Nỗ lực tiêu thụ hết cá an toàn cho bà con ngư dân
Bộ Công Thương tích cực phối hợp tiêu thụ cá an toàn cho bà con miền Trung |
Lượng cá an toàn tại miền Trung được tiêu thụ tương đối khả quan
Trước sự cố môi trường tại các vùng biển miền Trung thời gian qua, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước Bộ Công Thương Võ Văn Quyền, cho biết, những ngày qua, tiêu thụ cá biển tại khu vực miền Trung từ Hà Tĩnh trở vào đã trở thành vấn đề nóng, nhận được sự chia sẻ của báo chí cũng như sự quan tâm của tất cả các tầng lớp trong xã hội. Sau khi Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành vào cuộc, Bộ Công Thương đã thiết lập ngay đường dây nóng ở tại Hà Tĩnh và sau đó có những biện pháp nhằm hỗ trợ tiêu thụ hết hải sản đánh bắt xa bờ đảm bảo an toàn thực phẩm.
Cụ thể, Bộ Công Thương chỉ đạo các DN phân phối lớn, đặc biệt là Sài Gòn Coop và các siêu thị trên toàn quốc tiêu thụ cá an toàn cho bà con. Đồng thời, tổ chức những đoàn kiểm tra liên ngành để đảm bảo DN không vận chuyển, kinh doanh, tiêu thụ cá chết bất thường. Ngoài ra, yêu cầu các địa phương, DN, hiệp hội vào cuộc để mở rộng kết nối cung cầu, giúp hải sản không chỉ tiêu thụ tại chỗ mà còn đưa đi các địa bàn khác. Tính đến nay, lượng cá tiêu thụ được tương đối khả quan như Quảng Bình tiêu thụ được trên 200 tấn, Hà Tĩnh trên 170 tấn… Giá bán cá cũng dần phục hồi trở lại.
Theo chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công Thương, hôm qua (5/5), Bộ Công Thương đã có văn bản khẩn cấp gửi đến các Sở Công Thương, hiệp hội, DN lớn trên cả nước, tiếp tục thiết lập đường dây nóng để mở rộng việc hỗ trợ đánh bắt, thu mua, chế biến thủy sản an toàn. Đặc biệt, mở các điểm bán hàng tại siêu thị, chợ đầu mối, chợ dân sinh… để tiêu thụ cá cho bà con.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải khẳng định thêm, tại phiên họp thường kỳ tháng 4 của Chính phủ được vừa tổ chức mới đây, Bộ Công Thương được đánh giá là đơn vị tích cực vào cuộc khi xảy ra sự cố cá chết tại 4 tỉnh. Việc quan trọng nhất hiện nay là phối hợp với địa phương, Bộ Công Thương đang làm rất quyết liệt và chặt chẽ. Đặc biệt, khi người dân đang có tâm lý e ngại tiêu thụ cá, Bộ Công Thương cũng triển khai nhiều giải pháp nhằm giữ ổn định giá các mặt hàng thực phẩm khác như thịt, trứng… không để xảy ra tình trạng đầu cơ tăng giá.
Chưa có kết luận chính thức vụ bán hàng đa cấp
Chia sẻ với phóng viên về kết quả của hoạt động thanh, kiểm tra bán hàng đa cấp, Phó Cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh Nguyễn Phương Nam cho biết, tháng 3/2016, Bộ Công Thương đã ra quyết định thành lập đoàn thanh kiểm tra hoạt động bán hàng đa cấp. Đây là đoàn kiểm tra mang tính liên ngành, có đại diện Bộ Công an và sự phối hợp của các địa phương. Theo quy định của pháp luật, trong vòng 45 ngày, đoàn công tác sẽ ra báo cáo quyết định cuối cùng. Nếu vụ việc có tính chất phức tạp, buộc phải gia hạn thì thời gian kéo dài thêm không qua 30 ngày. Như vậy, nếu trong trường hợp phải gia hạn, đến giữa tháng 6, đoàn công tác mới có báo cáo cuối cùng.
