên ngành về khai thác dầu khí, thậm chí một số đơn vị như Tổng công ty khai thác dầu khí, PVOil... đang chịu lỗ trong tháng 1. Trong tháng 2, PVN sẽ triển khai nhiều biện pháp để có phương án và kịch bản đối phó với giá dầu giảm sâu dưới 30 USD/thùng, trong đó có kế hoạch giãn, dừng khai thác một số mỏ dầu.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh khẳng định, trong việc xây dựng kịch bản cho giá dầu năm nay, PVN cần có sự chủ động cập nhật tình hình diễn biến giá dầu trên thế giới và thường xuyên báo cáo Chính phủ cũng như Bộ Công Thương để từng bước tháo gỡ khó khăn và hoàn thành kế hoạch được giao.