"Nóng" vấn đề điện và xuất khẩu vải
Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh (giữa) giải đáp nhiều vấn đề "nóng"
Đảm bảo không thiếu điện mùa khô
Thời gian qua, do nắng nóng kéo dài trên diện rộng, đặc biệt tại khu vực miền Bắc đã khiến nhu cầu điện tăng lên nhanh chóng. Việc này dẫn đến lo ngại nhu cầu điện sẽ vượt khả năng cung cấp, sẽ phải cắt điện luân phiên.
Trả lời về vấn đề này, ông Đinh Thế Phúc – Phó Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực – Bộ Công Thương cho biết, hiện nay, tổng công suất lắp đặt của hệ thống điện nước ta là khoảng 35.500 MW, trong đó công suất khả dụng vào khoảng 29.500 – 30.000 MW. Trong đợt nắng nóng vừa qua, công suất tối đa được Bộ Công Thương ghi nhận là là 25.193 MW (ngày nắng nóng nhất - 28/5). Như vậy, với sản lượng điện dự phòng, hệ thống điện hiện nay hoàn toàn có đủ khả năng cung ứng đủ cho nhu cầu sản xuất và đời sống.
Tuy nhiên, ông Đinh Thế Phúc cũng lý giải, thời gian vừa qua, theo Trung tâm khí tượng thủy văn, thời tiết nắng nóng đã lên đến mức kỷ lục trong mấy chục năm, dẫn đến sản lượng điện phát tăng trên 13,5% so với cùng kỳ năm 2014. Đặc biệt, ở khu vực miền Bắc, nắng nóng lên rất cao khiến sản lượng điện bình quân ngày tăng đến 17%. Riêng tại Hà Nội, bình quân ngày trong tháng 5 đã tăng tới 28% so với tháng 4. Chính vì vậy, một số khu vực đã xảy ra tình trạng quá tải dẫn đến việc mất điện cục bộ ở một số thời điểm.
Ông Đinh Thế Phúc cho hay: “Chúng tôi đã yêu cầu tất cả các Công ty điện lực nếu nắng nóng trên 36 độ phải dừng tất cả các công tác sửa chữa, xây dựng theo kế hoạch để đảm bảo cấp điện cho sản xuất và sinh hoạt”.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh khẳng định thêm: “Nguyên tắc của Bộ Công Thương là đảm bảo không thiếu điện, đặc biệt trong mùa khô. Tuy nhiên, do nhu cầu điện tăng cao nên không thể tránh khỏi tình trạng quá tải dẫn đến mất điện cục bộ tại một số địa phương ở những thời điểm cụ thể. Với tình trạng này, Bộ Công Thương cam kết sẽ kiên quyết khắc phục ngay, đảm bảo đời sống và sản xuất cho người dân và doanh nghiệp”.
Cơ hội lớn cho trái vải
Cũng tại buổi họp báo, một vấn đề quan trọng được nhiều phóng viên đưa ra là cơ hội cho trái vải trong mùa vụ 2015 khi vải Việt Nam vừa chính thức được Mỹ và Úc – hai thị trường khó tính hàng đầu chấp nhận cho nhập khẩu.
Về vấn đề này, Thứ trưởng Trần Tuấn Anh cho hay, vừa qua, Mỹ và Úc đã mở cửa cho trái vải Việt Nam. Trên thực tế, đối với những thị trường chặt chẽ và khó tính, yêu cầu cao về chất lượng nông sản, quy trình để làm thủ tục đưa một mặt hàng mới như rau quả, trái cây vào các thị trường này thường phải mất 5 – 8 năm. Việc đưa trái vải vào các thị trường này là nỗ lực lớn của các bộ ngành, các địa phương trong việc xây dựng văn bản quy phạm pháp luật cũng như sản xuất sản phẩm đúng theo chứng nhận VietGap và GlobalGap nhằm đảm bảo chất lượng xuất khẩu (XK).
Nhưng phải khẳng định rằng để đưa thành công các sản phẩm vào những thị trường này không hề đơn giản và sẽ tiếp tục đòi hỏi sự nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương và DN trong xây dựng, quảng bá giữ hình ảnh, chất lượng cho các sản phẩm. Bên cạnh đó, việc này cũng đòi hỏi các DN phải xây dựng chiến lược marketing cho sản phẩm.
Thứ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định: “Việc kỳ vọng có kim ngạch XK lớn vào Mỹ, Úc ngay trong 1 – 2 năm đầu là không nhiều, tuy nhiên, đây là những bước đi vô cùng quan trọng và ý nghĩa do thứ nhất, ta đã nhận được được sự cấp phép chính thức của các cơ quan phía bạn để đưa các sản phẩm đường đường chính chính vào thị trường. Thứ hai, dù thời gian qua, ta đã nhận được thông tin có thể chỉ XK vài trăm tấn vào các thị trường này nhưng các DN đã vào cuộc để kết nối người dân nhằm tạo ra các vùng sản phẩm đảm bảo chất lượng đúng với yêu cầu. Với sự vào cuộc của DN, sản phẩm của chúng ta sẽ có cơ hội lớn trụ vững ở những thị trường này vì DN chính là cầu nối kết nối sản xuất và tiêu thụ trên thị trường. Thứ ba, với việc bước đi từng bước, ta có điều kiện tính toán và xây dựng phương án hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi để giúp DN tiêu thụ sản phẩm và người nông dân có điều kiện phát triển sản phẩm đáp ứng đủ tiêu chuẩn XK vào các thị trường này. Đồng thời ta cũng có kinh nghiệm để tiếp tục mở cửa những thị trường lớn hơn”.
Như vậy mùa vải năm 2015, ta vẫn trông nhiều vào tiêu thụ nội địa và XK sang Trung Quốc. Với những giải pháp đã đề ra, có thể hy vọng lượng tiêu thụ nội địa và XK sang Trung Quốc năm nay vẫn tương đương năm 2014, tức là tiêu thụ trong nước 60% và XK sang Trung Quốc 40%. Cũng trong tháng 6, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục tổ chức Hội nghị tiêu thụ vải tại TP Hồ Chí Minh nhằm kết nối giữa các kênh tiêu thụ và người dân các vùng sản xuất vải, hướng tới một vụ vải bội thu.