“Hiện nay đã có báo đưa tin DN này, DN kia đã được đoàn kiểm tra liên ngành, do Cục quản lý Cạnh tranh - Bộ Công Thương làm trưởng đoàn đến kiểm tra và có kết luận rằng không có sai phạm. Tôi xin thông báo đây không phải quan điểm chính thức của Cục Quản lý cạnh tranh. Cục Quản lý cạnh tranh chưa hề ra một kết luận nào. Tất cả các hoạt động đang được xem xét, điều tra, ghi nhận lại để ra quyết định cuối cùng theo đúng thời hạn đã được pháp luật quy định” - ông Nguyễn Phương Nam khẳng định.
Để “thanh lọc” hoạt động bán hàng đa cấp, với thẩm quyền của mình, Cục Quản lý cạnh tranh đã trình lãnh đạo Bộ Công Thương và được Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành Chỉ thị 02 yêu cầu các Sở Công Thương tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, tuyên truyền để người dân không bị lôi kéo, dụ dỗ vào hoạt động bán hàng đa cấp mang tính lừa đảo. Ngoài ra, đẩy mạnh tuyên truyền trên Website của Bộ Công Thương và Cục quản lý cạnh tranh để cảnh báo người dân về hoạt động này nhằm ngăn ngừa tối đa hậu quả không đáng có. Cục quản lý cạnh tranh cũng đăng tải đầy đủ thông tin về các DN bị thu hồi giấy phép kinh doanh bán hàng đa cấp. Đồng thời tổ chức nhiều buổi tuyên truyền tại Kiên Giang, Nam Định, Thái Nguyên… về hoạt động kinh doanh, bán hàng đa cấp tại các khu vực dân cư tập trung.
Đối với công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, Cục Quản lý cạnh tranh đang xây dựng để trình Chính phủ phương án sửa đổi Nghị định số 42 năm 2014 về quản lý bán hàng đa cấp. Dự kiến, bản dự thảo sửa đổi Nghị định này sẽ được hoàn thiện theo hướng siết chặt hơn hoạt động quản lý bán hàng đa cấp để làm sao nâng cao hiệu quả hoạt động bán hàng đa cấp.
Tiếp tục đưa mặt hàng xăng dầu vận hành theo giá thị trường
Liên quan đến các câu hỏi về vấn đề quản lý giá xăng dầu, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết, thời gian qua, Bộ Công Thương và Bộ Tài Chính đã phối hợp điều hành giá xăng dầu theo đúng Nghị định 83. Trong đó, năm 2015, việc điều hành giá xăng dầu theo Nghị định 83 đã đạt được 2 yếu tố. Trước hết, giá xăng dầu trong nước đã tiệm cận với giá thế giới, tức là giá thế giới tăng thì giá trong nước cũng tăng, tuy nhiên tăng - giảm bao nhiêu còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố - Thứ trưởng phân tích. Thứ hai, tính công khai minh bạch của việc điều hành giá xăng dầu đã được bảo đảm tốt hơn. Công thức tính giá xăng dầu đã được đăng tải công khai. Người dân có thể dựa vào công thức đó để tính được hoặc tự so sánh được giá xăng dầu trong nước với giá các nước trên thế giới.
Cũng theo Thứ trưởng, gần đây, Việt Nam tham gia ký kết nhiều Hiệp định thương mại tự do (FTA), nhất là các FTA thế hệ mới, nên thuế xăng dầu khi áp dụng có khác nhau. Bởi vậy, vừa qua, Bộ Tài Chính đã phải trình báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Theo chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ Tài chính cũng đã áp dụng thuế suất mới. Dựa vào đó, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ Tài chính để điều hành giá xăng dầu.
Vừa qua, Bộ Công Thương đã nhận được một số công văn của các DN sản xuất xăng dầu trong nước như Dung Quất, hay sắp tới là Nghi Sơn, Bình Sơn… nêu ý kiến rằng, thuế xăng dầu đang áp dụng chưa đảm bảo sự hài hòa giữa các DN sản xuất, kinh doanh xăng dầu và đối tượng tiêu dùng. “Việc này chúng tôi đã tập hợp ý kiến và gửi công văn báo cáo các cấp có thẩm quyền, Chính phủ và các bộ ngành có liên quan… Chúng tôi sẽ phối hợp với Bộ Tài chính nghiên cứu ý kiến các bên liên quan để có mức thuế xuất hợp lý” - Thứ trưởng cho hay.